Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện Dự án “Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn giai đoạn I từ năm 2021-2025”, nhiều trường học đã được đầu tư cơ sở vật chất; việc đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến thăm Trường tiểu học và THCS Chiềng La, huyện Thuận Châu, chúng tôi ấn tượng với khuôn viên rộng rãi, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, thuận lợi cho học sinh học tập. Thầy giáo Đinh Duy Hoan, Hiệu trưởng, thông tin: Cuối năm 2022, trường được đầu tư 8,6 tỷ đồng xây dựng 3 dãy nhà 2 tầng, 12 phòng học, đổ sân bê tông, xây tường rào. Hiện nay, trường có 28 phòng học kiên cố, 7 phòng học bán kiên cố; các phòng bộ môn, phòng thư viện và các phòng chức năng đều kết nối internet; góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Trường tiểu học và THCS Chiềng La, huyện Thuận Châu, đầu tư xây dựng khang trang.

Trường tiểu học và THCS Chiềng La, huyện Thuận Châu, đầu tư xây dựng khang trang.

Cùng với Trường tiểu học và THCS Chiềng La, trên địa bàn huyện còn có 10 trường được đầu tư nâng cấp theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ông Nguyễn Đức Tôn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thuận Châu, thông tin: Huyện có 83 trường học từ bậc mầm non đến THPT. Từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình, hệ thống trường lớp, trang thiết bị dạy và học từng bước được đầu tư đồng bộ. Hiện nay, bậc tiểu học có 431 phòng kiên cố, 217 phòng bán kiên cố, 22 phòng tạm; bậc THCS có 359 phòng kiên cố, 29 phòng bán kiên cố và 12 phòng tạm. Các phòng học đạt tiêu chuẩn theo quy định, đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT; thiết bị dạy học được sử dụng thường xuyên, thuận tiện. Hằng năm, huy động trẻ 5 tuổi ra lớp và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 100%; trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; học sinh tốt nghiệp THCS đạt hơn 90%.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng được quan tâm. Trước đây, gia đình anh Lò Văn Thoa và nhân dân bản Pảng, xã Yên Hưng, huyện Sông Mã, trồng nhãn chủ yếu để phát triển tự nhiên nên năng suất, chất lượng thấp. Những năm gần đây, anh áp dụng kiến thức đã học khi tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây xoài, nhãn..., mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Thoa cho biết: Được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn, gia đình tôi đã ghép cải tạo 1 ha vườn nhãn sang giống nhãn chín sớm và nhãn miền thiết, chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ theo nguyên tắc “4 đúng”. Hiện nay, mỗi năm vườn nhãn của gia đình thu hoạch 13-14 tấn quả, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết: Từ nguồn vốn thực hiện Dự án “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, đến nay, huyện đầu tư gần 1,8 tỷ đồng xây dựng 1 nhà lớp học bán trú tại xã Đứa Mòn; ban hành kế hoạch mở 13 lớp xóa mù chữ cho 550 học viên trên địa bàn các xã: Mường Sai, Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Huổi Một, Nậm Ty, Đứa Mòn, Pú Bẩu. Mở 11 lớp đào tạo dưới 3 tháng về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, trồng nấm, trồng rau an toàn cho 372 người lao động tại các xã Mường Lầm, Yên Hưng, Mường Hung. Hiện nay, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội chiếm 62,4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp chứng chỉ đạt 32,2%.

Trong giai đoạn 2021-2023, triển khai Dự án “Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, toàn tỉnh đã đầu tư gần 30 tỷ đồng nâng cấp 6 trường nội trú; 2 trường THPT và 4 trường THCS có học sinh bán trú trên địa bàn 6 xã khu vực III. Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho hơn 9.000 người lao động vùng dân tộc thiểu số..., góp phần nâng tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 100%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu là 59,03%.

Ông Thào Xuân Nếnh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, thông tin: Quá trình triển khai Dự án còn gặp một số khó khăn, như tiểu dự án về “Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình ở các cấp”, Ủy ban Dân tộc mới ban hành khung tài liệu, chưa ban hành hành tài liệu bài giảng. Do vậy, các địa phương chưa có cơ sở tổ chức thực hiện. Ban tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh đề nghị với các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành, sửa đổi, bổ sung các thông tư, văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình, để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện... Từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất cho các trường học, đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-BaORFVvIR.html