Nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở

Ngay sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 9/12/2013 về việc triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện. Phòng Tư pháp tham mưu, giúp UBND cùng cấp chỉ đạo các xã, phường, thị trấn củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

Cán bộ Sở Tư pháp tuyên truyền pháp luật cho bà con tại cơ sở sở.

Cán bộ Sở Tư pháp tuyên truyền pháp luật cho bà con tại cơ sở sở.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 2.000 tổ hòa giải với trên 12.400 hòa giải viên. Nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thi "Hòa giải viên giỏi” tỉnh Hòa Bình lần thứ IV, năm 2016. Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố tổ chức Hội thi cấp mình, chọn ra đội thi cấp tỉnh. Từ kết quả của Hội thi, Sở Tư pháp đã chọn ra đội thi "Hòa giải viên giỏi” cấp Trung ương do Bộ Tư pháp tổ chức.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các tổ hòa giải, từ năm 2014 - 2018, ngành Tư pháp các cấp đã phát hành 120.000 băng, đĩa, tờ rơi về các lĩnh vực như: Hiến pháp, dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình, phòng chống ma túy, đất đai, bạo lực gia đình, bình đẳng giới. Trong đó, Sở Tư pháp đã tổ chức in ấn, cấp phát sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở đến 100% các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2014 – 2018, tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải hơn 5.500 vụ việc, với gần 4.800 vụ việc hòa giải thành công, đạt tỷ lệ 87%. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, các tổ hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tham gia hòa giải thành 233/314 vụ việc, đạt tỷ lệ hòa giải trên 74%. Mạng lưới tổ hòa giải ở cơ sở được duy trì hoạt động hiệu quả. Đến nay, các thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố, khu dân cư trong tỉnh đều có 1 - 2 tổ hòa giải, mỗi tổ hòa giải có từ 3 hòa giải viên trở lên, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn, như: Tổ hòa giải ở cơ sở là mô hình tổ chức tự quản trong nhân dân, do không có trụ sở hoạt động nên gặp khó khăn trong tiếp nhận yêu cầu của đương sự để giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh; trình độ, năng lực của đội ngũ hòa giải viên còn hạn chế nên còn lúng túng trong giải quyết những vụ việc phức tạp; sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở chưa phát huy tích cực, chưa chủ động đề ra các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải.

Để công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần góp phần giữ gìn "Tình làng, nghĩa xóm”, ANTT, thúc đẩy phát triển KT-XH, thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác hòa giải; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong chỉ đạo, hướng dẫn đối với hoạt động này. Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp, hòa giải viên, đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ liệu cho hòa giải viên. Tăng cường tổ chức các hội thi hòa giải viên tại cơ sở. Bố trí kinh phí bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã. Kịp thời biểu dương để các hòa giải viên chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

Minh Phượng

(Sở Tư pháp)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/231/130707/nang-cao-hieu-quahoat-dong-hoa-giai-o-co-so.htm