Năng lực điều trị Covid-19 tại các trung tâm hồi sức ở phía Nam

Các trung tâm hồi sức tích cực được thành lập nhằm điều trị cho người mắc Covid-19 nặng với nguồn nhân lực được huy động từ nhiều bệnh viện trên cả nước.

Nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, nhiều trung tâm hồi sức tích cực (HSTC) đã được Bộ Y tế thành lập và hoạt động ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam, bao gồm: TP.HCM, Bình Dương, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Nai và Long An.

Nguồn nhân lực

Dưới sự chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bệnh Mai, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 BV Bạch Mai tại TP.HCM bắt đầu hoạt động từ ngày 11/8.

Trung tâm có nhiệm vụ hỗ trợ các cơ sở y tế khác thuộc quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ..., đồng thời tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng, cần hồi sức tích cực, thở máy. Ngoài ra, trung tâm cũng có trách nhiệm giảng dạy, tạo phác đồ điều trị, kỹ thuật chuyển giao..., cho các bệnh viện khác.

Với tổng số nhân lực là 770 người, trung tâm đã huy động từ BV Tai Mũi Họng Trung ương (54), BV Mắt Trung ương (91), BV 71 Trung ương (60), Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh (50), các tôn giáo (nhóm thiện nguyện) (54).

 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và tập thể thầy thuốc tại Trung tâm Hồi sức tích cực tại TP.HCM. Ảnh: Thái Bình.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và tập thể thầy thuốc tại Trung tâm Hồi sức tích cực tại TP.HCM. Ảnh: Thái Bình.

Trung tâm HSTC người bệnh Covid-19 tại Cần Thơ trực thuộc BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, hoạt động từ ngày 16/8. Lãnh đạo trung tâm là BS CKII Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Trung tâm có nhiệm vụ hỗ trợ điều trị các bệnh nhân nặng trên địa bàn TP Cần Thơ. Ngoài ra, nếu cần, trung tâm này có thể tiếp nhận thêm các bệnh nhân nặng tại nhiều tỉnh lân cận như Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang.

Về nhân sự, trung tâm đã tận dụng nguồn nhân lực từ BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ với tổng số 94 cán bộ, có thể huy động thêm khi cần.

Bắt đầu hoạt động từ ngày 12/8, Bệnh viện dã chiến HSCC tỉnh Bình Dương được chỉ đạo bởi PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, và BS Nguyễn Văn Trương, Giám đốc BV Quốc tế Becamex Bình Dương.

Đến nay, nguồn nhân lực của bệnh viện là 360 người, được huy động từ BV Quốc tế Becamex (113), BV Đại học Y Hà Nội (120), BV Quốc tế Vinmec (12), BV Phụ sản Trung ương (41), BV C Đà Nẵng (49), Sở Y tế Thanh Hóa (25).

Bệnh viện có nhiệm vụ hỗ trợ cả 3 tầng điều trị tại các bệnh viện dã chiến, hỗ trợ khu cách ly tập trung, chăm sóc điều trị F0, giảm tỷ lệ F0 chuyển nặng, chuyển tuyến kịp thời.

Trung tâm HSTC người bệnh Covid-19 tại Đồng Nai do PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, chỉ đạo, được thành lập với mục đích hỗ trợ 2 trung tâm hồi sức tích cực của BV Đa khoa Đồng Nai và BV Long Thành. Ngoài ra, trung tâm này còn hỗ trợ cả 3 tầng điều trị tại các bệnh viện dã chiến, hỗ trợ khu cách ly tập trung, chăm sóc điều trị F0, giảm tỷ lệ F0 chuyển nặng, chuyển tuyến kịp thời.

Bắt đầu hoạt động từ ngày 2/8, trung tâm huy động được 285 nhân viên, đến từ các cơ sở bao gồm: BV Phổi Trung ương (119), BV K Trung ương (36), BV 71 Trung ương (20), BV Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai (110).

Trung tâm HSTC người bệnh Covid-19 tại Long An trực thuộc BV Trung ương Thái Nguyên. Bắt đầu hoạt động từ ngày 15/8, trung tâm được chỉ đạo bởi PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc BV Trung ương Thái Nguyên.

