Nam công chức mặc áo dài thể hiện nét văn hóa hay bất hợp lý?

Nhiều người cho rằng việc nam giới mặc áo dài đi làm rất có ý nghĩa, giúp bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.

Hình ảnh phụ nữ Việt Nam mặc áo dài không còn xa lạ với nhiều người. Họ diện trang phục truyền thống trong dịp lễ đặc biệt hay đi làm vào những ngày được quy định. Tuy nhiên, nam giới công sở lại trung thành với áo sơ mi, phối cùng quần tây để trông lịch sự, đảm bảo sự thoải mái. Do đó, áo dài cho đàn ông ít phổ biến và dần mờ nhạt.

Mới đây, những hình ảnh nam công chức mặc áo dài đi làm Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Thừa Thiên - Huế thu hút sự quan tâm. Việc này đánh dấu sự trở lại của chiếc áo dài truyền thống, đặc biệt là áo ngũ thân - trang phục sản sinh ra từ Huế và đã trở thành quốc phục của người Việt trong hàng trăm năm qua.

 Nam cán bộ ở Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế mặc áo ngũ thân. Ảnh: svhtt.thuathienhue.

Nam cán bộ ở Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế mặc áo ngũ thân. Ảnh: svhtt.thuathienhue.

Hiểu đúng về áo ngũ thân

"Thực ra, bất cứ cái gì cũng có quá trình lịch sử, kế thừa liên tục suốt hàng trăm năm. Loại trang phục Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế đang làm thí điểm là áo ngũ thân. Để nói về chiếc áo ngũ thân, đó là cả câu chuyện dài. Quan trọng nữa là áo dài ở miền Bắc ra làm sao? Áo ở miền Trung thế nào?...", ông Trần Đình Hằng - phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế - chia sẻ với Zing.

Theo đó, áo dài của nam giới đặc trưng có 5 thân và 5 nút, cổ áo đứng. Áo được phân thành nhiều loại khác nhau nhưng có 2 kiểu cơ bản là áo kiểu tay thụng và dài tay chẹt (miền Bắc gọi là áo dài tay chẽn). 4 thân ở trước và sau tượng trưng cho "tứ thân phụ mẫu", thân trong tượng trưng cho người con. 5 nút áo tượng trưng cho ngũ thường của Nho giáo là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.

Áo thường được may bằng các loại vải gấm hay chất liệu sa, the mỏng… Quần thường may vải màu trắng, ống rộng. Các cán bộ ở Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế chọn áo tông xanh và mặc quần trắng theo đúng truyền thống.

 Thời xưa, vua chúa thường mặc áo ngũ thân với giày Tây. Ảnh: Getty.

Thời xưa, vua chúa thường mặc áo ngũ thân với giày Tây. Ảnh: Getty.

Bên cạnh đó, trang phục truyền thống của đàn ông Việt có một chiếc khăn quấn hoặc khăn đóng trên đầu. Nó thường có màu đen hoặc màu đậm. Món đồ kèm theo này tượng trưng cho lòng nhân nghĩa, trung hiếu.

Về phần phụ kiện đi kèm, nhiều người cho rằng các cán bộ nên đi guốc để đúng với truyền thống hơn thay vì mang giày da.

Bàn về vấn đề này, họa sĩ Nguyễn Đức Bình - chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình Làng Việt - cho biết việc mang giày Tây với áo ngũ thân khá phù hợp. Vua Khải Định thời xưa cũng hay phối đồ theo cách này.

Ý kiến trái chiều khi nam công chức mặc áo dài

Dưới những bài đăng trên mạng xã hội, nhiều người để lại bình luận ủng hộ, cho rằng đây là cách duy trì nét đẹp văn hóa.

Tài khoản Ánh Bee cho hay: "Tôi nghĩ các địa phương nên làm theo vì dân tộc mình có rất nhiều trang phục đặc sắc, tại sao phải tới lễ hội mới mặc? Mình có cái đẹp phải khoe để người ta chiêm ngưỡng".

"Tôi ủng hộ. Mong các địa phương khác cũng học tập theo bởi đó là áo truyền thống. Phụ nữ mặc áo dài đẹp, nam giới cũng vậy", Thảo Nguyên viết.

Một số ý kiến khác nhận định: "Mặc thế này vừa đẹp, vừa thoải mái", "Ủng hộ hết mình, làm sống lại giá trị văn hóa dân tộc hào hùng", "Rất đẹp, mang đậm truyền thống dân tộc", "Nhìn đúng thuần phong mỹ tục, đẹp quá", "Đẹp mê hồn luôn rất ủng hộ, mong sẽ phát triển thêm qua các địa phương khác"...

Chia sẻ với Zing, Tôn Nữ Khánh Trinh (23 tuổi, trú tại Quảng Bình) cho biết: "Tôi thấy việc cán bộ nam mang áo dài, khăn đóng vào thứ hai đầu tháng rất thú vị và có ý nghĩa. Mặt khác, nó còn giúp bảo tồn được di sản vật chất, ý nghĩa văn hóa của bộ áo dài. Đặc biệt là ở thành phố giàu giá trị truyền thống và còn lưu giữ nhiều nét cổ xưa như Huế.

 Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề mặc áo dài đi làm. Ảnh chụp màn hình.

Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề mặc áo dài đi làm. Ảnh chụp màn hình.

Hình ảnh hiếm hoi cán bộ nam mang áo dài khăn đóng bên khung cảnh nên thơ của thành phố sẽ tạo chiều sâu. Hơn nữa, điều này thể hiện sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Không nên xem nam giới mang áo dài là điều gì quá xa lạ".

Bên cạnh ý kiến ủng hộ, không ít người cho rằng đây là quy định không hợp lý, gây bất tiện.

Tài khoản Tuan Thai viết: "Lại biến nơi công sở thành phường tuồng chèo".

"Nữ đến công sở áo dài duyên dáng. Tuy nhiên, nam mặc như vậy chẳng công sở chút nào. Truyền thống cũng phải có chọn lọc", Nguyen Huu Chien nhận định.

Ngoài ra, một số dân mạng còn quan tâm đến yếu tố thực tế, tính hợp lý khi mặc áo dài đi làm. Họ cho rằng trang phục chỉ nên áp dụng với một số vị trí công tác đặc thù.

Hoài Thương - Cao Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nam-cong-chuc-mac-ao-dai-the-hien-net-van-hoa-hay-bat-hop-ly-post1130096.html