Năm chết chóc với người di cư

Năm 2023 đã trở thành năm có số người thiệt mạng nhiều nhất trên hành trình di cư khỏi đói nghèo, xung đột và chiến tranh để tìm 'miền đất hứa' kể từ khi dữ liệu về người di cư toàn cầu được thống kê từ 10 năm trước.

Một nhóm người di cư lênh đênh trên Địa Trung Hải - khu vực có số người di cư tử vong nhiều nhất thế giới

Một nhóm người di cư lênh đênh trên Địa Trung Hải - khu vực có số người di cư tử vong nhiều nhất thế giới

Số người di cư thiệt mạng tăng 20% so với năm 2023

Trong thông báo mới nhất đưa ra ngày 6-3, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết, năm 2023 là năm có số người di cư thiệt mạng cao nhất trên toàn thế giới kể từ khi các dữ liệu bắt đầu được thống kê từ khoảng 10 năm trước. Theo đó, ít nhất 8.565 người đã thiệt mạng trên các tuyến đường di cư trên toàn thế giới trong năm vừa qua. Con số người di cư thiệt mạng trong năm 2023 vượt qua mức cao nhất từng được ghi nhận trước đó là 8.084 người vào năm 2016. IOM nêu rõ, số người di cư thiệt mạng năm 2023 đã tăng 20% so với năm 2022, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết các chính phủ phải hành động để ngăn chặn tình trạng này. Lý giải về một trong những nguyên nhân chính khiến người di cư thiệt mạng gia tăng trong năm qua, IOM cho rằng còn rất ít những tuyến đường di cư an toàn và được quản lý tốt nên hàng trăm nghìn người vẫn chọn đi qua những tuyến đường bất hợp pháp bất chấp những điều kiện thiếu an toàn.

Hành trình vượt biển Địa Trung Hải vẫn là tuyến đường “chết chóc” nhất với ít nhất 3.129 người thiệt mạng hoặc mất tích trong năm 2023. Theo đó, hơn 50% tổng số người di cư thiệt mạng trong năm 2023 trên hành trình vượt Địa Trung Hải là do đuối nước, 9% do tai nạn giao thông và 7% vì bạo lực. Cũng theo IOM trong một đánh giá khác đưa ra trước đó, tuyến đường phía Đông, từ vùng Sừng châu Phi đến Yemen và các quốc gia vùng Vịnh, và tuyến đường phía Nam, từ vùng Sừng châu Phi đến miền Nam châu Phi qua Kenya và Tanzania, cũng nằm trong số những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất, phức tạp nhất... Tổ chức liên chính phủ về di cư này, khoảng 400.000 lượt người di chuyển đã được ghi nhận trên tuyến đường phía Đông trong năm 2023, trong khi có thêm 80.000 lượt người di chuyển được ghi nhận trên tuyến đường phía Nam, đặc biệt là đến Nam Phi.

Đáng chú ý, một thông báo đưa trung tuần tháng 2-2024, IOM cho biết số người di cư thiệt mạng và mất tích tại châu Mỹ giảm trong năm 2023, ghi nhận 1.148 người di cư thiệt mạng. Con số này thấp hơn so với số liệu ghi nhận năm 2022 và 2021, với các con số lần lượt là 1.462 và 1.328 trường hợp. Tính trong giai đoạn từ năm 2014 đến hết năm 2023, đã có 8.847 người di cư thiệt mạng và mất tích tại châu lục này. Theo IOM, đa phần người di cư thiệt mạng đã chọn những tuyến đường mòn nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, nhưng cũng là những tuyến đường tiềm ẩn nhiều hiểm nguy tới sự sinh tồn cũng như mạng sống của họ. Trong số 1.148 người di cư thiệt mạng trong năm 2023 tại châu Mỹ, số người bị đuối nước chiếm tỷ lệ cao nhất với 398 trường hợp, tiếp đến tai nạn trên đường với 290 trường hợp, khí hậu khắc nghiệt và thiếu chỗ nghỉ ngơi với 150 trường hợp. Ngoài số người bị mất tích, các trường hợp còn lại tử vong vì những lý do khác như bệnh tật, kiệt sức và bị thủ tiêu.

IOM thiết lập Dự án người di cư mất tích từ năm 2014 để hình thành một cơ sở dữ liệu mở về số người di cư tử vong và mất tích trên con đường lánh nạn. Đến nay, tổng số trường hợp ghi nhận trên toàn thế giới trong thời gian 10 năm qua là hơn 63.000 người, nhưng con số thực tế được cho là cao hơn nhiều vì còn rất nhiều khó khăn trong công các thu thập dữ liệu, đặc biệt ở những vùng xa xôi.

