Nâng cao trách nhiệm xây dựng Đảng, chính quyền

Thời gian qua, cùng với việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã nâng cao trách nhiệm, triển khai hiệu quả việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI). Nhờ đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã khẳng định rõ hơn vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.

Cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất) luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân.

Những ý kiến tâm huyết

Trong các cuộc đối thoại giữa Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ với đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn, người dân các phường Tứ Liên, Phú Thượng, Quảng An đã kiến nghị cải tạo, nâng cấp ngõ 124 Âu Cơ (phường Tứ Liên); mở rộng, chỉnh trang Khu đô thị Phú Gia (phường Phú Thượng); chỉnh trang ngõ 50 phố Đặng Thai Mai (phường Quảng An) theo hướng xanh - sạch - đẹp theo chủ trương Quận ủy đã đề ra. Trước những ý kiến này, các cơ quan chức năng của quận đã vào cuộc kịp thời. Bà Phan Thúy Dung (ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) cho biết: “Tôi và bà con rất vui khi ý kiến của mình được Mặt trận và cơ quan chức năng giải quyết. Nhờ đó, đường phố đã khang trang, sạch đẹp hơn. Chính quyền địa phương cũng vì thế mà gần gũi hơn với nhân dân”.

hực hiện Quyết định số 218-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị ban hành “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp còn tổ chức đa dạng hóa các kênh góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền địa phương như góp ý định kỳ, thường xuyên hoặc đột xuất. Những ý kiến đều được phản ánh đến cấp ủy, chính quyền, giúp không ngừng nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, hướng đến sự hài lòng của nhân dân. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) Nguyễn Duy Tiến cho biết: "Xã đã bố trí tại mỗi nhà văn hóa thôn một hòm thư góp ý. Năm 2019 đã có nhiều ý kiến đóng góp về các vấn đề như: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên; mối quan hệ giữa đảng viên với nhân dân".

Tại hội nghị góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền năm 2019 của huyện Gia Lâm, nhiều đại biểu đã đề cập đến những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện những nghị quyết, chương trình, kế hoạch của các cấp ủy, chính quyền. Bà Lê Thị Bích (xã Đa Tốn) nêu: "Vẫn tồn tại tình trạng dự án quy hoạch quá lâu mà chưa triển khai khiến người dân không thể xây dựng nhà ở. Cùng với đó, tội phạm trộm cắp tại địa bàn dân cư diễn biến phức tạp khiến nhân dân bất an...". Ông Tạ Văn Quang (xã Trung Mầu) cho rằng: "Gần đây, tình trạng thu gom rác không kịp thời đã ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân". Các ý kiến này đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Gia Lâm tổng hợp, phân loại và gửi đến các cấp ủy Đảng, chính quyền xem xét, giải quyết kịp thời...

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích cho biết: “Mặt trận các cấp của huyện đã phối hợp với các tổ chức thành viên góp ý thường xuyên, định kỳ và đột xuất bằng nhiều hình thức khác nhau với các cấp ủy Đảng, chính quyền, từ đó tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở”.

Xứng đáng là cầu nối giữa dân với Đảng

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân cho biết: “Thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội đã có Quyết định số 2200-QĐ/TU, ngày 25-5-2017, ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố. Năm 2019, đồng chí Bí thư Thành ủy đã gặp mặt đối thoại với đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, với nhân dân, đoàn viên, thanh thiếu niên; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đối thoại với nông dân; Chủ tịch UBND thành phố gặp gỡ đối thoại với công nhân lao động Thủ đô”.

Cùng với đó, 30 quận, huyện, thị ủy phối hợp tiến hành 55 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp; cấp xã tổ chức 740 hội nghị đối thoại tương tự. “Tại các hội nghị, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đã tiếp thu những ý kiến đóng góp, đồng thời chia sẻ thông tin, chỉ đạo giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo đồng thuận xã hội cao”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Phúc Thọ Tô Văn Sáng khẳng định.

Về công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội năm 2020, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đàm Văn Huân nhấn mạnh: "Mặt trận sẽ có giải pháp cụ thể để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, lấy mục tiêu phát huy quyền làm chủ của nhân dân gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương lên hàng đầu. Mặt trận các cấp sẽ tích cực tham mưu với người đứng đầu cấp ủy Đảng tổ chức các cuộc đối thoại chuyên đề với nhân dân, người lao động...".

Với kết quả đạt được trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố Hà Nội tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chính trị, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Hiền Phương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/956262/nang-cao-trach-nhiem-xay-dung-dang-chinh-quyen