Nâng chất lượng giáo dục cho học sinh khiếm thính cấp tiểu học

(ABO) Chiều ngày 20-4, đoàn công tác Ban Quản lý các dự án thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có buổi giám sát, hỗ trợ kỹ thuật Dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu” (Dự án QIPEDC) tại Tiền Giang.

Tiếp và làm việc với đoàn có lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang; Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang; Trường Khuyết tật Nhân Ái; giáo viên, nhân viên hỗ trợ, người điếc và phụ huynh học sinh.

Quang cảnh buổi giám sát tại Trường Khuyết tật Nhân Ái.

Dự án QIPEDC có mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận ngôn ngữ ký hiệu tiếng Việt cho trẻ khiếm thính và cải thiện kết quả học tập của trẻ. Mục tiêu cụ thể là duy trì và tăng tỷ lệ học sinh khiếm thính tiếp cận giáo dục tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu tiếng Việt.

Đại biểu tham dự tiết học Toán bằng dữ liệu dạy toán tại Trường Khuyết tật Nhân Ái.

Tại Tiền Giang, Dự án QIPEDC được triển khai từ năm 2020, có 99 học sinh tham gia (90 học sinh chuyên biệt đang học tại Trường Khuyết tật Nhân Ái và 9 học sinh hòa nhập tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh). Theo đó, giáo viên đã khai thác sử dụng học liệu gồm 150 bài giảng bằng video clip ở bộ môn Tiếng Việt và Toán của Dự án QIPEDC để dạy cho các em.

Đại biểu tham dự tiết học môn Tiếng Việt tại Trường Khuyết tật Nhân Ái.

Chuyên gia giáo dục tiểu học Nguyễn Đức Hữu, Ban thực hiện Dự án QIPEDC đánh giá cao việc Tiền Giang đã khai thác triệt để học liệu của dự án, đó là ngôn ngữ ký hiệu để đưa vào giảng dạy rất có hiệu quả trong 2 năm qua. Các video học liệu là sự tích hợp các chương trình cốt lõi. Vì thế, để nâng cao hiệu quả thì giáo viên cần linh hoạt và tăng tính tương tác với học sinh. Đồng thời, Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên cũng như phụ huynh về ngôn ngữ ký hiệu…

Phụ huynh bày tỏ sự đồng tình với việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu vào giảng dạy cho học sinh khiếm thính.

Sáng cùng ngày, đoàn đã trực tiếp tham dự các tiết dạy trẻ hòa nhập tại Trường Tiểu học Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo và tiết dạy Toán, Tiếng Việt cho các em tại Trường Khuyết tật Nhân Ái.

P. MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202204/nang-chat-luong-giao-duc-cho-hoc-sinh-khiem-thinh-cap-tieu-hoc-949006/