Nâng cao kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho học sinh

Trường học là nơi tập trung số lượng lớn cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, cũng như cơ sở vật chất, kỹ thuật, hồ sơ tài liệu... tiềm ẩn nguy cơ gây cháy, nổ. Chính vì vậy, công tác phòng chống cháy, nổ tại trường học cần được đặc biệt chú trọng nhằm đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội.

Hiện nay, trong xây dựng và phát triển, các trường học đã được đầu tư cơ sở vật chất mới hoặc được cải tạo lại với quy mô, trang thiết bị, tiện nghi học tập và sinh hoạt tương đối đầy đủ, hoàn thiện. Các trường học được chia thành nhiều khu riêng biệt như: Khu vui chơi giải trí, khu học tập (phòng học), khu phục vụ sinh hoạt (phòng ngủ, phòng ăn, phòng vệ sinh…), khu vực chế biến thức ăn (bếp nấu, kho chăn màn…), khu vực để xe. Tại một số trường học còn có khu vực ký túc xá dành cho học sinh nội trú.

Các trường học ở Hà Nội chủ động xây dựng kế hoạch nhằm tăng cường tuyên truyền, trang bị thêm cho học sinh các kỹ năng về PCCC, thoát nạn khi gặp sự cố mất an toàn.

Các trường học ở Hà Nội chủ động xây dựng kế hoạch nhằm tăng cường tuyên truyền, trang bị thêm cho học sinh các kỹ năng về PCCC, thoát nạn khi gặp sự cố mất an toàn.

Các trường học là nơi tập trung số lượng lớn học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên phục vụ. Để duy trì công việc học tập, đào tạo, nghiên cứu cần một khối lượng lớn cơ sở vật chất kỹ thuật, trong đó hầu hết là chất dễ cháy như bàn, ghế, bệ, bục, hồ sơ, tài liệu… tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ. Bên cạnh đó, cháy nổ cũng có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như do sơ xuất trong việc dùng lửa để nấu thức ăn, thực hành thí nghiệm, do vi phạm quy định về PCCC như hút thuốc, đốt cỏ rác... Đối với các trường mẫu giáo, tiểu học, học sinh chưa có khái niệm nhiều về mức độ nguy hiểm của lửa vì vậy thường hay dùng lửa để đùa nghịch...

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC, đặc biệt là sau vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch, ưu tiên các tiết học ngoại khóa nhằm tăng cường tuyên truyền, trang bị thêm cho học sinh của mình các kỹ năng về PCCC, thoát nạn khi gặp sự cố mất an toàn.

Ghi nhận tại Trường Tiểu học Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm), trong ngày Khai giảng năm học mới 2023 - 2024, các học sinh của trường đã cùng nhau tìm hiểu kiến thức, kỹ năng về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH). Theo đó, các học sinh đã được giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn vị trí các thiết bị PCCC trong lớp học như lối thoát hiểm, đèn báo cháy, đồng thời đưa ra các tình huống để các em nhớ những điều không nên làm có thể gây ra hỏa hoạn. Thông qua các buổi tuyên truyền, mỗi học sinh nhà trường đã có thêm kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH để các em có thể chủ động, linh hoạt ứng phó kịp thời với từng tình huống cụ thể. Hiện nay, nhà trường đã trang bị đầy đủ bình cứu hỏa để đảm bảo công tác PCCC tại trường học.

Tương tự, tại Trường Mầm non Linh Đàm (quận Hoàng Mai), ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nghiên cứu, thảo luận các văn bản hướng dẫn, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích phù hợp với điều kiện thực tế; nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác phòng ngừa cháy nổ, tai nạn, sự cố tại nơi làm việc nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Theo cô giáo Vũ Nguyệt Ánh (Hiệu trưởng Trường Mầm non Linh Đàm), công tác PCCC luôn được nhà trường chú trọng. Các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ công tác PCCC được đảm bảo như: Hệ thống báo cháy tự động, đèn chỉ dẫn thoát nạn, bình chữa cháy, nội quy, tiêu lệnh và các phương tiện PCCC theo quy định. Hàng tuần, bảo vệ nhà trường đều tiến hành kiểm tra các trang thiết bị PCCC, đặc biệt là kiểm tra chất lượng của các bình chữa cháy cũng như những hệ thống PCCC khác. Cùng với đó, thường xuyên đẩy mạnh công tác tự kiểm tra và khắc phục tại chỗ các thiếu sót, thay thế, sửa chữa các thiết bị điện, thiết bị PCCC đã hư hỏng, nhằm chủ động phòng ngừa.

Ghi nhận tại quận Hà Đông, 100% các trường học trên địa bàn đã phối hợp với Công an quận xây dựng kế hoạch và triển khai việc tuyên truyền hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, tập trung vào các nội dung như: Thoát nạn trong môi trường khói khí độc; di chuyển nạn nhân, sơ cấp cứu ban đầu; thoát nạn từ nhà cao tầng bằng dây hạ chậm; tham quan các loại phương tiện chữa cháy và CNCH, triển khai đội hình chữa cháy, phun nước vào tiêu điểm; sử dụng bình chữa cháy dập tắt đám cháy giả định…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, quận Ba Đình), để góp phần giảm thiếu tối đa các nguy cơ có thể xảy ra do cháy nổ, hỏa hoạn, những kỹ năng PCCC cần phải được tăng cường, nâng cao thực hành ở các khu dân cư, không phải chỉ cho người lớn mà cả trẻ em. “Thực hành ở khu dân cư với các địa hình khác nhau như chung cư, nhà trong ngõ hẹp... cùng các tình huống giả định sẽ hiệu quả hơn là chỉ trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong trường học. Địa phương nên tổ chức vào các ngày cuối tuần theo từng nhóm, các hộ gia đình và nên duy trì mỗi năm một lần”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.

Chủ động PCCC không bao giờ là thừa, bởi chỉ cần một phút lơ là, chủ quan, ngọn lửa có thể thiêu rụi tài sản và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Đối với các trường học, để công tác PCCC thực sự đem lại hiệu quả, chính quyền các địa phương cần chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra; chỉ đạo, quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống PCCC theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước; thực hiện đầy đủ quy định về thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC đối với các công trình được cải tạo, mở rộng và xây mới.

Trong đó, đặc biệt chú ý vấn đề giải pháp về lối thoát nạn, hệ thống điện, các trang thiết bị PCCC...; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, quản lý các trường học đối với công tác PCCC; từng bước đưa kiến thức an toàn PCCC vào chương trình dạy học nhằm trang bị cho học sinh kỹ năng thoát nạn khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra.

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-ky-nang-phong-chay-chua-chay-cho-hoc-sinh-160707.html