Mỹ phủ quyết dự thảo của LHQ về xung đột Israel - Hamas

Mỹ phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc kêu gọi Israel mở các hành lang nhân đạo để viện trợ nhân đạo tiếp cận Dải Gaza, tạm dừng các hoạt động giao tranh và bỏ yêu cầu dân thường rời Bắc Gaza.

Quang cảnh cuộc bỏ phiếu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, ngày 16/10. Ảnh: Reuters

Quang cảnh cuộc bỏ phiếu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, ngày 16/10. Ảnh: Reuters

Theo Guardian, trong cuộc bỏ phiếu ngày 18/10 tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, dự thảo nghị quyết do Brazil soạn thảo đã được 12/15 quốc gia thành viên của hội đồng bỏ phiếu ủng hộ. Anh và Nga bỏ phiếu trắng, còn Mỹ bỏ phiếu chống.

Nội dung dự thảo nghị quyết này bao gồm việc lên án "các cuộc tấn công khủng bố" của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo (Hamas), kêu gọi Israel - nhưng không nêu tên trực tiếp - về việc hủy bỏ lệnh yêu cầu dân thường và nhân viên Liên Hợp Quốc ở Bắc Gaza di chuyển đến vùng phía Nam.

Dự thảo nghị quyết cũng không kêu gọi một lệnh ngừng bắn rõ ràng, thay vào đó đề cập đến "sự tạm dừng nhân đạo để cho phép các cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc tiếp cận nhân đạo đầy đủ, nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở".

Một cô gái bị thương sau cuộc tấn công của Israel vào thị trấn Deir Al-Balah, trung tâm Gaza. Ảnh: AFP

Một cô gái bị thương sau cuộc tấn công của Israel vào thị trấn Deir Al-Balah, trung tâm Gaza. Ảnh: AFP

Trước đó, cuộc bỏ phiếu này đã bị 2 lần trì hoãn trong vài ngày qua trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng làm trung gian để mở đường viện trợ tại Gaza.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield bày tỏ thất vọng vì dự thảo nghị quyết không đề cập đến quyền tự vệ của Israel và bà đổ lỗi cho Hamas về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza.

"Chúng tôi đang làm việc với Israel, các nước láng giềng, Liên Hợp Quốc và các đối tác khác để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza. Điều quan trọng là thực phẩm, thuốc men, nước và nhiên liệu phải bắt đầu được chuyển vào Gaza càng sớm càng tốt. Hành động của chính Hamas đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng này", bà Thomas-Greenfield nhấn mạnh.

Anh cho biết dự thảo nghị quyết không đề cập đến cách Hamas sử dụng những dân thường Palestine làm lá chắn sống. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun mô tả động thái này là "không có gì khó tin", trong khi Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho rằng đây là một ví dụ về "tiêu chuẩn kép" của Mỹ.

Ông Sergio Franca Danese, Đại sứ Brazil tại Liên Hợp Quốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng 10, bày tỏ hy vọng "những nỗ lực của các bên khác sẽ mang lại kết quả tích cực" vì "hàng trăm nghìn thường dân ở Gaza không thể chờ đợi lâu hơn nữa".

Hiện trường vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli ở Gaza khiến hàng trăm người thiệt mạng. Ảnh: Reuters

Hiện trường vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli ở Gaza khiến hàng trăm người thiệt mạng. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức để cho phép thả con tin và tiếp cận viện trợ nhân đạo tới Gaza. Phát biểu từ Doha (Qatar), Đặc phái viên hòa bình của Liên Hợp Quốc về Trung Đông Tor Wennesland nói với Hội đồng Bảo an rằng có khu vực này đang có nguy cơ "rất thực tế và cực kỳ nguy hiểm" về việc mở rộng xung đột.

"Tôi lo ngại rằng chúng ta đang đứng trước bờ vực sâu thẳm và nguy hiểm có thể thay đổi quỹ đạo của cuộc xung đột Israel - Palestine, nếu không nói là của toàn bộ Trung Đông", ông nói.

Trong khi đó, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về các vấn đề nhân đạo kiêm Giám đốc cứu trợ của Liên Hợp Quốc Martin Griffiths nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi rất cần một cơ chế được tất cả các bên liên quan đồng ý để cho phép cung cấp thường xuyên các dịch vụ khẩn cấp trên khắp Gaza".

Nga cho biết đã yêu cầu Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 193 thành viên, triệu tập một phiên họp đặc biệt khẩn cấp về cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Đại hội đồng có thể quyết định đưa một dự thảo nghị quyết để biểu quyết, nơi không có quốc gia nào có quyền phủ quyết. Các nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc nhưng có sức nặng chính trị.

Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi cho biết ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/10 đã có cuộc điện đàm về việc thảo luận cách cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza thông qua cửa khẩu biên giới Rafah. Ông Biden nói với các phóng viên rằng nhà lãnh đạo Ai Cập đã đồng ý cho phép 20 xe tải được đi qua cửa khẩu Rafah.

Tuyên bố của Ai Cập cho biết các quan chức ở hai nước đang phối hợp với các tổ chức nhân đạo quốc tế - do Liên Hợp Quốc giám sát - để cung cấp viện trợ cho dân thường ở Gaza.

Xe tải chở hàng tiếp tế xếp hàng gần cửa khẩu biên giới Rafah ở Bắc Sinai, Ai Cập, ngày 18/10. Ảnh: Getty Images

Xe tải chở hàng tiếp tế xếp hàng gần cửa khẩu biên giới Rafah ở Bắc Sinai, Ai Cập, ngày 18/10. Ảnh: Getty Images

Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng ngày ra tuyên bố nước này sẽ không ngăn cản các chuyến hàng chở nước, thực phẩm và thuốc men vào Dải Gaza thông qua cửa khẩu của Ai Cập. Tuy nhiên, Israel cho biết sẽ không phép tiếp tế từ lãnh thổ nước này cho tới khi Hamas thả tất cả con tin.

Sau cuộc tấn công bất ngờ hôm 7/10 của Hamas, Israel ngày 9/10 tuyên bố bao vây hoàn toàn Dải Gaza, cắt đứt nguồn cung điện, lương thực, nước sạch và nhiên liệu cho khu vực vốn là nơi sinh sống của 2,3 triệu dân. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế cho rằng động thái của Israel là "vi phạm luật quốc tế" khi đẩy dân thường ở Dải Gaza rơi vào tình cảnh thiếu thốn.

Kể từ khi Hamas kiểm soát Dải Gaza vào năm 2007, Israel và Ai Cập đã dựng hàng rào phong tỏa vùng đất này. Các cư dân Gaza từ đó phải phụ thuộc vào các nguồn viện trợ từ bên ngoài thông qua lãnh thổ Israel.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/my-phu-quyet-du-thao-cua-lhq-ve-xung-dot-israel-hamas-post28210.html