Nâng cao hiệu quả hoạt động trung tâm học tập cộng đồng

Ngày 18/4, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang kiểm tra tình hình xây dựng, củng cố và phát triển trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) cấp xã tại huyện Việt Yên. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh; đại diện một số sở, ngành.

Qua nghe báo cáo và kiểm tra thực tế một số trung tâm HTCĐ tại xã Việt Tiến và huyện Việt Yên cho thấy, nhiều năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh luôn quan tâm công tác giáo dục.

Nhờ vậy, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong các nhà trường, trung tâm HTCĐ... được đầu tư nâng cấp và bổ sung phục vụ ngày càng tốt hơn công tác dạy và học. Chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng cao.

Đồng chí Mai Sơn phát biểu tại buổi kiểm tra.

Đồng chí Mai Sơn phát biểu tại buổi kiểm tra.

UBND huyện Việt Yên chủ động triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT cũng như ban hành các văn bản chỉ đạo xây dựng xã hội học tập.

Hiện toàn huyện thành lập 17 trung tâm HTCĐ cấp xã. Các phong trào “gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” (thôn, tổ dân phố), “Đơn vị học tập” phát triển rộng khắp, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Cán bộ, người dân có nhận thức đúng đắn về việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời và lợi ích của việc học đối với cá nhân, gia đình, dòng họ và cộng đồng, từ đó ngày càng quan tâm đầu tư nhiều hơn cho việc học.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Công tác phối hợp với Hội khuyến học trong việc triển khai, đánh giá, công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” do cấp xã quản lý được thực hiện thường xuyên, phù hợp với thực tế của địa phương.

Năm vừa qua huyện có 10/17 trung tâm HTCĐ xếp loại hoạt động tốt, còn lại xếp loại khá. 73% hộ được công nhận “Gia đình học tập”; 80,4% dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”; 84,1% thôn, tổ dân phố được công nhận “Cộng đồng học tập”; 76% trường học, doanh nghiệp… được công nhận “Đơn vị học tập”.

Tại đây, đại diện các sở, ngành, đơn vị của tỉnh và địa phương nêu một số hạn chế, khó khăn về kinh phí, nhân lực; địa điểm hoạt động của trung tâm HTCĐ. Đồng thời cho rằng để mô hình hoạt động hiệu quả cần tận dụng cơ sở vật chất, nguồn kinh phí của các tổ chức, đoàn thể địa phương cũng như của ngành giáo dục để tổ chức hoạt động trung tâm HTCĐ; khơi dậy tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm của cán bộ làm công tác này.

Cấp ủy, chính quyền cần nắm bắt được hoạt động của trung tâm HTCĐ; kiểm tra, rà soát nghiêm túc hoạt động của từng đơn vị; lựa chọn mô hình điển hình để nhân rộng; thường xuyên luân chuyển bổ sung nguồn sách từ các thư viện cho các trung tâm HTCĐ...

Các đại biểu kiểm tra hoạt động của Trung tâm HTCĐ tại xã Việt Tiến.

Các đại biểu kiểm tra hoạt động của Trung tâm HTCĐ tại xã Việt Tiến.

Phát biểu tại đây, đồng chí Mai Sơn đánh giá cao hoạt động giáo dục và các trung tâm HTCĐ của huyện Việt Yên. Kết quả đó có được là nhờ sự tâm huyết, trách nhiệm của các cán bộ làm công tác ở cơ sở.

Từ vai trò quan trọng của Trung tâm HTCĐ là cơ sở giáo dục không chính quy, bám chắc vào cộng đồng dân cư, phục vụ nhu cầu học tập thường xuyên và suốt đời của dân, để nâng cao chất lượng mô hình, đồng chí đề nghị địa phương cân đối, bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động của trung tâm HTCĐ; rà soát lại hoạt động của các đơn vị, kiện toàn ban lãnh đạo, xây dựng quy chế cũng như xác định rõ vai trò của trung tâm HTCĐ.

Thường xuyên nắm bắt nhu cầu, kế hoạch học tập của các đối tượng, đoàn thể tại địa phương để tổ chức chương trình học tập phù hợp. Tổ chức khen thưởng hoạt động của trung tâm HĐCĐ nhằm khích lệ phong trào. Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình dòng họ học tập, các thư viện tại thôn, bản; quan tâm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Tin, ảnh: Lệ Thanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/403091/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-trung-tam-hoc-tap-cong-dong.html