Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học của trẻ em dân tộc thiểu số

Dự án 'Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập của trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam' được triển khai tại 12 xã vùng khó khăn của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam và huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số từ 3 đến 11 tuổi.

Dự án tập trung vào đối tượng trẻ mầm non và tiểu học tại các điểm trường chính và trường lẻ, áp dụng các phương pháp tiếp cận của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em như: “Hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với đọc viết và toán” và “Tăng cường kỹ năng đọc viết cho trẻ Tiểu học” tại trường học và gia đình.

Những phương pháp tiếp cận này được bổ sung thêm bằng phương pháp “Giáo dục đa ngôn ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ” để khắc phục rào cản ngôn ngữ giữa giáo viên và học sinh là trẻ dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, dự án còn đóng góp, nâng cao môi trường học tập có chất lượng tại các trường thông qua việc cải thiện cơ sở vật chất lớp học và góc đọc, thư viện tại điểm trường, khu vực vệ sinh, cung cấp các tài liệu giảng dạy phù hợp như sách, giáo cụ trực quan và tài liệu đọc. Các câu lạc bộ cha mẹ, Ngân hàng sách truyện và các hoạt động cộng đồng, ví dụ như hoạt động Trại đọc, Đôi bạn đọc sách, Cộng đồng đọc sách…cũng ngày càng được mở rộng.

Dự án đã giúp các bậc cha mẹ là người dân tộc thiểu số gần gũi với con hơn (Ảnh : Tổ chức Cứu trợ Trẻ em)

Dự án đã giúp các bậc cha mẹ là người dân tộc thiểu số gần gũi với con hơn (Ảnh : Tổ chức Cứu trợ Trẻ em)

Tại huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam và Văn Chấn tỉnh Yên Bái, những buổi tập huấn của CLB Cha mẹ học sinhcác buổi Trại đọc được tổ chức hàng tuần. Bên cạnh đó là những buổi sinh hoạt hướng dẫn cha mẹ Trò chuyện và lắng nghe với con, đọc sách truyện cùng con, cho con thể hiện ý kiến của mình cũng như tương tác với con thông qua các hoạt động hàng ngày…

Tất cả các bậc cha mẹ và học sinh đều cảm thấy hào hứng khi đến với những buổi sinh hoạt như thế. Họ đặc biệt thích thú khi được tham gia vào nhiều hoạt động vui chơi, được hát múa, được giao lưu, chia sẻ, trò chuyện, được đọc những cuốn sách hay, xem những hình ảnh đẹp, được hiểu về những nội dung câu chuyện mang tính giáo dục và có giá trị nhân văn sâu sắc.

Dự án đã giúp các bậc cha mẹ là người dân tộc thiểu số gần gũi với con hơn, hiểu được sở thích của con, từ đó tập trung thời gian giúp con học tập tốt hơn. Anh Avô Mưng ở tại thôn Agiốc, xã Bhalee, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Mỗi tối tôi đều dạy con học và đọc truyện cùng con trước khi đi ngủ. Trong các hoạt động thường ngày, tôi luôn cho con cùng tham gia. Khi nấu ăn thì cho con đong, đếm, so sánh, mô tả, gọi tên các loại nguyên liệu dùng để nấu ăn và nhận biết các đồ dùng trong nhà bếp. Lúc đi dạo cùng con thì nói chuyện với con về cây cối, con vật, màu sắc….”

Từ những hiệu quả thiết thực, trong tương tai, dự án sẽ tiếp tục vận động chính sách cho việc áp dụng các phương pháp ELM và LB nhằm cải thiện khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập của trẻ em thiệt thòi. Ngoài ra, dự án còn tiếp tục các nỗ lực vận động chính sách của mình để củng cố việc thực thi các chính sách giáo dục, đặc biệt là các chính sách hướng đến trẻ em dân tộc thiểu số.

Được biết, dự án có sự đồng hành của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em. Đây là tổ chức phi chính phủ hàng đầu thế giới hoạt động vì trẻ em, được thành lập từ năm 1919 đến nay. Hiện nay, tổ chức đã có mặt ở hơn 120 quốc gia trên toàn thế giới, nhằm thúc đẩy những đột phá trong việc quan tâm tới trẻ em trên thế giới nhằm đạt được sự thay đổi nhanh chóng và lâu dài trong cuộc sống của các em.

Ở Việt Nam, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em hiện đang hoạt động tại 22 tỉnh trên cả nước với các văn phòng tại Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Với mục tiêu, mang đến cho trẻ một khởi đầu lành mạnh trong cuộc sống, cơ hội được học hỏi và được bảo vệ khỏi bị tổn hại.

K. Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nang-cao-kha-nang-san-sang-di-hoc-cua-tre-em-dan-toc-thieu-so-92644.html