Nâng tầm ngành y tế Việt - Bài 1: Những bệnh nhân nước ngoài 'hồi sinh' nhờ bác sĩ Việt
Từng được biết đến là điểm đến khám chữa bệnh giá rẻ, chủ yếu phục vụ bệnh nhân quốc tế và Việt kiều với các dịch vụ thông thường, chỉ trong thời gian ngắn, ngành y tế Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên sâu, từng bước khẳng định vị thế là 'ngôi sao mới' của Đông Nam Á trong lĩnh vực điều trị kỹ thuật cao.
Bài 1: Những bệnh nhân nước ngoài ‘hồi sinh’ nhờ bác sĩ Việt
Từ hy vọng mong manh được thắp lên cho một thai nhi Singapore mắc tim bẩm sinh phức tạp, đến phép màu hồi sinh doanh nhân Hàn Quốc khỏi hôn mê sâu sau đột quỵ, hay sự giải thoát sau 15 năm đau khổ của doanh nhân Mỹ với chấn thương niệu đạo... Những câu chuyện này không chỉ khẳng định y đức và năng lực của ngành y tế Việt Nam mà còn lan tỏa niềm hy vọng cho người bệnh ngoại quốc trên đất Việt.
Tìm thấy “hy vọng” sống khi đến Việt Nam
Chị K.W.S. (41 tuổi, người Singapore) mang thai lần đầu sau hơn 10 năm hiếm muộn nhờ thụ tinh trong ống nghiệm. Thế nhưng, niềm hạnh phúc của một người mẹ vừa chớm nở đã vụt tắt khi các bác sĩ tại Singapore phát hiện “công chúa nhỏ” của chị bị bệnh tim bẩm sinh nặng, nguy cơ tử vong rất cao và khuyên gia đình nên chấm dứt thai kỳ.

Êkip bác sĩ can thiệp bào thai cùng vợ chồng sản phụ K.W.S. sau ca phẫu thuật. Ảnh: BV
"Còn nước còn tát", các bác sĩ tại Singapore đã tìm kiếm thông tin quốc tế về can thiệp tim bào thai và quyết định giới thiệu chị sang Việt Nam để điều trị, bởi tại Singapore chưa thực hiện kỹ thuật can thiệp tim bào thai và Việt Nam là nơi duy nhất tại Đông Nam Á triển khai kỹ thuật này.
Trải qua 2 lần thông tim can thiệp bào thai phức tạp (lần đầu vào ngày 22/5 và lần thứ 2 vào ngày 28/5) do ê kip bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ thực hiện thành công, đã trao cơ hội sống cho “công chúa nhỏ” của gia đình chị K.W.S. Sau gần 2 tuần bào thai được thông tim thành công, tối 9/6, các y bác sĩ Việt Nam đã đồng hành với chị K.W.S. trên chuyến bay trở về Singapore an toàn và bàn giao lại cho các bác sĩ của Bệnh viện Sản - Nhi Singapore (KK Woman’s and Children’s Hospital).
Xúc động trước nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam, vợ chồng chị K.W.S. đã gửi thư bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến đội ngũ y bác sĩ Việt Nam. Trong thư, hai vợ chồng chị K.W.S cho biết: "Chúng tôi cảm thấy vô cùng biết ơn trước sự tận tâm, nỗ lực và hỗ trợ không ngừng nghỉ từ đội ngũ y tế Việt Nam. Dù tình trạng của thai nhi rất nghiêm trọng và tư thế thai không thuận lợi, nhưng các bác sĩ không hề bỏ cuộc. Chính điều đó đã tiếp thêm cho chúng tôi niềm tin và hy vọng. Chúng tôi cảm thấy biết ơn vì các bạn đã không bỏ rơi chúng tôi, đã ở bên cạnh chúng tôi trong giai đoạn khó khăn nhất của hành trình làm cha mẹ".
Trường hợp của anh D.F. (47 tuổi, quốc tịch Hoa Kỳ) cũng là một "ca khó", khi 15 năm nay anh đã đi khắp các bệnh viện để điều trị căn bệnh của mình.