Nhiệm vụ chính của trung tâm là hỗ trợ tỉnh Long An hội chẩn trực tuyến cho các bệnh viện tuyến dưới. Hiện tại, trung tâm có 159 nhân viên được huy động từ BV Trung ương Thái Nguyên (129) và Sở Y tế Thái Nguyên (30).

Trung tâm HSTC người bệnh Covid-19 tại Vĩnh Long dưới sự chỉ đạo của PGS.TS Trần Minh Điền, Giám đốc BV Nhi Trung ương, bắt đầu hoạt động từ 17/8.

Nhiệm vụ của trung tâm là hỗ trợ Vĩnh Long điều trị các bệnh nhân nặng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trung tâm có thể tiếp nhận bệnh nhân nặng tại các tỉnh lân cận như Đồng Tháp và An Giang.

 Một bệnh nhân có diễn biến nặng đang được điều trị tại bệnh viện dã chiến ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Một bệnh nhân có diễn biến nặng đang được điều trị tại bệnh viện dã chiến ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Trang thiết bị

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Trung tâm HSTC người bệnh Covid-19 BV Bạch Mai tại TP.HCM có 360 giường bệnh đã đi vào hoạt động. Tính đến ngày 31/8 (sau 20 ngày hoạt động), trung tâm này đã tiếp nhận 700 bệnh nhân. Trong đó, 130 trường hợp đã khỏi Covid-19 hoặc đỡ, được chuyển tầng 2 điều trị. Hiện trung tâm có 307 bệnh nhân điều trị ICU.

Bệnh viện dã chiến HSCC tỉnh Bình Dương có 437 giường bệnh, trong đó: giường ICU (37), giường điều trị bệnh nhân nặng (300), giường điều trị bệnh nhân vừa (100). Tính đến ngày 29/8, cơ sở này đã tiếp nhận 362 bệnh nhân Covid-19. 78 người trong số này đã khỏi bệnh hoặc được chuyển tầng 2 điều trị. Hiện 108 bệnh nhân tiếp tục điều trị ICU.

Trong khi đó, Trung tâm HSTC người bệnh Covid-19 tại Cần Thơ có 50 giường bệnh đã hoạt động giai đoạn 1. Dự kiến, 100-200 giường hoạt động trong giai đoạn 2.

Sau gần 2 tuần hoạt động, tính đến 29/8, trung tâm đã tiếp nhận 48 bệnh nhân Covid-19 thuộc tầng 3 từ Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang và TP Cần Thơ. Trong đó, 11 trường hợp đã chuyển tầng và cho ra viện. Ngoài ra, 2 bệnh nhân được điều trị ECMO thành công và đã ra viện.

Trung tâm HSTC người bệnh Covid-19 tại Đồng Nai có 220 giường bệnh, dự kiến mở rộng tối đa 400 giường. Tính đến ngày 28/8, cơ sở này đã tiếp nhận 305 bệnh nhân Covid-19, trong đó, 118 người đã khỏi hoặc được chuyển tầng 2 điều trị. Hiện 108 bệnh nhân tiếp tục điều trị ICU.

Tại Trung tâm HSTC người bệnh Covid-19 tại Vĩnh Long, 200 giường bệnh đã đi vào hoạt động. Sau gần 2 tuần hoạt động (đến 29/8), trung tâm đã tiếp nhận 123 bệnh nhân Covid-19, trong đó, 60 người đã khỏi hoặc đỡ, được chuyển tầng 2 điều trị. 52 bệnh nhân đang được điều trị ICU tại cơ sở này.

Trung tâm HSTC người bệnh Covid-19 tại Long An có quy mô 150 giường bệnh, có thể mở rộng tối đa 500 giường. Đến ngày 29/8, sau 2 tuần hoạt động, cơ sở này đã tiếp nhận 70 bệnh nhân, trong đó 23 người đã khỏi hoặc chuyển tầng điều trị.

Dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, các tỉnh, thành khu vực phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai..., đều ghi nhận số ca mắc cao mỗi ngày. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến nay, 5 tỉnh, thành phố có tổng số ca mắc cao trên cả nước là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang.

Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ các địa phương dập dịch, điều trị bệnh nhân tại khu vực phía Nam. Nhiều trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 đã được xây dựng và đi vào hoạt động, giảm tải tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nang-luc-dieu-tri-covid-19-tai-cac-trung-tam-hoi-suc-o-phia-nam-post1257847.html