Nam phạm nhân lo sợ ngày về không được người thân đón nhận

Lấy vợ sớm và chưa đầy ba năm sau đã có hai con một trai, một gái nên ở cái tuổi ngũ tuần, Lê Trọng Đại, SN 1970, trú tại Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã lên chức ông nội, ông ngoại. Thế nhưng cả hai lần dựng vợ, gả chồng cho con, Đại đều không thể tham dự bởi đang thi hành án tù chung thân trong trại cải tạo.

5 năm uổng phí

Người ta vẫn thường nói một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài, hàm ý rằng một khi cuộc sống đã mất tự do thì dù chỉ là một ngày thôi cũng cảm thấy dài đằng đẵng như sống mười kiếp người để mà nhắn nhủ những ai phạm tội hãy cố gắng tu dưỡng bản thân để sớm được trở về với cuộc sống đời thường.

Người ta đi tù thì cố gắng tu tỉnh để sớm trở về đoàn tụ với gia đình, còn Đại thì tiếp tục phạm tội để rồi thời gian sống trong trại giam cứ thế kéo dài thêm. Những cuộc viếng thăm của người thân cũng thưa dần và điều đó khiến Đại lo sợ đến lúc trở về không được gia đình đón nhận.

Từ ngày bước chân vào trại cải tạo, Đại liên tục nhận các hình thức kỷ luật vì những lý do: vi phạm nội qui, đánh cãi chửi nhau và cả trốn lao động… Nghiêm trọng hơn là sau 5 năm khoác áo phạm nhân về tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, Đại lại một lần nữa phạm tội này dù lúc này anh ta đã ở trong tù và cải tạo lao động ở nơi dành cho những phạm nhân án dài, có nhiều tiền án và quậy phá. Thế mới hay, một khi không chịu cải tà qui chính mà đầu óc lúc nào cũng nhăm nhăm ý nghĩ quyết tâm phạm tội đến cùng thì chỉ cần có một cơ hội nhỏ nhoi thôi cũng tận dụng để thực hiện.

Theo nhận xét của cán bộ trại giam Tân Lập, từ năm 2009, khi được đưa về đây thi hành bản án chung thân, Đại luôn vi phạm nội quy trại. Ông ta cùng một phạm nhân có mức án dài khác thường hay kiếm cớ gây gổ đánh nhau để ra uy với các phạm nhân cùng buồng và là đối tượng mà các quản giáo phải rất mệt công để giáo dục, nhắc nhở. Lẽ thường tình, với những kẻ luôn bị chú ý như Lê Trọng Đại thì sẽ không làm điều gì vi phạm khác để án phạt thêm nặng song có lẽ người đàn ông này lại nghĩ rằng “nơi nguy hiểm nhất là chốn an toàn nhất” để dùng bình phong là kẻ quậy phá, ngang ngạnh hòng trấn áp những tai mắt trong buồng giam để lén lút mua bán ma túy. Có lẽ vì sợ bị Đại đánh và làm cho liên lụy mà hầu hết các phạm nhân cùng buồng đều tìm cách tránh né mọi cuộc tiếp xúc với Đại và điều đó vô hình trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho ông ta làm điều phi pháp suốt một thời gian dài không bị phát hiện. Chỉ đến khi một phạm nhân bị bắt quả tang có hành vi tuồn ma túy vào khu giam giữ thì việc làm của Lê Trọng Đại mới bị phát hiện.

Hỏi Đại tại sao lại có biệt danh Đại “ghẻ”, ông ta chỉ vào những chấm đỏ chằng chịt trên tay, có vết đã lên da non rồi bảo, tại mắc bệnh viêm da nên bị bạn tù gán cho cái tên Đại “ghẻ”. Ông ta cho biết, không phải vào tù mới bị mà mắc căn bệnh từ ngày còn ở nhà và đã tốn rất nhiều tiền chữa trị mà không khỏi. “Tôi bị bắt về tội ma túy, án chung thân. Năm 2009 tôi về trại giam Tân Lập cải tạo ở đội khâu bóng, đến năm 2013 thì bị bắt lại”, Lê Trọng Đại kể.

Vậy là sau 5 năm thi hành bản án chung thân, Đại tiếp tục phạm tội và với lần hầu tòa mới này, ông ta tiếp tục nhận về bản án chung thân, thời gian cải tạo coi như được tính lại từ đầu. Hỏi Đại có thấy tiếc không và nếu biết tại sao còn nhắm mắt làm liều. Người đàn ông này bảo tại khi đó tư tưởng đang chán đời.

Phạm nhân Lê Trọng Đại.

Phạm nhân Lê Trọng Đại.