"Tôi như được sinh ra lần nữa. Tôi đã khổ sở, suy sụp suốt 15 năm và đến rất nhiều quốc gia để tìm kiếm nơi điều trị tốt nhất. Cuối cùng, nơi phẫu thuật thành công cho tôi lại là Bệnh viện Bình Dân, một cơ sở y tế công lập tại TP Hồ Chí Minh”, anh D.F. không giấu được xúc động thốt lên.

Anh D.F tái khám sau 3 tuần phẫu thuật. Ảnh: BV
Anh D.F kể, khoảng 15 năm trước, một chấn thương sau tai nạn bất ngờ đã khiến cuộc sống của anh bị đảo lộn bởi chứng hẹp niệu đạo. Trong suốt thời gian đó, anh phải chịu đựng các rối loạn đi tiểu ngày càng phức tạp như khó tiểu, bí tiểu, tiểu không hết, tiểu nhiều lần, nhiễm trùng tiểu tái phát. Mỗi lần đi vệ sinh với anh như một cực hình. Hậu quả là theo thời gian, chức năng năng thận, bàng quang cũng gặp vấn đề, dù anh rất quan tâm chăm sóc sức khỏe và luyện tập tích cực.
“Trước đây, mỗi lần đi tiểu, tôi mất 20 phút khổ sở trong nhà vệ sinh với tia nước tiểu yếu ớt và không bao giờ tống xuất hết nước tiểu, bàng quang luôn nặng nề”, anh D.F. chia sẻ.
Anh D.F. cho biết thêm, trong suốt thời gian đó, anh đã nỗ lực tìm kiếm nhiều nơi điều trị khác nhau, ngay cả tại các trung tâm y khoa lớn tại Hoa Kỳ, Thái Lan và Singapore. Anh rơi vào tuyệt vọng khi 6 lần phẫu thuật thất bại và nhiều lần đau đớn vì nong niệu đạo. Mỗi lần thất bại là một gánh nặng tâm lý chồng chất khiến anh rơi vào trạng thái lo âu và tự ti. Sau đó, qua lời giới thiệu của bạn bè, tháng 4/2025, anh đã quyết định sang Việt Nam để điều trị bệnh.
Tái khám sau phẫu thuật 3 tuần, chức năng đi tiểu của anh D.F. hoàn toàn hồi phục, ca phẫu thuật đã thành công. “Bây giờ, tôi chỉ cần mất 10 giây để đi vệ sinh, quá bất ngờ và hạnh phúc. Lần đầu tiên sau 15 năm, tôi có thể uống nhiều nước như tôi mong muốn. Tôi mong muốn câu chuyện của tôi truyền cảm hứng cho nhiều người khác cùng cảnh ngộ ở bất cứ đâu trên thế giới có thể tìm giải pháp điều trị hiệu quả và tiết kiệm, ngay tại một bệnh viện công lập của Việt Nam”, anh D.F. xúc động chia sẻ.
TS.BS Đỗ Lệnh Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Niệu đạo Bệnh viện Bình Dân cho biết, tỷ lệ thành công của phẫu thuật tạo hình niệu đạo tính chung thường thấp (khoảng 56 - 73%, ngay tại các trung tâm phẫu thuật tại các nước Âu - Mỹ). Tuy nhiên, tại Bệnh viện Bình Dân, tỷ lệ thành công trong tạo hình niệu đạo đã đạt 98%. Bệnh viện đã điều trị thành công cho nhiều trường hợp bị hẹp niệu đạo phức tạp hơn bệnh nhân D.F. rất nhiều.
Nỗ lực cứu chữa du khách quốc tế
Không chỉ tiếp nhận bệnh nhân chủ động tìm đến điều trị, các bệnh viện tại Việt Nam còn tận tình cứu chữa bệnh nhân quốc tế đến Việt Nam công tác, du lịch không may gặp nạn, ngay cả khi không có người thân bên cạnh. Điển hình là trường hợp ông Y.S (42 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc) đã được Bệnh viện FV (TP Hồ Chí Minh) cứu sống kỳ diệu và hỗ trợ trở về nước an toàn.

