Nắng nóng bao trùm miền Nam châu Âu, nhiệt độ lên tới 46 độ C

Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã ghi nhận mức nhiệt chưa từng có, trên 46 độ C, trong khi toàn bộ đất liền nước Pháp đặt trong tình trạng báo động màu cam, mức 3/4.

Một đợt nắng nóng dữ dội đã bao trùm miền Nam châu Âu, bao gồm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Ý và Hy Lạp,.. trong nhiều ngày qua với nhiệt độ lên tới 46 độ C ở Bồ Đào Nha và khiến gần như toàn bộ đất liền nước Pháp đặt trong tình trạng báo động màu Cam, mức 3/4.

Nhiệt độ cao đã khiến một số quốc gia đã nâng cảnh báo về sức khỏe và huy động lính cứu hỏa để ngăn chặn cháy rừng bùng phát.

Ngày 30/6, phát biểu tại một hội nghị phát triển ở Seville, Tây Ban Nha, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, cảnh báo, nắng nóng cực đoan không còn là hiện tượng hiếm gặp nữa mà đã trở thành thực tế bình thường mới.

 Nắng nóng cực đoan đang bao trùm khắp miền Nam châu Âu. Nguồn: Met Office.

Nắng nóng cực đoan đang bao trùm khắp miền Nam châu Âu. Nguồn: Met Office.

Tại Bồ Đào Nha quê hương ông, nhiệt độ được ghi nhận mức 46,6 độ C tại Mora, tỉnh Évora, miền Nam đất nước. Các chuyên gia khí hậu đang xem xét xem liệu đây có thể là mức nhiệt tháng 6 cao kỷ lục mới ở Bồ Đào Nha hay không.

Dự báo nhiệt độ tại Mora sẽ duy trì trên mức 40 độ C trong 3 ngày tới với nhiệt độ ban đêm chí ít cũng là 25 độ C.

Tại Ý, 21/27 thành phố được đặt trong tình trạng báo động nhiệt độ cực đoan hôm 30/6. Số ca nhập viện do nắng nóng ở một số vùng, như Tuscany, đang biến động. Người dân được khuyến cáo không nên ra ngoài trong khoảng thời gian từ 11h-18h.

Tại Pháp, lần đầu tiên trong lịch sử, cảnh báo nhiệt độ bao phủ gần như toàn bộ đất liền.

Du khách giải nhiệt tại đài phun nước ở Quảng trường Thánh Peter, thành phố Vatican. Ảnh: Angelo Carconi/EPA.

Du khách giải nhiệt tại đài phun nước ở Quảng trường Thánh Peter, thành phố Vatican. Ảnh: Angelo Carconi/EPA.

Cơ quan Khí tượng Pháp (Meteo France) đã đặt phần lớn lãnh thổ đất nước trong trình trạng báo động nắng nóng màu cam, tương đương mức 3 trên 4, ngoại trừ vùng gần biển Manche và khu vực gần biên giới Pháp - Bỉ và Pháp - Đức.

Từ ngày 29/6, nhiệt độ trung bình ở miền Nam Pháp lên đến 35-38 độ C, trong khi tại vùng gần Địa Trung Hải nhiệt độ đã vượt ngưỡng 40 độ C, theo Meteo France.

Ngày 29/6, 73 tỉnh nằm trong báo động nắng nóng mức màu cam, tuy nhiên đến ngày 30/6, con số này lên 84 trong tổng số 101 tỉnh, điều “chưa từng thấy” ở Pháp, theo Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái, Agnès Pannier-Runacher.

Vào cuối tuần, một đám cháy đã bùng phát ở tây nam nước Pháp, thiêu rụi 400 ha rừng và thảm thực vật và khiến ít nhất hơn 100 người phải sơ tán.

 Mọi người xếp hàng chờ lấy nước tại đài phun nước ở Quảng trường Thánh Peter, thành phố Vatican. Ảnh: EPA.

Mọi người xếp hàng chờ lấy nước tại đài phun nước ở Quảng trường Thánh Peter, thành phố Vatican. Ảnh: EPA.

Một cuộc họp liên bộ đã được tổ chức vào tối 29/6 do Bộ Nội vụ Pháp chủ trì nhằm tìm giải pháp bảo vệ sức khỏe cho người dân, hạn chế thiệt hại về nhân mạng.

Vào tháng 8/2003, đợt nắng nóng gay gắt tại Pháp đã khiến hơn 15.000 người chết.

Sau cuộc họp này, Bộ trưởng Lao động và y tế Pháp Catherine Vautrin đã kêu gọi các doanh nghiệp điều chỉnh khung giờ làm việc để bảo vệ người lao động khỏi tác động của nắng nóng cực đoan.

