Nậm Pồ tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giáo dục

ĐBP - Những năm trở lại đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ luôn quan tâm chú trọng tới công tác tăng cường cơ sở vật chất, góp phần đảm bảo chất lượng dạy và học. Đặc biệt trong công tác xã hội hóa đã thu được nhiều kết quả, nhất là công tác xã hội hóa trong xây dựng cơ sở vật chất, tôn tạo cảnh quan môi trường giáo dục. Nhờ đó mà cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được tăng cường bằng nhiều nguồn lực, đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy và trò trên địa bàn huyện.

Giáo viên Trường Phổ thông DTBT THCS Nà Bủng, xã Nà Bủng trồng hoa tại khuôn viên trường để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các đơn vị trường tích cực xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học. Các đơn vị trường tích cực vận động phụ huynh tu sửa cơ sở vật chất, tôn tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt là việc huy động sức dân để san mặt bằng, tu sửa nhà, lớp học đã xuống cấp và hư hỏng sau mưa lũ. Ngay từ đầu năm học, các đơn vị trường học đã huy động làm nhà lớp học, phòng làm việc, nhà công vụ giáo viên, nhà nội trú học sinh theo tiêu chí “ba cứng” với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chỉ tính riêng trong năm học 2020 - 2021 toàn huyện đã xây dựng 21 phòng học, 15 nhà vệ sinh, 27 phòng nội trú cho học sinh, 6 phòng công vụ; sửa chữa 16 phòng (gồm phòng học và các phòng khác). Cùng với đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ chỉ đạo các trường rà soát, lập nhu cầu bổ sung trang thiết bị dạy học đảm bảo cho công tác quản lý và giảng dạy đạt kết quả cao. Phòng tích cực chủ động trong việc mua sắm sách giáo khoa, đồ dùng dạy học, tủ sách pháp luật… đảm bảo mỗi học sinh có đủ một bộ sách giáo khoa, vở viết phục vụ cho năm học. Vào cuối năm học 2019 - 2020, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị trường vận động 100% học sinh ủng hộ toàn bộ sách giáo khoa trong năm học vừa qua để đưa vào tủ sách dùng chung của nhà trường, phục vụ năm học tới. Nhờ vậy đã giảm bớt một phần khó khăn về sách giáo khoa cho những học sinh hoàn cảnh khó khăn. Phòng đã chỉ đạo các đơn vị trường xây dựng kế hoạch bảo quản tốt sách. Tính đến nay, các thiết bị dạy học cơ bản đảm bảo đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy trò các trường. Đồng thời, các trường cũng đã đưa thiết bị dạy học, thiết bị thư viện vào sử dụng có hiệu quả phục vụ nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh.

Tại huyện biên giới Nậm Pồ, công tác xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học là việc làm có ý nghĩa quan trọng. Nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng chỉ đạo các trường tích cực huy động các tổ chức, cá nhân, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn cùng tham gia đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học góp phần mở rộng diện tích đất, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục. Riêng năm 2020 các nhà hảo tâm hỗ trợ tổng giá trị khoảng 5,5 tỷ đồng, làm mới 34 phòng học, 15 phòng công vụ cho giáo viên. Dự kiến đến cuối năm đưa vào sử dụng thêm 11 phòng học, trong đó 5 phòng lắp ghép. Như tại điểm trường mầm non Vàng Lếch 2, thuộc Trường Mầm non Nậm Tin, xã Nậm Tin. Vào đầu tháng 8/2021, điểm trường được Câu lạc bộ KOIKICHI Kinh Bắc phối hợp với Hội LHPN huyện động thổ xây dựng. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên công trình phải tạm dừng. Các em học sinh vẫn phải học nhờ nhà dân gần đó. Sau nhiều ngày mong đợi, trung tuần tháng 10 vừa qua, với sự góp công sức của thầy cô giáo, cán bộ xã, các em học sinh Trường THCS Nậm Tin và người dân bản Vàng Lếch 2 đã vận chuyển thành công vật liệu lên bản để xây dựng điểm trường. Bà Trần Thị Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nậm Pồ - đơn vị kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ xây điểm trường Vàng Lếch 2 cho biết: “Đây là một điểm bản rất khó khăn bởi không có đường, không có điện. Hơn thế, muốn lên được điểm bản phải vượt qua suối. Nhưng nơi đây lại chưa có cầu. Hàng ngày, các cô giáo mầm non đều phải chèo bè, vượt suối mới có thể đến được điểm trường. Thế nên việc vận chuyển vật liệu, như: Xi măng, cát, gạch… cũng phải chở từng chuyến qua bè, sau đó lại nhờ người thồ bằng xe máy lên bản. Hành trình vận chuyển khó khăn, vất vả, nhưng mọi người ai cũng vui vì sắp có ngôi trường mới sạch đẹp cho các em học sinh nơi đây.”

Bài, ảnh: Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/192102/nam-po-tang-cuong-co-so-vat-chat-dam-bao-chat-luong-giao-duc