Nâng cao kỹ năng, sức sáng tạo cho người làm báo Hà Tĩnh

TS Trần Bá Dung – Trưởng Ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam đã bổ trợ nhiều kỹ năng báo chí cần thiết cho các nhà báo, phóng viên hội viên Hội Nhà báo Hà Tĩnh, từ đó có các tác phẩm đạt chất lượng cao.

Sáng 17/12, Hội Nhà báo Hà Tĩnh tổ chức tập huấn chuyên đề “Báo chí giải pháp - từ 5W đến 5I” cho 40 hội viên là các nhà báo, phóng viên tại các đơn vị Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh; các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú; chi hội Tạp chí Hồng Lĩnh và chi hội văn phòng Hội nhà báo; chi hội các Đài TTTH huyện phía Bắc và phía Nam...

TS Trần Bá Dung – Trưởng Ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam đã bổ trợ nhiều kỹ năng làm báo chí hiện đại

Trong thời gian 1 buổi, các hội viên đã được nghe Nhà báo, Tiến sỹ Trần Bá Dung - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam trình bày, phân tích các công thức căn bản trong làm báo.

Theo Nhà báo, Tiến sỹ Trần Bá Dung, 5W+1H là công thức căn bản trong làm báo, từ xưa đến nay, áp dụng cho tất cả các loại hình báo chí mà mỗi phóng viên, biên tập viên đều nằm lòng. Đó là những chữ cái đầu của các từ tiếng Anh: What? When? Where? Who? Why? (Cái gì? Khi nào? Ở đâu? Ai? Tại sao?) và How? (Như thế nào?).

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, con người có thể chìm ngập trong biển thông tin rộng lớn, nhưng đôi khi lại “bội thực” thông tin hổ lốn, không đáng tin cậy, giả mạo mà vẫn “đói” những thông tin, tri thức khách quan, trung thực, đúng đắn. Rõ ràng, công thức 5W+1H là không thể thay đổi. Công thức ấy áp dụng cho tất cả các nền báo chí trên thế giới, bởi đơn giản, việc trả lời các câu hỏi đó chính là quá trình cung cấp thông tin nhanh nhạy, khách quan, trung thực, cần thiết, đầy đủ cho công chúng xã hội.

Ngoài công thức 5W+1H, nhà báo Trần Bá Dung còn diễn giải các khái niệm 5I: Informed (Am hiểu), Intelligent (Thông minh), Interesting (Thú vị), Insightful (Sâu sắc) và Interpretation (Sáng tỏ) cần thiết cho báo chí hiện đại.

Xét đến cùng, thực ra 5I cũng không nằm ngoài công thức 5W+1H. Nó chỉ là biểu hiện cụ thể, rõ ràng, hợp thời hơn ở những giá trị thông tin mà báo chí mang lại từ việc trả lời những câu hỏi từ khi báo chí xuất hiện với sứ mạng chuyển tải thông tin tới bạn đọc dựa trên vai trò, trách nhiệm, chức năng của mình. Đó chính là việc lựa chọn yếu tố nào để tập trung làm sâu sắc, công phu, sáng tạo, mới lạ, thông minh nhằm mang đến cho công chúng tiếp nhận những thông tin đa dạng, nhiều chiều, gợi mở, sâu sắc, lý giải, định hướng...

Các học viên tham dự lớp tập huấn

Trong buổi tập huấn, các học viên cũng được tìm hiểu về một số tác phẩm báo chí của một số cơ quan thông tấn, báo chí từng đạt giải cao tại các giải báo chí quốc gia để phân tích những kinh nghiệm trong việc phát hiện, xây dựng, triển khai đề tài về cả nội dung và hình thức. Các học viên cũng được giải thích kỹ để hiểu rõ những khác biệt cơ bản giữa báo chí và mạng xã hội.

Đợt tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ lần này góp phần nâng cao các kỹ năng, sức sáng tạo của các hội viên, phóng viên làm báo trong thời đại mới, từ đó có các tác phẩm đạt chất lượng cao hơn.

Trần Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nang-cao-ky-nang-suc-sang-tao-cho-nguoi-lam-bao-ha-tinh-post172724.html