Nắng nóng bất thường đầu hè càn quét châu Âu

Nắng nóng đã kéo dài hơn một tuần, đẩy nhiệt độ vượt mức kỷ lục ở nhiều nước châu Âu. Giờ đây, nắng nóng đang có xu hướng dịch chuyển về phía Đông.

 Một du khách tại Rome, Italy hôm 30/6. Ảnh: Reuters.

Một du khách tại Rome, Italy hôm 30/6. Ảnh: Reuters.

Tại châu Âu, cao điểm nắng nóng mùa hè thường là tháng 7 và tháng 8. Dù vậy, châu Âu vừa trải qua một trong những tháng 6 với nhiều kỷ lục về nhiệt độ.

Nguyên nhân gây ra nắng nóng là một vùng áp cao mạnh, khiến không khí khô từ châu Phi tràn sang châu Âu. Bên cạnh đó, lớp mây tầm thấp gần như không tồn tại, khiến bức xạ Mặt Trời chiếu thẳng xuống mặt đất, Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết.

Nắng nóng hoành hành

Giới chức Tây Ban Nha đã ghi nhận bốn trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng - trong đó hai người với lý do sức khỏe và hai người do cháy rừng. Dù nhiệt độ đang dần hạ, chín tỉnh tại Tây Ban Nha vẫn duy trì cảnh báo thời tiết. Nhiệt độ tại thành phố miền Nam Seville hôm 3/7 vẫn lên tới 42 độ C, theo New York Times.

Hồi đầu tuần này, cơ quan khí tượng Tây Ban Nha ghi nhận nhiệt độ lên tới 46 độ C tại thị trấn vùng Tây Nam El Granado. Đây là nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận tại Tây Ban Nha trong tháng 6.

Tại Italy, giới chức y tế công bố cảnh báo nắng nóng cấp độ cao nhất tại 18 thành phố - bao gồm Rome và Milan.

Tại Pháp, cơ quan thời tiết quốc gia cho biết nhiệt độ tại một số khu vực hôm 2/7 đã vượt mốc 40 độ C. Sau một tuần phải đóng cửa do nắng nóng, tháp Eiffel đã mở cửa trở lại từ ngày 3/7. Theo giới chức Pháp, nắng nóng khiến thép giãn nở và làm tháp nghiêng chút ít, nhưng không ảnh hưởng tới cấu trúc tổng thể.

Dù vậy, vùng Đông Nam nước Pháp vẫn phải hứng chịu nắng nóng gay gắt. Pháp và Thụy Sĩ cũng phải hạn chế hoạt động của một số nhà máy điện hạt nhân do nắng nóng trước nguy cơ việc sử dụng nước sông để làm mát có thể gây hại cho hệ sinh thái.

Biểu đồ nhiệt độ tại châu Âu hôm 3/7 và thay đổi so với cùng kỳ năm 2024. Có thể thấy nhiệt độ ở một số khu vực đã tăng mạnh. Đồ họa: New York Times.

Biểu đồ nhiệt độ tại châu Âu hôm 3/7 và thay đổi so với cùng kỳ năm 2024. Có thể thấy nhiệt độ ở một số khu vực đã tăng mạnh. Đồ họa: New York Times.

Sau khi hoành hành tại Tây Âu, nắng nóng đang có xu hướng dịch chuyển sang Trung Âu. Một số khu vực miền Nam nước Áo đã trải qua cảnh báo đỏ nắng nóng trong hai ngày liên tiếp với nhiệt độ cao nhất lên tới 38 độ C. Nhiệt độ sẽ chỉ bắt đầu giảm dần từ ngày 4/7.

Một số khu vực tại Đức cũng đã bắt đầu hạ nhiệt từ ngày 3/7 sau khi đón nhận những trận nắng nóng lên tới 40 độ C.

Tại Serbia, cơ quan thời tiết đã ban bố cảnh báo đỏ với ba khu vực miền Đông. Cơ quan này dự báo tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất năm ngày liên tiếp với nhiệt độ lên tới 38 độ C - cao hơn nhiều so với mức nhiệt trung bình 30 độ C vào tháng 7.

Cả Slovakia lẫn Bosnia và Herzegovina cũng đã phải ban bố cảnh báo ở mức cao trước nguy cơ nhiệt độ vượt mốc 40 độ C.

“Bình thường mới”

Nhiệt độ cao kết hợp với thời tiết khô hạn đã dẫn đến cháy rừng tại nhiều nước châu Âu.

Tới ngày 3/7, lực lượng cứu hỏa Tây Ban Nha vẫn phải đối phó với nhiều đám cháy - bao gồm một “siêu đám cháy” tại Catalonia tạo ra cột khói cao đến hơn 12 km.

Giới chức Hy Lạp cho biết tình trạng khô hạn đã làm trầm trọng thêm một đám cháy rừng ở đảo Crete. Do gió to, lực lượng cứu hỏa gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực kiểm soát đám cháy. Hồi đầu tuần, một đám cháy trên đảo Khíos cũng đã thiêu rụi khoảng 6.000 hecta rừng

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 50.000 người đã buộc phải sơ tán do cháy rừng. Một người đã phải nhập viện, trong khi 79 người khác bị thương nhẹ.

 Một công nhân tại Đức giải nhiệt giữa nắng nóng. Ảnh: Reuters.

Một công nhân tại Đức giải nhiệt giữa nắng nóng. Ảnh: Reuters.

Nắng nóng cũng khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng hơn. Mật độ bụi mịn PM10 và PM2.5 đang gia tăng, theo Trung tâm Bụi Khu vực của Tổ chức Khí tượng Thế giới tại Barcelona. Một số chất gây ô nhiễm khác như ozone cũng xuất hiện nhiều hơn.

Đợt nắng nóng lần này đáng chú ý do nhiệt độ vượt xa mức trung bình hàng năm. Ví dụ, nhiệt độ ở vùng Tor Vergata Đông Nam Rome ghi nhận nhiệt độ hơn 41 độ C, trong khi nhiệt độ thông thường chỉ lên tới khoảng 30 độ C.

Dù vậy, các nhà khoa học đánh giá tình trạng biến đổi khí hậu có thể khiến những điều “bất thường” trở thành “bình thường mới” và châu Âu sẽ phải đối mặt với nhiều đợt nắng nóng hơn nữa trong tương lai.

“Biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng tới khu vực rộng lớn hơn”, bà Samantha Burgess tại Trung tâm Dự báo Thời tiết Trung hạn châu Âu (ECMWF), nhận xét, theo Financial Times.

Bà Burgess chỉ ra nhiệt độ kỷ lục vừa qua thường chỉ được ghi nhận vào tháng 7 hoặc tháng 8 - cao điểm mùa hè tại châu Âu - thay vì tháng 6.

Châu Âu vật lộn giữa đợt nắng nóng đầu hè Từ những người xếp hàng vào sân Wimbledon tại Anh cho tới du khách ở Đấu trường La Mã hay Seville của Tây Ban Nha, người dân khắp châu Âu đang vật lộn dưới cái nắng như thiêu đốt.

Hà Thủy

Nguồn Znews: https://znews.vn/nang-nong-bat-thuong-dau-he-can-quet-chau-au-post1565900.html