Nâng chất cho hoạt động tình nguyện hè

Hoạt động tình nguyện hè, trong đó có chiến dịch Mùa hè xanh (MHX) đã có sức lan tỏa rộng lớn. Thông qua các chương trình này, các sinh viên tình nguyện đã trưởng thành hơn, đóng góp được sức trẻ để xây dựng cộng đồng. Tuy vậy, hoạt động tình nguyện của sinh viên vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục để mang lại hiệu quả cao hơn.

Chị Nguyễn Thị Sao phỏng vấn tuyển dụng người lao động tại Ngày hội Việc làm của Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: H.Yến

Chị Nguyễn Thị Sao phỏng vấn tuyển dụng người lao động tại Ngày hội Việc làm của Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: H.Yến

Dưới đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Sao, cựu cán bộ Đoàn Trường đại học Đồng Nai, từng có 7 năm gắn bó với các hoạt động tình nguyện của sinh viên.

Xung kích, vì cộng đồng

* Từng có nhiều năm tham gia hoạt động Đoàn và hỗ trợ, tổ chức các chương trình tình nguyện của sinh viên, chị có thể kể sơ lược về hành trình của mình?

- Tôi kết nạp Đoàn từ năm học lớp 9 và tham gia vào Ban chấp hành chi đoàn. Những năm học THPT cũng như vậy. Khi lên đại học, tôi có 2 năm tham gia Ban chấp hành Đoàn khoa, sau đó là Ban chấp hành Đoàn trường, Ban chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam Trường đại học Đồng Nai và làm việc tại Văn phòng Đoàn trường.

Hành trình tiến bước cùng với Đoàn của tôi đi theo lớp lang, bước những bậc thang nối tiếp nhau như thế. Chính quá trình đó đã giúp tôi học được nhiều điều để khi bước lên bậc thang cao hơn thì có thể hiểu rõ những vị trí để làm công tác quản lý được tốt hơn.

* Trong quá trình làm công tác Đoàn, chắc hẳn chị đã gắn bó nhiều với hoạt động tình nguyện, nhất là chiến dịch tình nguyện MHX? Chị nhìn nhận như thế nào về hoạt động này?

- Thú thực, tôi chưa được làm chiến sĩ MHX tại cơ sở mà chỉ được tham gia công tác hỗ trợ, tổ chức và quản lý. Nghĩa là tuy không làm “chiến sĩ” nhưng tôi vẫn gắn bó với hoạt động này và đã có 7 năm xuyên suốt tham gia khâu tổ chức, điều hành chiến dịch MHX của Đoàn Trường đại học Đồng Nai.

Sau mỗi chương trình tình nguyện cần tổng kết, đánh giá một cách thực chất hơn, có báo cáo cho nhà tài trợ để kết nối, giữ liên hệ cho các mùa sau.

Khi nói đến chiến dịch tình nguyện MHX nói riêng và các chương trình tình nguyện của sinh viên nói chung, người ta thường nhắc nhiều đến sự đóng góp của các bạn trẻ cho cộng đồng. Tôi thì nghĩ rằng, hoạt động tình nguyện đã giúp ích cho các bạn trẻ rất nhiều. Chính những trải nghiệm trong chiến dịch MHX đã giúp sinh viên trưởng thành hơn, trang bị thêm được nhiều kỹ năng mềm và được hun đúc thêm tinh thần tình nguyện vì cộng đồng.

Những điều này không chỉ có giá trị ở trường đại học, khi các bạn được cộng điểm rèn luyện, được công nhận danh hiệu Sinh viên 5 tốt… mà còn là điểm cộng khi các bạn tham gia tuyển dụng việc làm sau này. Hiện nay, tôi đang làm nhân viên phòng nhân sự của một doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thường xuyên đi tuyển dụng nên hiểu rất rõ điều này. Khi tuyển dụng, các bạn từng năng nổ tham gia hoạt động Đoàn - Hội và các hoạt động tình nguyện thường có các yếu tố nổi bật hơn so với các ứng viên khác như: bản lĩnh, trách nhiệm, có tinh thần cầu tiến và tích cực, chịu khó học hỏi, thích nghi tốt với văn hóa DN...

Vẫn có “điểm trừ”

* Với những “điểm cộng” như vậy, liệu có xảy ra tình trạng các bạn trẻ tham gia tình nguyện để được cộng điểm rèn luyện, vì thành tích và làm đẹp hồ sơ xin việc hay không?

- Tôi nghĩ rằng có nhưng không nhiều. Hơn nữa, ở góc độ nhà tuyển dụng, các bạn không thể “qua mắt” được chúng tôi.

