Mỹ siết viện trợ vũ khí, Ukraine có 'vỡ trận' phòng không?

Mỹ đột ngột đình chỉ các chuyến hàng vũ khí chiến lược cho Ukraine giữa lúc Nga tăng cường tấn công – một quyết định đặt Ukraine vào thế thủ bị động.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Washington D.C. ngày 28/2/2025. Ảnh: AP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Washington D.C. ngày 28/2/2025. Ảnh: AP/TTXVN

Theo tờ Kyiv Post (Ukraine) ngày 2/7, trong một động thái khó lường, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh tạm dừng các chuyến hàng tên lửa phòng không quan trọng và vũ khí chính xác tới Ukraine, lấy lý do lo ngại về tình trạng cạn kiệt kho dự trữ vũ khí của Mỹ. Quyết định này được đưa ra khi Ukraine đang phải đối mặt với một trong những đợt không kích dữ dội nhất từ phía Nga kể từ khi cuộc xung đột nổ ra.

Tờ Politico (Mỹ) trước đó đưa tin, quyết định đình chỉ được đưa ra sau khi Lầu Năm Góc tiến hành rà soát kho dự trữ vũ khí và phát hiện tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng tên lửa phòng không, bom dẫn đường và đạn pháo. Mặc dù Lầu Năm Góc chưa đưa ra bình luận công khai, Phó Thư ký Báo chí Nhà Trắng Anna Kelly đã xác nhận việc tạm dừng, khẳng định: “Quyết định này được đưa ra nhằm đặt an ninh quốc gia của Mỹ lên hàng đầu, sau khi Bộ Quốc phòng nước này xem xét lại viện trợ quân sự toàn cầu”. Bà Kelly cũng nhấn mạnh: “Sức mạnh của quân đội Mỹ vẫn không bị nghi ngờ".

Những loại vũ khí bị đình chỉ và bối cảnh quyết định

Các loại vũ khí nằm trong diện bị giữ lại bao gồm tên lửa cho hệ thống phòng không Patriot, đạn pháo chính xác, tên lửa Hellfire và nhiều loại đạn dược khác mà Ukraine đang sử dụng để đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga. Theo kênh NBC News, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã ký lệnh trì hoãn các chuyến hàng này vài tuần sau khi ông ban hành một bản ghi nhớ nội bộ chỉ đạo xem xét toàn diện kho dự trữ đạn dược của Mỹ. Việc giao vũ khí và các viện trợ quân sự khác có thể bị hoãn lại cho đến khi quá trình xem xét hoàn tất, nhưng Mỹ có thể kéo dài thời gian tạm dừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine lâu hơn nữa nếu vũ khí bị thiếu hụt hoặc nếu Hoa Kỳ cần cung cấp chúng cho các khu vực khác trên thế giới.

Việc tạm dừng trên diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang nỗ lực phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa ngày càng gia tăng từ Nga. Vào cuối tuần qua, Nga đã phóng gần 500 UAV, mồi nhử và tên lửa vào Ukraine trong cuộc tấn công trên không lớn nhất từ trước đến nay, dù lực lượng Ukraine đã bắn hạ khoảng một nửa số đó.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ dẫn các phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin ngày 2/7 rằng việc Mỹ tạm dừng cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ ảnh hưởng đến hàng chục hệ thống đánh chặn PAC-3 (hệ thống phòng không Patriot), hàng chục hệ thống phòng không vác vai Stinger, hàng nghìn quả đạn pháo nổ mạnh 155mm, hơn 100 tên lửa không đối đất Hellfire, hơn 250 tên lửa cho Hệ thống tên lửa phóng loạt có điều khiển (GMLRS), hàng chục súng phóng lựu và hàng chục tên lửa không đối không AIM.

Bộ Ngoại giao Ukraine (MFA) tuyên bố vào ngày 2/7 rằng việc tiếp tục cung cấp các gói quốc phòng của Mỹ đã được phân bổ trước đó là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là để tăng cường khả năng phòng không của Ukraine. MFA tuyên bố rằng các cuộc tham vấn giữa Mỹ và Ukraine về nguồn cung cấp quốc phòng đang diễn ra ở mọi cấp độ và Kiev sẽ thảo luận với Washington về việc tìm ra các giải pháp có lợi cho cả hai bên để tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine.

