Mỹ vẫn ghi nhận tình trạng trì trệ tiền lương

Ngày 24/7, trang thông tin việc làm Indeed đã công bố báo cáo về thị trường lao động tại Mỹ, theo đó hơn 40% số người lao động trong nước có thu nhập thực tế giảm trong năm qua.

Kiểm tiền USD. Ảnh: THX/TTXVN

Kiểm tiền USD. Ảnh: THX/TTXVN

Theo báo cáo, mức lương trung bình công khai tại Mỹ trong tháng 6 vừa qua đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức tăng 2,7% của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Sự chênh lệch nhỏ này có nghĩa là thu nhập của 43% số người lao động không theo kịp tốc độ tăng của giá cả hàng tiêu dùng, làm giảm sức mua thực tế. Mặc dù tỷ lệ người lao động có thu nhập cao hơn lạm phát đã bắt đầu hồi phục từ mức thấp sau đại dịch, song dữ liệu mới nhất cho thấy vẫn còn nhiều thách thức của tình trạng trì trệ tiền lương.

Nhiều người Mỹ vẫn phải vật lộn với chi phí cao của các mặt hàng thiết yếu như nhà ở, thực phẩm và phương tiện đi lại, trong khi mức tăng lương không đủ để bù đắp chi phí sinh hoạt thực tế. Báo cáo cũng lưu ý rằng mức tăng lương tập trung chủ yếu ở các ngành nghề có mức lương cao hơn, như kỹ thuật điện, dịch vụ pháp lý và tiếp thị, với mức tăng vượt 6%/năm. Ngược lại, những người làm việc trong các lĩnh vực có mức lương thấp truyền thống, như dịch vụ ăn uống, chăm sóc trẻ em và chăm sóc cá nhân, lại chỉ có thu nhập thực tế tăng tối thiểu hoặc thậm chí giảm.

Những chênh lệch này đã góp phần gia tăng sự bất mãn trong nhóm lao động có thu nhập thấp - những người phải đối mặt với chi phí tăng cao nhưng ít nhận được lợi ích từ tăng lương. Tính chất không đồng đều của tăng trưởng tiền lương có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu của hộ gia đình – yếu tố chính thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.

Dù lạm phát đã được kiểm soát từ đỉnh điểm năm 2022, đà tăng lương chậm lại đang khiến nhiều người lao động, đặc biệt là những người làm việc theo giờ hoặc trong các ngành dịch vụ, bị tụt lại phía sau, nhất là những người ít có khả năng đàm phán mức lương.

Báo cáo kết luận dù có những cải thiện khiêm tốn trong các chỉ số tổng hợp, trải nghiệm thực tế của phần lớn lực lượng lao động Mỹ vẫn là sự khó khăn về kinh tế do thị trường lao động vẫn vững chắc, nhưng lợi ích không được chia sẻ đều trên toàn nền kinh tế.

Trung Trang/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/my-van-ghi-nhan-tinh-trang-tri-tre-tien-luong/381713.html