Phần lớn các bạn sinh viên đến với MHX đều với tinh thần tình nguyện, xung kích vì cộng đồng, muốn đem sức trẻ của mình để đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà tinh thần xung kích này chưa được thể hiện trọn vẹn hoặc kém hiệu quả.

Điều hạn chế đầu tiên mà tôi muốn nhắc đến chính là ranh giới giữa thi đua và ganh đua. Mọi hoạt động trong nhà trường và do nhà trường tổ chức đều có kèm theo các hình thức thi đua, khen thưởng. Trong khi đó, các bạn trẻ thường có sự hiếu thắng, có “cái tôi” lớn nên rất dễ vượt qua khỏi ranh giới của thi đua để trở thành ganh đua, hơn thua với nhau. Điều này khiến cho hoạt động thi đua, tình nguyện bớt đi phần ý nghĩa.

Vì vậy, người làm công tác quản lý phải tinh ý, nhìn ra vấn đề để sắp xếp nhân sự hợp lý; có sự khen thưởng, động viên, kịp thời để bạn nào cũng thấy được việc làm của mình đã được ghi nhận. Như thế, các bạn mới có tinh thần để làm việc, không ganh đua, ghen ghét nhau.

Đa phần các bạn sinh viên đi MHX với tinh thần tình nguyện nhưng vẫn có số ít bạn đi MHX vì để được lấy chứng nhận, giấy khen. Một số bạn không hiểu rõ tinh thần xung kích vì cộng đồng mà coi MHX như là chuyến dã ngoại dài ngày. Vì vậy, thủ lĩnh của hoạt động này cần làm sao để lan tỏa được tinh thần tình nguyện; tạo ra những hoạt động để các bạn được thể hiện vai trò cá nhân, từ đó chuyển hóa dần để các bạn yêu thích hoạt động tình nguyện.

* Ngoài những yếu tố thuộc về cá nhân người tham gia, theo chị, chiến dịch MHX có những hạn chế nào cần khắc phục?

-MHX đã lan tỏa sức trẻ, tính xung kích, tình nguyện đến các miền quê trong tỉnh. Điều này thể hiện ở sự đón nhận của các địa phương.

Sau này, Tỉnh đoàn ngày càng chuyên nghiệp hơn khi xây dựng được các đội hình chuyên (theo sở trường, năng lực của các nhóm sinh viên) cho công tác tình nguyện MHX. Nhờ đó, hiệu quả của công tác tình nguyện được nâng cao. Tuy vậy, cần có sự đều tay ở các đơn vị Đoàn trực thuộc.

Theo tôi, hoạt động MHX vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Đó là công tác chuẩn bị, lên kế hoạch cho hoạt động tình nguyện; sự kết nối với địa phương nơi tổ chức chiến dịch MHX chưa tốt; sử dụng quỹ thời gian chưa hiệu quả… Do đó, muốn hoạt động tình nguyện MHX hiệu quả hơn thì cần làm tốt khâu quản lý và kiểm soát nguồn lực từ khi xây dựng cho đến khi sử dụng và sau sử dụng. Nguồn lực ở đây gồm cả nhân lực, vật lực, tài lực.

Theo đó, chiến dịch MHX cần tuyển chọn tình nguyện viên theo những tiêu chuẩn sao cho mỗi “chiến sĩ” đều xứng đáng đại diện cho chương trình tình nguyện ý nghĩa, trọng điểm này.

Về vật lực, tài lực: các cơ sở Đoàn có thể khai thác thêm sự ủng hộ của các DN, không chỉ DN Việt Nam mà cả DN FDI bởi vì các DN này luôn có nguồn quỹ cho công tác xã hội. Tuy nhiên, để thuyết phục được DN tài trợ, các bạn cần chuẩn bị tốt hồ sơ mời tài trợ. Trong đó, các bạn cần có kế hoạch cụ thể, càng chi tiết càng tốt và chỉ rõ tính hiệu quả của chương trình tình nguyện, lợi ích của DN khi tham gia chương trình này. Việc kết nối với các DN hiện nay không khó vì trường đại học, cao đẳng nào cũng có bộ phận quan hệ DN và định kỳ tổ chức ngày hội việc làm.

Khi đã huy động được nguồn lực rồi thì việc sử dụng nguồn lực đừng lãng phí. Theo tôi, khâu tổ chức của chiến dịch tình nguyện cần tinh gọn lại; sắp xếp thời gian chiến dịch hợp lý, nếu cần thiết thì phải có thời gian biểu cho hoạt động tình nguyện, tránh tình trạng đi dài ngày nhưng ít hoạt động.

* Xin cảm ơn chị!

Hải Yến (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202307/chuyen-de-mua-he-mua-tinh-nguyen-nang-chat-cho-hoat-dong-tinh-nguyen-he-3171606/