Bộ trưởng Giáo dục Pháp Elisabeth Borne lưu ý các biện pháp cần thiết tại trường học, bao gồm cho học sinh nghỉ học. Khoảng 200 trong số 45.000 trường công lập đóng cửa một phần hoặc toàn bộ cho đến ngày 2/7.

 Trẻ em giải nhiệt tại đài phun nước tại một đô thị ở châu Âu. Nguồn: MediaExpress.

Trẻ em giải nhiệt tại đài phun nước tại một đô thị ở châu Âu. Nguồn: MediaExpress.

Riêng tại Paris và vùng phụ cận, chính quyền quyết định hạn chế sử dụng xe ô tô riêng, giảm tốc độ vận hành xe và ưu tiên phương thức làm việc trực tuyến.

Tại Tây Ban Nha, nắng nóng như chảo lửa, nhiệt độ kỷ lục tháng 6 đã được thiết lập vào chiều ngày 28/6 tại El Granado, tỉnh Huelva, vùng tự trị Andalucían với 46 độ C. Nhiệt độ tháng 6 cao nhất trước đó được ghi nhận là 45,2 độ C ở Seville vào năm 1965.

Theo dữ liệu từ Cơ quan khí tượng Tây Ban Nha (AEMET), được thu thập từ năm 1950, ngày 29/6 là ngày nóng nhất được ghi nhận tại Tây Ban Nha.

 Hàng trăm đám cháy rừng đang bùng phát ở miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: PhoenixCNE_News.

Hàng trăm đám cháy rừng đang bùng phát ở miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: PhoenixCNE_News.

Đợt nắng nóng ở Tây Ban Nha dự báo sẽ kéo dài đến ngày 3/7.

Xa hơn về phía bắc, một số vùng tại Đức ghi nhận nhiệt độ 40 độ C vào ngày 25/6.

Tại bang Brandenburg, đông bắc Đức, chính quyền đã cảnh báo những rủi ro do nhiệt độ cao; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ các quy tắc bảo hộ tại nơi làm việc.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, cháy rừng bùng phát tại nhiều tỉnh miền Tây đất nước, nhất là tại tỉnh Izmir, trên bờ biển Địa Trung Hải. Chính quyền đã huy động hàng nghìn nhân viên cứu hỏa và hàng trăm xe chữa cháy, máy bay và trực thăng trong nỗ lực khống chế các đám cháy.

 Thổ Nhĩ Kỳ huy động trực thăng chữa cháy trong nỗ lực khống chế các vụ cháy rừng đang hoành hành ở miền Tây đất nước. Ảnh: AA.

Thổ Nhĩ Kỳ huy động trực thăng chữa cháy trong nỗ lực khống chế các vụ cháy rừng đang hoành hành ở miền Tây đất nước. Ảnh: AA.

Hơn 50.000 người ở hàng chục ngôi làng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã phải sơ tán do cháy rừng, theo cơ quan quản lý thảm họa và tình trạng khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- Lâm nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Yumaklı cho biết, trong mấy ngày qua, riêng tại tỉnh Izmir, lực lượng cứu hỏa đã ứng phó với gần 270 vụ cháy rừng.

Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết, lực lượng của họ đang hỗ trợ để đối phó với các đám cháy ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Na Uy.

 Đợt nắng nóng cực đoan được dự báo sẽ duy trì trong vào ngày tới ở nam châu Âu. Nguồn: RadioMonaco.

Đợt nắng nóng cực đoan được dự báo sẽ duy trì trong vào ngày tới ở nam châu Âu. Nguồn: RadioMonaco.

Ở các quốc gia khác như Tây Ban Nha, Ý và Anh, các tình nguyện viên IFRC cũng đang phát nước và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương.

Theo ước tính, nắng nóng gây nên cái chết của khoảng nửa triệu người trên toàn cầu mỗi năm, trong đó người già và những người mắc bệnh mãn tính là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Nhiệt độ khắc nghiệt trên khắp châu Âu là kết quả của một vòm nhiệt, một hiện tượng hiện cũng đang thiêu đốt bờ Đông nước Mỹ.

Theo dữ liệu từ Viện Biến đổi khí hậu của Đại học Maine, Mỹ, vòm nhiệt xuất hiện trong bối cảnh một đợt nắng nóng trên biển đang diễn ra khiến Địa Trung Hải nóng hơn bình thường 5 độ C.

Văn Phong (theo theguardian)

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/nang-nong-bao-trum-mien-nam-chau-au-nhiet-do-len-toi-46-do-c-180230.html