Và nỗi lo ngày về không được người thân đón nhận

Theo lời kể của người đàn ông khoác áo phạm nhân này thì Đại sinh ra trong một gia đình thuần nông, bố mẹ đều là những người nông dân chăm chỉ hiền lành. Mặc dù lớn lên trên vùng đất có nghề đúc đồng truyền thống và từ nhỏ đã quen với lao động tay chân nhưng Đại lại có vóc dáng nhỏ con chứ không vạm vỡ như nhiều thanh niên cùng trang lứa. Là con trai út, Đại cũng làm yên lòng bố mẹ khi lập gia đình ở tuổi 22 và chưa đầy ba năm sau, vợ chồng Đại cho ra đời hai đứa con một trai, một gái trong niềm vui của cả gia đình. Vợ chồng trẻ nuôi hai con thơ nhưng ngoài làm ruộng ra, cả hai vợ chồng Đại đều có nghề phụ để làm nên thu nhập của gia đình Đại có thể nói là tương đối ổn định.

Lớp học xóa mù chữ dành cho phạm nhân. Ảnh: N.Vũ

Lớp học xóa mù chữ dành cho phạm nhân. Ảnh: N.Vũ

Cuộc sống như thế cũng gọi là tạm bằng lòng nhưng với Đại, một gia đình hạnh phúc là phải có thêm nhà lầu xe hơi và tiền tiêu rủng rỉnh nữa. Để thực hiện điều đó, Đại tham gia vào một đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy từ các tỉnh Tây Bắc về Bắc Ninh rồi đưa lên Lạng Sơn bán qua biên giới. Trong một lần cùng đồng bọn vận chuyển ma túy qua địa bàn tỉnh Hòa Bình, Đại bị lực lượng chức năng bắt quả tang và với hành vi này, năm 2009, Đại bị TAND tỉnh Hòa Bình xử phạt mức án chung thân. Tháng 9 năm 2009, Đại về trại giam Tân Lập thi hành bản án trên.

Đại kể rằng, thời gian đầu mới vào trại cải tạo, ông ta tỏ ra rất có quyết tâm cải tạo, luôn chấp hành tốt nội quy, qui định của trại giam. Đại bảo ngày đó đã đặt mục tiêu phải làm sao để sớm được xuống án có thời hạn rồi trở về nhà nên rất quyết tâm. Người đàn ông này kể rằng, thời gian đó trong đầu lúc nào cũng trăn trở nỗi lo vợ con ở nhà không biết sẽ xoay xở thế nào khi người trụ cột trong gia đình là ông ta vắng mặt. “Ngày tôi mới bị bắt, hai con đều đang độ tuổi ăn học, cần có sự đầu tư của bố mẹ để chúng chuyên tâm học hành. Tôi thì đi trại, ở nhà chỉ còn mình cô ấy, không biết có xoay xở nổi không, không lo được rồi chúng thất học thì ân hận lắm. Cứ nghĩ vậy là trằn trọc suy nghĩ, không sao ngủ được”, Đại tâm sự.

Xác định tư tưởng rồi đặt ra mục tiêu để cải tạo cho thật tốt, Đại bảo ngày đó rất quyết tâm. Thế nhưng kể từ khi nhận được đơn ly dị của vợ thì Đại bắt đầu chán nản. Thay vì cải tạo tốt để sớm được xuống án, trở về, Đại bắt đầu quậy phá và luôn tìm cách trốn việc, lảng tránh nhiệm vụ được giao. Trong hồ sơ của Lê Trọng Đại, số biên bản kỷ luật có đến chục tờ, lần nào Đại cũng hứa sửa chữa nhưng toàn là hứa để đó.

Người đàn ông này lý giải việc mình phạm tội là do tuyệt vọng và chán nản. Nhưng đó chỉ là lời ngụy biện bởi nếu có tấm lòng thương con thì Đại phải biết vượt lên trên những bi ai đó để quyết tâm sửa chữa sai lầm mà sớm trở về làm tròn bổn phận của một người cha với con cái chứ. Đằng này Đại lại lún sâu hơn vào tội lỗi rồi đổ thừa sai lầm của mình cho người khác. Việc Đại bị vợ bỏ không phải là trường hợp cá biệt mà nhiều phạm nhân có án dài, trong thời gian thụ án đều luôn xác định rằng biết đâu có một ngày vợ hoặc chồng vào thăm cùng với lá đơn ly dị trên tay. Không mong nhưng tất cả đều hiểu rằng chuyện đó vẫn có thể đến bất cứ lúc nào.

Mới đi được một đoạn đường trong bản án không hẹn ngày về của mình, Đại bảo không biết sau này ra trại có được người thân đón nhận không dù bây giờ vẫn nhận được thư và quà của gia đình gửi vào.

“Tôi hụt hẫng vì không ngờ cô ấy lại mau quên tình nghĩa vợ chồng đến vậy. Cô ấy muốn nhẹ thân để tìm hạnh phúc mới còn bọn trẻ thì ai lo. Cứ nghĩ thế mà tôi giận rồi hận bản thân mình”, phạm nhân Đại bộc bạch những tâm sự.

Nguyễn Vũ- Hà My

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nam-pham-nhan-lo-so-ngay-ve-khong-duoc-nguoi-than-don-nhan-217028.html