Nâng cao nhận thức phòng, chống đuối nước ở trẻ em

Những năm qua, công tác phòng, chống tai nạn thương tích nói chung và tai nạn đuối nước cho trẻ em nói riêng đã được các cấp, các ngành triển khai quyết liệt nhằm nâng cao nhận thức của người dân và hạn chế các vụ đuối nước thương tâm. Tuy nhiên, hằng năm các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em vẫn còn xảy ra, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng núi.

Vụ đuối nước thương tâm đã trôi qua hơn 1 năm nhưng vẫn để lại nỗi buồn khôn nguôi và sự ân hận, day dứt cho gia đình anh Đặng Văn V (bản Điện, xã Điện Quan, huyện Bảo Yên) đến tận hôm nay. Chỉ một chút bất cẩn và thiếu trách nhiệm, con trai 2 tuổi của anh V đã vĩnh viễn rời xa vòng tay yêu thương của vợ chồng anh V và gia đình. Nhắc lại chuyện đã qua, anh V không khỏi đau xót: “Buổi trưa một ngày tháng 5/2018, sau giấc ngủ trưa, tôi thức dậy không thấy con đâu nên tá hỏa đi tìm. Lùng sục khắp nhà nhưng không thấy, tôi mới chạy ra bờ ao thì hốt hoảng nhìn thấy con đang nổi trên mặt nước, tuy vậy mọi việc đã quá muộn. Chỉ vì vài chén rượu trong bữa cơm trưa mà tôi vĩnh viễn mất đứa con trai bé bỏng”.

Không để trẻ em tự do đi bơi.

Không để trẻ em tự do đi bơi.

Mới đây nhất, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm khiến 5 học sinh THCS tử vong. Vụ việc đầu tiên xảy ra vào ngày 24/5, sau khi kết thúc năm học, hơn 10 học sinh lớp 6 của Trường THCS Thào Chư Phìn (huyện Si Ma Cai) rủ nhau đi chơi tại khu vực sông Chảy thuộc địa bàn thôn Cốc Cù, xã Bản Mế. Tại đây, em Giàng Thị Liên (thôn Hồ Sáo Chải, xã Thào Chư Phìn) cùng bạn ngồi chơi trên ghềnh đá sát bờ sông xem các bạn khác tắm. Do sơ ý, 2 em bị trượt chân rơi xuống nước, trong đó bạn của Liên may mắn được các bạn khác cứu lên bờ an toàn, còn Liên bị nước cuốn trôi. Mặc dù đã kịp thời báo tin để gia đình cùng các lực lượng của địa phương tổ chức tìm kiếm nhưng đến rạng sáng 27/5, thi thể của Liên mới được tìm thấy tại khu vực thôn Bản Giáng của xã Sín Chéng. Tiếp đó, vào ngày 25/5, 6 học sinh của Trường THCS Quang Kim (huyện Bát Xát) rủ nhau đi chơi tại khu vực suối Làng San. Tại đây, 6 em cùng ngồi trên một chiếc thuyền để chèo sang bờ sông bên kia, tuy nhiên không may chiếc thuyền bị lật khiến 6 em rơi xuống nước, trong đó 2 em may mắn thoát lên bờ an toàn, 4 em còn lại bị đuối nước dẫn đến tử vong.

Đáng nói là hai vụ đuối nước thương tâm kể trên lại xảy ra vào thời điểm khi các em vừa kết thúc năm học, chuẩn bị bước vào thời gian nghỉ hè. Ông Đào Duy Biên, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội trẻ em (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Hầu hết các vụ đuối nước ở trẻ em từ trước đến nay thường xảy ra vào dịp hè. Đây là thời điểm trẻ đã kết thúc năm học, không còn chịu sự quản lý của nhà trường. Đặc biệt, dưới cái oi bức của ngày hè, trẻ thường rủ nhau ra sông, suối, ao, hồ để tắm mà không có sự giám sát của người lớn nên rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong các vụ tai nạn thương tích dẫn đến tử vong ở trẻ em thì số trẻ em tử vong do đuối nước chiếm hơn 50%, có thời điểm hơn 85%. Năm 2017, toàn tỉnh có 1.265 trẻ bị tai nạn thương tích, khiến 20 trẻ tử vong, trong đó số trẻ tử vong do đuối nước là 17. Năm 2018, toàn tỉnh có 1.222 trẻ bị tai nạn thương tích, khiến 31 trẻ tử vong, trong đó trẻ tử vong do đuối nước là 23. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 412 trẻ bị tai nạn thương tích, khiến 11 trẻ bị tử vong, trong đó tử vong do đuối nước chiếm 9 trường hợp.

Nguyên nhân xảy ra các vụ đuối nước ở trẻ em là do trẻ hiếu động, thích nghịch nước mà không có người lớn giám sát; thiếu sân chơi lành mạnh cho trẻ em và môi trường sống xung quanh trẻ chưa an toàn. Ngoài ra, nhiều trẻ thiếu kiến thức trong việc cứu bạn bị đuối nước trong khi bản thân không biết bơi hoặc bơi không giỏi…

Để phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em và hạn chế thấp nhất xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ, những năm qua, Lào Cai đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện. Mới đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản 1160, ngày 26/3/2019 về việc tăng cường phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Giao thông vận tải - Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các huyện, thành phố… đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về phòng, chống đuối cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức biên soạn, in ấn hàng nghìn tài liệu để tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước cho trẻ em. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và kiến thức, kỹ năng phòng, chống, sơ cứu, cấp cứu đuối nước cho các cơ sở quản lý, chăm sóc trẻ em. Rà soát các địa điểm nguy hiểm để cắm biển cảnh báo, đồng thời chuẩn bị các trang - thiết bị để ứng phó kịp thời khi xảy ra đuối nước, lũ lụt…

Để không xảy ra các vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em, đã đến lúc các ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, trường học cần vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trong phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Các gia đình cần thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong mùa mưa bão và chủ động đưa trẻ đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

BA ZIN

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/nang-cao-nhan-thuc-phong-chong-duoi-nuoc-o-tre-em-z5n20190609092541547.htm