Mỹ phẩm online vàng, thau lẫn lộn

Hàng trăm chai sữa tắm giả mạo nhãn hiệu Tesori doriente, hàng nghìn hộp mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ vừa bị lực lượng quản lý thị trường (QLTT) thu giữ cho thấy, tình trạng kinh doanh, vận chuyển mỹ phẩm lậu, giả đã 'nóng' trở lại.

Ảnh hàng thật, bán hàng giả

Mỹ phẩm đang dần trở thành mặt hàng bình dân, phổ biến. Do điều kiện kinh doanh không khắt khe như thực phẩm, dược phẩm, nên nhiều cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng tham gia kinh doanh mặt hàng này thông qua các loại hình phân phối khác nhau, đặc biệt trên thương mại điện tử (TMĐT). Lợi dụng việc mua sắm không qua trực tiếp, chỉ nhìn hình ảnh, một số đối tượng đã sử dụng hình ảnh của sản phẩm thật, quảng cáo, bán hàng giả.

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp Vụ, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) - cho biết, mỹ phẩm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất khá tinh vi, rất khó để phân biệt. Các loại mỹ phẩm này thường trà trộn và bán cùng hàng thật. Đáng chú ý, trên các "chợ mạng" hình ảnh sản phẩm thật được các đối tượng sử dụng, quảng cáo để bán sản phẩm giả.

Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bị thu giữ

Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bị thu giữ

Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ sản xuất, đóng gói mỹ phẩm giả trong nước (tự pha chế nguyên liệu, đóng gói, dán nhãn…), mỹ phẩm nhập lậu. Trong đó, mỹ phẩm giả có nguồn gốc nước ngoài có xu hướng gia tăng. Đơn cử, đầu tháng 10/2021, lực lượng QLTT Hà Nội vừa thu giữ 566 sữa tắm giả nhãn hiệu Tesori doriente nổi tiếng trên thị trường, do một đối tượng mua trôi nổi trên thị trường để kinh doanh. Trước đó, vào cuối tháng 9, lực lượng QLTT Tiền Giang đã tạm giữ hơn 2.500 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu hàng nhập lậu; Thừa Thiên Huế 2.000 sản phẩm mỹ phẩm; Bắc Ninh phát hiện 5.000 hộp mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh được tính hợp pháp của hàng hóa…

Tăng cường kiểm tra, kết hợp tuyên truyền, ký cam kết

Mặc dù lực lượng QLTT liên tiếp thu giữ mỹ phẩm lậu, giả, tuy nhiên, những hành vi vi phạm này vẫn gia tăng. Theo ông Nguyễn Đức Lê, lực lượng QLTT gặp nhiều khó khăn khi phát hiện các vụ vi phạm, đặc biệt trên TMĐT, do thiếu các công cụ hiệu quả để giám sát, theo dõi giao dịch cũng như truy xuất các đối tượng giao dịch, địa điểm kinh doanh, địa điểm cất giữ hàng hóa. Hơn nữa, nhiều cơ sở kinh doanh thương mại là các cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ, hộ gia đình, cá nhân nên khó kiểm soát, giám sát, theo dõi.

Trước "ma trận" mỹ phẩm hiện nay, ông Nguyễn Đức Lê khuyến nghị, người tiêu dùng nên mua ở những cơ sở uy tín, không nên mua hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đối với mỹ phẩm trên môi trường TMĐT, người mua có thể tham gia các cộng đồng tiêu dùng thông minh trực tiếp hoặc gián tiếp mua sản phẩm của nhau, chia sẻ tài nguyên thông tin đối tác, khách hàng. Với nhà cung cấp minh bạch, người mua có thể tương tác trực tiếp để quyết định mua online hay offline dựa trên chữ tín và các bên cùng có lợi.

Thời gian qua, bên cạnh việc chủ động thu thập thông tin, khảo sát thị trường và tăng cường công tác kiểm tra xử lý vi phạm, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo lực lượng QLTT địa phương tổ chức tuyên truyền, ký cam kết tới từng hộ kinh doanh tại những địa bàn trọng điểm để nâng cao nhận thức và giúp các cơ sở kinh doanh chủ động, tự giác phòng tránh hàng giả, kém chất lượng. Cùng với đó, tích cực phối hợp các cơ quan chức năng, tăng cường công tác chia sẻ thông tin và phối hợp đấu tranh phòng, chống mỹ phẩm giả, kém chất lượng. Đặc biệt, với sự phối hợp của các doanh nghiệp, đã giúp lực lượng QLTT nhanh chóng xử lý nhiều vi phạm mặt hàng này.

Người tiêu dùng nên cảnh giác với các mỹ phẩm giá rẻ bất thường. Các sản phẩm giá quá rẻ so với thị trường có thể tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm chất lượng, hàng giả...

Tuệ Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/my-pham-online-vang-thau-lan-lon-165283.html