Tiền lệ và những hệ lụy tiềm tàng

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Trump tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine. Hồi tháng 3, Mỹ cũng đã đình chỉ hỗ trợ vũ khí và tình báo. Tổng thống Trump đã biện minh cho động thái đó bằng cách nói rằng ông muốn thúc đẩy chấm dứt giao tranh, khẳng định Mỹ đã chi 350 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine so với 100 tỷ USD của châu Âu. Lệnh đình chỉ đó đã được dỡ bỏ một phần sau cuộc đàm phán giữa các quan chức Mỹ và Ukraine tại Saudi Arabia vào ngày 11/3, khi cả hai bên đồng ý nối lại viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo, đổi lại Ukraine chấp nhận đề xuất của Mỹ về việc thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức trong 30 ngày.

Việc tạm dừng viện trợ hiện tại đang gây thêm bất ổn khi không có mốc thời gian rõ ràng về thời điểm vũ khí có thể đến tay lực lượng Ukraine. Sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây ở Hà Lan, Tổng thống Trump đã gợi ý về khả năng vẫn có thêm viện trợ. Ông Trump nói: "Họ muốn có tên lửa. Chúng tôi sẽ xem liệu có thể cung cấp một số tên lửa hay không, nhưng sẽ rất khó có được".

Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng sự chậm trễ này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng trên chiến trường. Tom Karako, chuyên gia phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định với Politico: "Phòng không sẽ không giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến - nhưng nếu không có nó, Kiev có thể nhanh chóng thất thế".

ISW nhận định rằng quyết định đình chỉ viện trợ quân sự cho Kiev có thể sẽ buộc các lực lượng Ukraine phải tiếp tục tích trữ vật tư. Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố rằng nước này chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về việc đình chỉ hoặc sửa đổi lịch trình giao hàng viện trợ quân sự đã thỏa thuận với Mỹ trước thông báo của Nhà Trắng.

Tuy nhiên, một phó chỉ huy của một tiểu đoàn Ukraine đã nói với tờ Washington Post ngày 2/7 rằng các lực lượng Ukraine đã phải tập trung vào việc giữ các vị trí và duy trì nguồn lực. Các lực lượng Ukraine đã phải tích trữ vật tư quan trọng, bao gồm vũ khí phòng không, tên lửa GMLRS và đạn pháo, trong các lần đình chỉ viện trợ trước đây của Mỹ.

Các đối tác châu Âu của Ukraine đang tăng cường nỗ lực cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev và cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine tiếp tục nỗ lực để tự cung tự cấp, nhưng chỉ có Mỹ mới có thể cung cấp một số hệ thống vũ khí ở quy mô lớn và nhanh chóng. Rất có thể các lực lượng Ukraine sẽ phải tích trữ vật tư một lần nữa nếu Mỹ tiếp tục đình chỉ việc cung cấp vũ khí.

Hiện tại, quân đội Ukraine đang phải đối mặt với các cuộc tấn công ngày càng tăng từ Nga trong khi nhận được ít sự hỗ trợ phòng thủ từ phương Tây. Tình hình này đặt ra nhiều thách thức lớn cho Kiev trong thời gian tới. Theo ISW, việc đình chỉ viện trợ của Mỹ cho Ukraine có thể sẽ đẩy nhanh những thắng lợi của Nga trên chiến trường, giống như những lần đình chỉ viện trợ trước đây của Washington. Sự chậm trễ trong viện trợ quân sự của Mỹ vào mùa Thu năm 2023 và mùa Đông-Xuân năm 2024 đã đặt ra điều kiện cho các lực lượng Nga đạt được những thắng lợi trên chiến trường nhanh hơn so với những gì các lực lượng Nga từng đạt được trước đây.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-siet-vien-tro-vu-khi-ukraine-co-vo-tran-phong-khong-20250703154751640.htm