Nâng cao hiệu quả phối hợp phòng, chống mua bán người

Thời gian qua, tình hình tội phạm hình sự nói chung và tội phạm mua bán người (MBN) nói riêng trên cả 3 tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia đều có những diễn biến phức tạp, các đối tượng tội phạm sử dụng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi để đối phó với các cơ quan chức năng. Trước thực trạng trên, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công, các đơn vị BĐBP trên các tuyến biên giới đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn triển khai nhiều kế hoạch cao điểm, ra quân đấu tranh với tội phạm MBN, từ đó, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.

BĐBP Gia Lai phối hợp với lực lượng Công an, Quân sự tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, ngăn chặn các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới. Ảnh: Kiên Quyết

BĐBP Gia Lai phối hợp với lực lượng Công an, Quân sự tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, ngăn chặn các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới. Ảnh: Kiên Quyết

Triển khai đồng bộ công tác phối hợp

Để ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động tội phạm MBN trên địa bàn biên giới, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) BĐBP và Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã phối hợp xây dựng nhiều kế hoạch, đợt cao điểm phòng, chống tội phạm MBN với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung vào triển khai các kế hoạch nghiệp vụ tại địa bàn giáp biên; trao đổi thông tin, điều tra các vụ MBN; tiếp nhận giải cứu nạn nhân; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, xây dựng mô hình điểm; tổ chức cao điểm tấn công trấn áp tội phạm MBN hàng năm. Từ đó, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, đảm bảo đánh đúng, đánh trúng các đường dây, ổ nhóm, ngăn chặn tối đa các hoạt động MBN trên các tuyến biên giới.

Trong công tác phòng ngừa tội phạm, các đơn vị đã phối hợp làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới; số phụ nữ, trẻ em, các trường học nội trú... Đặc biệt, tập trung vào nhóm có nguy cơ cao bị mua bán và nhóm có điều kiện, khả năng phạm tội MBN và tội phạm “nguồn” của MBN.

Theo đó, từ tháng 6/2022 đến nay, 2 đơn vị đã tổ chức phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống các hoạt động MBN được 510 buổi với 212.813 lượt người tham gia; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh địa phương và mô hình “Tiếng loa Biên phòng” được 1.439 lượt với 5.268 giờ; cấp phát 61.369 tờ rơi, khẩu hiệu; cấp phát 526 cuốn sách pháp luật; đăng, phát hơn 3.210 tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả phối hợp

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác phối hợp, do quản lý địa bàn trải dài trên nhiều tuyến, lực lượng nghiệp vụ còn mỏng, phụ trách nhiều lĩnh vực nên công tác trao đổi thông tin về các vụ việc, vụ án giữa 2 lực lượng chưa được thường xuyên, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng ngừa, phát hiện và điều tra, xử lý tội phạm. Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong tiến hành điều tra ban đầu tội phạm MBN chưa toàn diện, dẫn đến chất lượng, hiệu quả phối hợp chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác đặt ra.

Các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh qua biên giới Trung Quốc bị BĐBP Cao Bằng và Công an tỉnh Cao Bằng phối hợp bắt giữ. Ảnh: Nông Văn Tuấn

Các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh qua biên giới Trung Quốc bị BĐBP Cao Bằng và Công an tỉnh Cao Bằng phối hợp bắt giữ. Ảnh: Nông Văn Tuấn

Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Công an đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan nghiệp vụ triển khai các nhiệm vụ, nhóm giải pháp trọng tâm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm MBN. Trong đó, trọng tâm trước mắt tập trung lực lượng phối hợp triển khai đợt cao điểm trấn áp tội phạm MBN trên các tuyến biên giới, vùng biển. Đặc biệt, phối hợp triển khai các chiến dịch truyền thông tại một số địa bàn trọng điểm, tập trung nhóm có nguy cơ cao bị MBN và tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.

Theo Đại tá Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, qua các hiệp định, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ đã ký kết, các phòng nghiệp vụ của 2 lực lượng luôn thể hiện được sự thống nhất trong việc trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình của tội phạm hình sự nói chung và tội phạm MBN nói riêng, nhất là các thủ đoạn mới của tội phạm MBN. Đồng thời, 2 đơn vị cũng thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, tập trung vào các khu vực trọng điểm, trọng yếu, các địa bàn, khu vực tuyển mộ, tập kết, vận chuyển, chuyển giao nạn nhân, chủ động phát hiện, đấu tranh, trấn áp quyết liệt, không để tội phạm MBN cấu kết, hình thành đường dây hoạt động liên tỉnh, liên tuyến, xuyên quốc gia, từ đó, giúp đề ra các phương án đấu tranh, triệt phá và điều tra, xử lý đạt hiệu quả cao nhất.

Cụ thể, trong 1 năm qua, thực hiện kế hoạch phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm MBN của 2 lực lượng, các bộ phận nghiệp vụ của 2 lực lượng đã phối hợp tuần tra được 10.125 đợt với 55.620 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; tổ chức kiểm tra 215 lượt/610 cơ sở kinh doanh có dấu hiệu nghi ngờ, qua đó, phát hiện, xử lý 485 vụ/7.218 người xuất, nhập cảnh trái phép. Đây đều là những đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các đường dây tội phạm MBN.

Thời gian tới, xác định nhiệm vụ phòng ngừa đấu tranh với tội phạm MBN sẽ còn diễn biến phức tạp và lâu dài, 2 lực lượng BĐBP và Công an sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên công tác trao đổi thông tin, tình hình liên quan, thống nhất các biện pháp, kế hoạch phối hợp, nâng cao chất lượng nghiệp vụ cơ bản và công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới tham gia phòng, chống tội phạm MBN. Đồng thời, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm nguy hiểm này, góp phần giữ vững trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục PCMT&TP BĐBP cho biết: “Trong thời gian tới, Cục PCMT&TP BĐBP sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an trong trao đổi thông tin với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ trong phòng, chống MBN; phối hợp đấu tranh với các đường dây tội phạm MBN xuyên quốc gia, truy bắt đối tượng và giải cứu nạn nhân bị mua bán trên cơ sở các hiệp định, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ đã ký kết. Đồng thời, thống nhất xây dựng và duy trì cơ chế phối hợp khoa học và phù hợp, vận dụng linh hoạt sáng tạo các hình thức phối hợp sát với thực tiễn nhiệm vụ công tác của 2 lực lượng”.

Ngọc Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nang-cao-hieu-qua-phoi-hop-phong-chong-mua-ban-nguoi-post462752.html