Năm học mới, quyết tâm cao

Đến thời điểm này, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn tất các khâu chuẩn bị từ cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị dạy học đến ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, huy động học sinh ra lớp, sẵn sàng tâm thế cho năm học mới 2022-2023 với mục tiêu tiếp tục đổi mới, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Trước thềm năm học mới, phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập - Phó giám đốc Sở GD&ĐT về vấn đề này.

Cô và trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Việt Trì.

Phóng viên: Kết thúc năm học 2021-2022 với rất nhiều khó khăn nhưng đã về đích khá thành công, xin ông chia sẻ về một số kết quả mà ngành Giáo dục Phú Thọ đạt được trong năm học vừa qua.

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập: Năm học 2021 - 2022 tiếp tục diễn ra trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song với tinh thần thích ứng linh hoạt, giáo dục Đất Tổ đã thực hiện tốt mục tiêu kép, phát triển vững chắc trên cả ba mặt: Quy mô, chất lượng và hiệu quả. Quy mô, mạng lưới trường lớp được sắp xếp, phát triển hợp lý, tỉ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 88,6%. Đội ngũ giáo viên từng bước đảm bảo về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ. Tháng 6/2022, Phú Thọ được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ ba, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ hai và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ hai.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà tiếp tục khẳng định vị trí tốp đầu cả nước. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Phú Thọ xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, tăng hai bậc so với năm học trước. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12, Phú Thọ giành 50 giải, có một học sinh đoạt Huy chương Đồng Olympic Sinh học quốc tế. Đây là năm học thứ tư liên tiếp Phú Thọ có học sinh đoạt giải Olympic quốc tế và cũng là năm có kết quả cao nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Ngành GD&ĐT chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng trường học “An toàn - Thân thiện - Bình đẳng”, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Phóng viên: Năm học mới đã cận kề, xin ông cho biết công tác chỉ đạo về năm học 2022-2023 của Sở GD&ĐT?

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập: Để chuẩn bị cho năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT đã chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị, thành tham mưu UBND tỉnh hàng năm bố trí lồng ghép các nguồn vốn Trung ương, các chương trình, dự án, hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung của tỉnh, ngân sách sự nghiệp, ngân sách các huyện, thị, thành, xã hội hóa giáo dục để bố trí đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh, công trình vệ sinh nước sạch và bổ sung trang thiết bị dạy học còn thiếu cho các trường học (ưu tiên bố trí cho các trường thiếu phòng học, xóa phòng học tạm, học nhờ, công trình nước sạch, các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn nhiều khó khăn…).

Đến nay, toàn tỉnh đã và đang triển khai xây dựng, cải tạo sửa chữa phòng học, phòng chức năng, các công trình phụ trợ với 556 công trình, trong đó: Mầm non 232 công trình, tiểu học 162 công trình, THCS 162 công trình và THPT đang thực hiện cải tạo năm nhà lớp học và xây dựng bổ sung hai nhà đa năng, hai nhà chức năng. CSVC trong các cấp, bậc học cơ bản đáp ứng năm học mới 2022-2023.

Phóng viên: Giải pháp của ngành GD&ĐT để đảm bảo điều kiện về phòng máy tính, giáo viên tại các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp ba về môn tin học? Kết quả đã đạt được như thế nào, thưa ông?

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập: Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp ba, trong đó môn Tin học là môn học bắt buộc. Để chuẩn bị thực hiện tốt việc dạy môn Tin học bắt buộc từ lớp ba theo lộ trình, ngành GD&ĐT đã thực hiện các giải pháp để đảm bảo việc dạy học theo quy định.

Thực hiện Chương trình GDPT mới, những năm qua, Sở GD&ĐT đã phối hợp với UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các cơ sở giáo dục kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất nói chung, phòng Tin học, máy vi tính nói riêng để từ đó các trường xây dựng dự toán, đề nghị UBND huyện, thị, thành bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực từ công tác xã hội hóa đầu tư mua sắm bổ sung máy vi tính, đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho các nhà trường khi thực hiện triển khai Chương trình GDPT mới theo lộ trình. Đến nay, cơ bản các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu dạy học tối thiểu theo quy định.

Đối với một số trường học ở vùng nông thôn, miền núi, CSVC, phòng tin học, máy vi tính còn khó khăn khi thực hiện Chương trình GDPT mới, Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND huyện, thị, thành huy động nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi các trường và các nguồn lực từ xã hội hóa mua sắm máy vi tính cho các nhà trường, đảm bảo đáp ứng thực hiện chương trình GDPT mới.

Về nguồn nhân lực, những năm qua, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện thị, thành tham mưu UBND tỉnh chủ trương tuyển dụng bổ sung giáo viên, đào tạo nâng chuẩn, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội…; chỉ đạo các phòng GD&ĐT rà soát, tham mưu sắp xếp, bố trí giáo viên giữa các trường trên địa bàn từng bước đảm bảo hợp lý về số lượng, cơ cấu, hạn chế tối đa việc giáo viên dạy trái môn.

Phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Học viện quản lý giáo dục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện chương trình GDPT 2018 theo chương trình ETEP của Bộ GD&ĐT đảm bảo đúng quy định. Ngoài ra, tích cực, chủ động phối hợp với các Trường Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên sử dụng sách giáo khoa, đảm bảo 100% giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng trước khi thực hiện chương trình SGK mới. Đến nay, ngành GD&ĐT đã sẵn sàng bước vào năm học mới 2022 - 2023.

Phóng viên: Năm học này là năm thứ ba ngành Giáo dục triển khai chương trình GDPT mới, xin ông chia sẻ những nhiệm vụ chủ yếu của ngành trong năm học 2022 - 2023?

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập: Ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, thúc đẩy, tạo đột phá trong đổi mới giáo dục và đào tạo; tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập Chỉ đạo, tổ chức thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa (SGK) GDPT mới đối với lớp ba, lớp bảy và lớp 10; hoàn thiện biên soạn tài liệu giáo dục địa phương và triển khai thực hiện lớp bốn, lớp 11 đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.

Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về GD&ĐT trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả công tác phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng yêu cầu mới; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên; đề xuất với UBND tỉnh tuyển dụng bổ sung giáo viên bảo đảm quy định về định mức giáo viên/lớp, hợp lý về cơ cấu bộ môn các cấp học; ưu tiên tuyển dụng giáo viên tiểu học, THPT để chuẩn bị thực hiện Chương trình, SGK GDPT mới. Huy động tối đa các nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục và thực hiện chương trình, SGK GDPT mới; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục…

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//giao-duc/nam-hoc-moi-quyet-tam-cao/186550.htm