Nam sinh Huế và hành trình trưởng thành tại Học viện Ngoại giao

Nguyễn Mậu Đình Thắng (sinh năm 2003) đang là sinh viên năm nhất khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao. Trên hành trình tìm kiếm bản ngã, chàng trai xứ Huế quyết định Bắc tiến với tình yêu to lớn dành cho Ngoại giao và Hà Nội. Hiện tại, Thắng đang chủ động phát triển bản thân qua các Câu lạc bộ của trường, cũng như các dự án liên quan đến truyền thông và văn hóa.

Nguyễn Mậu Đình Thắng, sinh viên năm nhất khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao.

Nguyễn Mậu Đình Thắng, sinh viên năm nhất khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao.

Từ “du học sinh Hà Nội” …

Trải qua kỳ học đầu tiên chỉ được tương tác với thầy cô, bạn bè qua màn hình máy tính, một trong những trở ngại lớn nhất với mình có lẽ là giọng nói. Bởi lẽ, giọng nói không chỉ đơn thuần là ngữ điệu và từ địa phương, mà còn phản ánh lối diễn đạt lẫn tư duy ngôn ngữ của từng vùng miền. Mình vẫn nhớ khoảng thời gian đầu vừa phải chật vật làm quen với cách học mới, vừa phải cố gắng thích ứng với cách nói chuyện của người Bắc. Đôi lúc, chất giọng địa phương khiến việc giao tiếp trở nên khó khăn. Thậm chí, mình từng cảm thấy một rào chắn vô hình, hay nói cách khác là một nếp gấp khó thể tháo gỡ giữa bản thân và Hà Nội.

Một trong những trở ngại lớn nhất với mình có lẽ là giọng nói.

Một trong những trở ngại lớn nhất với mình có lẽ là giọng nói.

Vốn là một người thực tế, mình tự xác định rằng khó khăn trong giao tiếp chỉ là chướng ngại đầu tiên trên con đường phát triển của bản thân. Đó cũng là thời điểm hoàn hảo cho mình bước ra khỏi vùng an toàn để thích ứng với sự thay đổi của môi trường. Như một du học sinh còn nhiều bỡ ngỡ, mình bắt đầu tập nói giọng Bắc, và dành nhiều thời gian hơn để giao tiếp với bạn bè. Đồng thời, với sự hỗ trợ đến từ tập thể lớp và các Câu lạc bộ (CLB), dự án, mình đã tìm được những môi trường phù hợp để hòa nhập và tiến bộ.

Vốn là một người trẻ sống thực tế, mình tự xác định rằng khó khăn đó chỉ là chướng ngại đầu tiên trên con đường phát triển của bản thân.

Vốn là một người trẻ sống thực tế, mình tự xác định rằng khó khăn đó chỉ là chướng ngại đầu tiên trên con đường phát triển của bản thân.

… đến “người Cố đô giữa lòng Thủ đô”

Lần đầu tiên sống xa gia đình để bước vào một môi trường năng động như Ngoại giao, tuy còn nhiều lạ lẫm nhưng với nền tảng sẵn có từ kỳ một, mình hòa nhập khá nhanh. Nhờ sự chỉ bảo của các anh chị khóa trên, cũng như các buổi training thường xuyên từ CLB, mình đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm về các mảng tổ chức sự kiện, Truyền thông và Báo chí. Hiện tại, mình đang là thành viên ban sự kiện CLB DAV Marketers – CLB Marketing Học viện Ngoại giao, đơn vị tổ chức của cuộc thi Marketing Hive 2022 - trại hè chuyên môn Marketing dành cho các bạn trẻ. Đồng thời, mình cũng đang là thành viên ban Nội dung của Nhóm bút DJC - CLB Báo chí và Truyền thông Học viện Ngoại giao. Là một sinh viên giàu hoài bão và cầu tiến, mình luôn mong muốn được đóng góp một phần bé nhỏ vào các hoạt động của CLB.

Đình Thắng tại trại hè chuyên môn Marketing Hive.

Đình Thắng tại trại hè chuyên môn Marketing Hive.

Một trong những lý do mình chọn Ngoại giao, có lẽ cũng xuất phát từ tình yêu với Hà Nội. Mình đặc biệt có hảo cảm với chất nền nã, dịu dàng, nhưng cũng không kém phần hối hả đầy kích thích của nhịp sống nơi đây. Trên hết, văn hóa Hà Nội, mà đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống luôn làm mình thích thú. Tình yêu đó là động lực để mình tham gia dự án “Người lạ bàn chuyện quen” – một dự án truyền thông nơi người trẻ nói tiếng yêu văn hóa theo cách riêng của mình. Thông qua dự án, mình không chỉ tích lũy được những kinh nghiệm viết lách, làm sự kiện, mà còn trau dồi thêm cho mình những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng thờ Mẫu và nghệ thuật Chầu Văn.

“Người lạ bàn chuyện quen” – một dự án truyền thông nơi người trẻ nói tiếng yêu văn hóa theo cách riêng của mình.

“Người lạ bàn chuyện quen” – một dự án truyền thông nơi người trẻ nói tiếng yêu văn hóa theo cách riêng của mình.

Trước đây, mình hay gọi bản thân là một người nửa vời, rằng nếu có một phép tính có thể cộng lại tất thảy những con người đang tồn tại trên Trái Đất và chia trung bình ra, đấy sẽ là mình. Cảm giác ở giữa thật khó chịu. Đó là khi bạn không đủ xuất sắc để vững tâm trên con đường mình đã chọn, nhưng cũng không đủ động lực để vươn lên như những người thấp kém. Mình đã luôn lạc lối giữa muôn ngàn ngã rẽ và tự vấn về giá trị bản thân. Để rồi chợt nhận ra, mình vẫn luôn là một người học hỏi - một thai nghén đương trong quá trình hình thành cái tôi của riêng mình. Thời sinh viên vốn dĩ là phép thử cuối cùng để chúng ta xốc lại tinh thần và chuẩn bị hành trang vào đời. Không quan trọng bạn là ai hay bạn ở đâu, chỉ cần biết nắm bắt cơ hội, bạn sẽ tìm thấy con đường riêng và trở thành chính mình với phiên bản hoàn hảo nhất. Mình quan niệm rằng, thử nghiệm và thất bại là những yếu tố cần có trên con đường đi đến thành công. Bên cạnh đó, thay vì ôm trong mình những ước mơ, hãy biến chúng thành mục tiêu và hành động để đạt được những điều mình mong muốn.

Thử nghiệm và thất bại là những yếu tố cần có trên con đường đi đến thành công.

Thử nghiệm và thất bại là những yếu tố cần có trên con đường đi đến thành công.

Tú Chân (Ghi)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nam-sinh-hue-va-hanh-trinh-truong-thanh-tai-hoc-vien-ngoai-giao-post1447283.tpo