Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật ở các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành

Theo dõi tình hình thi hành pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân...

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Thị Hoa phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: NGỌC QUỲNH

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Thị Hoa phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: NGỌC QUỲNH

Thực hiện Kế hoạch 45/KH-UBND của UBND tỉnh về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024 trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng và UBND các huyện, thị, thành phố đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện theo dõi thi hành pháp luật (TDTHPL) về an toàn thực phẩm (ATTP), về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; việc thi hành Luật Xuất bản...

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo các ngành chức năng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác TDTHPL ở các lĩnh vực trên.

Cụ thể, ở lĩnh vực ATTP vẫn còn một số cơ sở chưa tự công bố sản phẩm thực phẩm theo quy định; một số cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP vẫn hoạt động. Hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở thực phẩm vi phạm ATTP ở xã, phường, thị trấn chưa cao. Công tác ghi nhận, giám sát, điều tra ngộ độc, quản lý kinh doanh dịch vụ ăn uống tự phát còn gặp nhiều khó khăn...

Ở lĩnh vực quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hiện vẫn còn không ít khó khăn trong việc kiểm soát giao dịch kinh doanh, xác định nguồn thu nhập để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn kịp thời tình trạng mua, bán sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khấu trừ, hoàn thuế, hạch toán chi phí đầu vào không đúng quy định. Người tiêu dùng trong tỉnh chưa có thói quen yêu cầu cung cấp hóa đơn khi mua hàng hóa, cung cấp dịch vụ và thường thanh toán bằng tiền mặt nên rất khó quản lý thu thuế…

Về lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm, một số quy định trong các thông tư hướng dẫn thi hành các nghị định của Chính phủ không còn phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng các bộ, ngành liên quan chậm ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế nên phần nào gây khó khăn cho công tác thi hành Luật Xuất bản ở địa phương.

Công tác kiểm tra, xử lý việc mua bán, trao đổi về sách giả, sách lậu trên thị trường truyền thống và các sàn giao dịch điện tử chưa hiệu quả. Việc cập nhật, theo dõi biến động của các cơ sở in chưa kịp thời...

Đồng bộ các giải pháp

Để triển khai đồng bộ các kế hoạch TDTHPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024 của Chính phủ, của Bộ Tư pháp và các kế hoạch của UBND tỉnh, mới đây, Sở Tư pháp đã tổ chức tọa đàm TDTHPL về ATTP, quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Các cơ quan chức năng và địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm, nâng cao hiệu quả công tác TDTHPL ở các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành; đồng thời chủ động rà soát, theo dõi, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp ban hành để kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các văn bản quy phạm pháp luật thiếu khả thi, chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Thị Hoa

Tại đây, đại diện các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị, thành phố đã trao đổi thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật và chia sẻ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác TDTHPL ở các lĩnh vực này thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Khắc Sinh, Phó Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra (Cục Thuế tỉnh), hiện nay, xu hướng kinh doanh trực tuyến khá phổ biến nhưng để xác định được các cá nhân, đơn vị có hoạt động này một cách khách quan, đảm bảo rà soát bao quát công bằng thì vẫn còn khó khăn.

“Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo ngành Thuế địa phương thường xuyên rà soát hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử có phát sinh doanh thu lớn để quản lý kê khai nộp thuế; đồng thời ban hành kế hoạch thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh bán hàng qua mạng; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về thương mại điện tử để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này...”, ông Sinh chia sẻ.

Còn ông Lê Sỹ Kim, Trưởng phòng ATTP (Sở Y tế) cho biết: Trong giai đoạn 2019-2023, Sở Y tế đã tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành với 35.490 lượt cơ sở. Kết quả có 35.104 lượt cơ sở đạt điều kiện ATTP; 386 lượt cơ sở vi phạm, phần lớn là mua bán hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm tại các cơ sở; tăng cường kiểm tra, truyền thông về việc đảm bảo ATTP ở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ để phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Thị Hoa cho rằng: Các cơ quan chức năng và địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm, nâng cao hiệu quả công tác TDTHPL ở các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành; đồng thời chủ động rà soát, theo dõi, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp ban hành để kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các văn bản quy phạm pháp luật thiếu khả thi, chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, doanh nghiệp, nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh.

NGỌC QUỲNH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/164/318081/nang-cao-hieu-qua-thi-hanh-phap-luat-o-cac-linh-vuc-trong-tam-lien-nganh.html