Tìm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, chiến tranh

Di cư là một vấn đề nhức nhối ở nhiều khu vực trên thế giới từ nhiều năm nay, đặc biệt là tại Trung Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi, Trung Đông với nhiều lần xảy ra các cuộc khủng hoảng di cư. Trước làn sóng di cư hiện nay, hồi năm 2015, thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng khi cuộc chiến ác liệt tại Syria cùng bất ổn tại Trung Đông - Bắc Phi như tại Libya… đã khiến hàng triệu người dân phải rời bỏ quê hương đi tìm nơi lánh nạn an toàn. Việc khu vực phía Nam và Địa Trung Hải lúc đó gần như rơi vào tình trạng không kiểm soát đã tạo cơ hội cho các nhóm buôn người ở châu Phi dồn người về đó để đưa sang châu Âu tìm “miền đất hứa”.

Nhằm giải quyết vấn đề di cư, cộng đồng quốc tế, nhất là châu Âu, đã đề ra nhiều biện pháp. Liên minh châu Âu (EU) đã thành lập lực lượng với sự tham gia của máy bay và tàu chiến một số quốc gia thành viên để tuần tra, kiểm soát nhằm đối phó với làn sóng di cư bất hợp pháp từ châu Phi và Trung Đông mạo hiểm vượt biển Địa Trung Hải để đến châu Âu. Ủy ban châu Âu (EC, cơ quan hành pháp của EU) cũng đã đưa ra Kế hoạch hành động khẩn cấp bao gồm 20 biện pháp, trong đó trọng tâm là tăng cường phối hợp với các nước như: Tunisia, Libya, Ai Cập… để kiểm soát ngay từ đầu nguồn các dòng người di cư, ngăn chặn và triệt phá các đường dây đưa người vượt biên trái phép cũng như đẩy nhanh thủ tục trục xuất người di cư về lại nơi xuất phát. Một giải pháp tiếp theo mà các nước EU đưa ra là xây dựng cơ chế trao đổi thông tin và phối hợp chặt hơn với các tổ chức phi chính phủ (NGO) thực hiện việc cứu nạn trên biển.

Cũng nhằm ứng phó với dòng người di cư, Anh và một nhóm các quốc gia ở khu vực phía Bắc châu Âu ngày 4-3 vừa qua đã nhất trí hợp tác để ngăn chặn việc cung cấp những chiếc thuyền nhỏ dùng để chở người di cư qua eo biển Manche, nơi hàng chục nghìn người di cư đến các bờ biển phía Đông Nam của nước Anh mỗi năm trên những chiếc thuyền nhỏ từ lục địa châu Âu. Theo đó, các nước chia sẻ thông tin liên quan đến việc vận chuyển nguyên vật liệu làm thuyền nhỏ được sử dụng cho các hoạt động di cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, những biện pháp thực thi thời gian qua vẫn chưa tỏ ra hiệu quả trong việc giải quyết cơ bản vấn đề di cư. Bởi đó mới chỉ là những giải pháp nhằm vào phần ngọn, gốc rễ của vấn đề di cư nằm ở các căn nguyên sâu xa là xung đột, chiến tranh, bất ổn và đói nghèo.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) trong báo cáo “Xu hướng tị nạn” đưa ra cuối năm 2023 cho biết, tổng số người phải rời bỏ nhà cửa, quê hương do “chiến tranh, đàn áp, bạo lực và vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới” ước tính đã vượt quá 114 triệu người, một con số kỷ lục. Làn sóng di cư trỗi dậy trong năm 2023 có phần nguyên nhân quan trọng từ các cuộc xung đột vũ trang mới bùng phát, nhất là xung đột tại Ukraine và xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas tại Trung Đông.

Kể từ khi xung đột quân sự Nga - Ukraine xảy ra tháng 2-2022, hàng triệu người đã trốn khỏi Ukraine và đến tị nạn ở các nước láng giềng. Dựa trên dữ liệu từ các quốc gia, UNHCR ước tính có khoảng hơn 8 triệu người tị nạn Ukraine đã vượt biên giới sang các quốc gia châu Âu láng giềng. Ngoài ra, gần 5 triệu người đã đăng ký chương trình bảo vệ tạm thời hoặc các chương trình quốc gia tương tự ở tại châu Âu. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), số người phải di tản trong nội địa ở Gaza kể từ khi xung đột bùng nổ ở đây ước tính vào khoảng 1,4 triệu người. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quan ngại rằng số người bị ảnh hưởng và phải di dời tại đây có thể cao hơn nhiều, nhưng do tình hình bất ổn, chưa thể đưa ra những số liệu chính xác có thể được kiểm chứng. Giúp giảm số người di cư thiệt mạng hay căn cơ hơn là giải quyết vấn đề di cư vì thế, theo các chuyên gia, cần giải pháp đồng bộ, nhưng quan trọng nhất là giải quyết gốc rễ. Đó là tìm giải pháp hòa bình cho các cuộc chiến tranh, xung đột hay bất ổn cũng như xóa đói giảm nghèo.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nam-chet-choc-voi-nguoi-di-cu-post569228.antd