Nâng cao ý thức phòng chống tội phạm mua bán người

Phụ nữ và trẻ em vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc rất dễ trở thành đối tượng của tội phạm mua bán người. Ảnh: KIM CHI

Nạn mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do kinh tế khó khăn, thiếu việc làm cũng như nhận thức kém của một số người, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa dẫn đến họ dễ bị lừa gạt và trở thành nạn nhân.

Ðể nâng cao nhận thức của toàn xã hội, góp phần giảm các nguy cơ, tội phạm liên quan đến mua bán người (MBN), ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 793/QÐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng chống MBN”. Trước đó, ngày 31/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2546/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng chống MBN giai đoạn 2016-2020. Ngày 3/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về ngăn chặn, đấu tranh tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài, nhằm hạn chế tình trạng tội phạm lợi dụng để bán người ra nước ngoài.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống chính trị cả nước đã vào cuộc, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, với những hình thức, biện pháp linh hoạt, sáng tạo, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống MBN trên phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng.

Theo báo cáo của Bộ Công an, tình hình tội phạm MBN mặc dù đã được kiềm chế, song vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố gia tăng với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài. Hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em trong nội địa từ các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa, từ nông thôn ra đô thị, các khu du lịch, khu nghỉ mát ép làm mại dâm; việc tuyển mộ, cưỡng ép lao động cực nhọc, bóc lột sức lao động tại các bãi khai thác khoáng sản... diễn biến phức tạp.

Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc điều hành Sở LĐ-TB-XH, thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Ban chỉ đạo) tỉnh, cho biết: Năm 2020, hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng chống MBN, Ban chỉ đạo tỉnh đã tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa của ngày này, nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến tích cực về hành động trong toàn xã hội đối với công tác phòng chống MBN. Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, xác lập hồ sơ điều tra cơ bản các tuyến, địa bàn trọng điểm, các đường dây, băng nhóm, đối tượng nghi vấn hoạt động MBN để có kế hoạch, biện pháp phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn. Sở LĐ-TB-XH chủ động triển khai bộ tài liệu hướng dẫn thực hành chuyển tuyến, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về; phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về kiến thức, kỹ năng trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: Từ đầu năm đến nay, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc họp dân ở thôn, buôn, khu phố… Ban chỉ đạo các xã, thị trấn đã tổ chức 65 buổi tuyên truyền với hơn 8.000 người tham dự. Qua đó tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm MBN để nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng, tự quản trong nhân dân. Ủy ban MTTQ huyện cũng đã phối hợp tổ chức tiếp xúc, đối thoại với các già làng, trưởng thôn, người có uy tín, tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, phương thức thủ đoạn các loại tội phạm; tuyên truyền nhóm về chiến lược dân tộc, phòng chống tội phạm MBN tại các xã...

Mỗi người cần biết cách tự bảo vệ chính mình

Cùng với đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm MBN trong toàn xã hội, các cơ quan chức năng, các ban ngành, đoàn thể đã tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống MBN…

Theo Bộ Công an, hoạt động MBN trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là MBN thông qua việc đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Ðông sang châu Âu. Tại Việt Nam, toàn quốc có gần 20.000 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày không rõ lý do, không có tin tức, nhiều người trong số này nghi bị mua bán; hơn 80.000 phụ nữ xuất cảnh và xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lấy chồng, hoặc xuất cảnh trái phép ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, hơn 20.000 trẻ em được cho nhận làm con nuôi có yếu tố nước ngoài. Trong đó, rất nhiều người trở thành nạn nhân của tội phạm MBN, bị cưỡng ép lao động, bị bóc lột tình dục...

“Trước thực trạng MBN đã và đang diễn biến phức tạp, biện pháp quan trọng nhất là mỗi người dân cần biết tự bảo vệ chính bản thân mình, tránh xa mọi cám dỗ và những cạm bẫy của bọn tội phạm. Các gia đình phải luôn nhắc nhở, dạy con em mình hiểu phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm MBN để phòng ngừa, tránh những bất trắc, đáng tiếc có thể xảy ra”, ông Võ Văn Binh khuyến cáo. Từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tiếp nhận, bàn giao các trường hợp nạn nhân phụ nữ, trẻ em bị mua bán mới trở về (nếu có); phối hợp với gia đình của nạn nhân và chính quyền địa phương nơi nạn nhân ra đi để tiếp nhận, chăm sóc, quản lý và hỗ trợ đối tượng tái hòa nhập cộng đồng; lồng ghép với các chính sách hỗ trợ xã hội từ các chương trình, dự án khác. Đồng thời củng cố Cơ sở cai nghiện ma túy và trợ giúp xã hội, Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội để đảm bảo nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân trong thời gian ở cơ sở, trung tâm.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/242760/nang-cao-y-thuc-phong-chong-toi-pham-mua-ban-nguoi.html