Ông Y.S hồi phục sau 80 ngày sống thực vật và được bác sĩ Việt Nam tận tình cứu chữa dù không có người thân bên cạnh. Ảnh: BV
Ông Y.S nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu sau đột quỵ, không có người thân bên cạnh để ký cam kết phẫu thuật. Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Trường Sơn, Giám đốc Y khoa Bệnh viện FV cho biết, êkíp đã quyết định phẫu thuật khẩn cấp với tinh thần "sinh mệnh bệnh nhân là trên hết".
Dù gia đình ông Y.S ở Hàn Quốc đã mất hy vọng khi biết tình trạng của ông,nhưng các bác sĩ Việt vẫn kiên trì. Sau 80 ngày sống thực vật, điều kỳ diệu đã đến: Ông Y.S dần hồi phục ý thức, giao tiếp được bằng ánh mắt và cử chỉ. Trong suốt quá trình điều trị kéo dài một năm, bệnh nhân được chăm sóc toàn diện 24/7 như người thân, với sự phối hợp liên khoa từ hồi sức, ngoại thần kinh, vật lý trị liệu đến dinh dưỡng. Điều dưỡng trưởng Chu Thị Nguyệt Anh chia sẻ: "Chúng tôi chăm sóc bệnh nhân như người nhà, mỗi tiến triển nhỏ của bệnh nhân là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực cả đội".
Bên cạnh điều trị, Bệnh viện FV còn phối hợp chặt chẽ với Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh để tìm giải pháp đưa ông Y.S về nước. Dù gặp nhiều khó khăn do ông Y.S không còn bảo hiểm y tế tại Hàn Quốc, cuối cùng một bệnh viện tại quê nhà đã chấp nhận tiếp nhận ông.
Ngày 12/5, ông Y.S đã lên chuyến bay về Hàn Quốc, với một điều dưỡng của Bệnh viện FV đi cùng để đảm bảo an toàn. Ông Kwon Tae Han, Phó Tổng Lãnh sự Hàn Quốc bày tỏ, dù tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng sức khỏe vô cùng nghiêm trọng và trải qua nhiều khó khăn trong quá trình điều trị, nhưng đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện FV vẫn không từ bỏ và cuối cùng đã cứu sống bệnh nhân. Ông Kwon nhấn mạnh, hành động này không chỉ thể hiện giá trị nhân văn cao quý, mà còn là minh chứng cho sứ mệnh thiêng liêng của nghề y; đồng thời góp phần củng cố thêm mối quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Tương tự, vào đầu tháng 6/2025, Bệnh viện thành phố Thủ Đức đã cấp cứu thành công ông O.P, một du khách người Pháp bị nhồi máu cơ tim cấp khi đang đang chuyến du lịch tại Việt Nam. Trước khi trở về nước, ông O.P xúc động chia sẻ: “Tôi vô cùng biết ơn các y bác sĩ đã cứu mạng tôi. Tôi thực sự xúc động trước tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm và chuyên nghiệp của các bác sĩ trong suốt quá trình cấp cứu và điều trị. Tôi chắc chắn sẽ quay lại thăm Việt Nam trong thời gian tới”.
Hay mới đây, Bệnh viện Nhân dân 115 TP Hồ Chí Minh tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân nam 63 tuổi, quốc tịch Nga, đang công tác tại Nha Trang, bất ngờ đột quỵ, nguy kịch, đe dọa đến tính mạng. Ngay lập tức, các bác sĩ tại Bệnh viện 115 thực hiện can thiệp kịp thời, giúp bệnh nhân phục hồi gần như hoàn toàn chức năng thần kinh chỉ sau vài ngày.
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện nay tại TP Hồ Chí Minh, nhiều bệnh viện cũng đã cứu chữa được cho nhiều trường hợp người nước ngoài mắc bệnh nặng nguy kịch ở nhiều chuyên khoa khác nhau cho thấy sự phát triển của y tế Thành phố vươn lên một tầm cao mới, có thể đáp ứng cho sự phát triển y tế du lịch theo định hướng phát triển của Thành phố cũng như của Chính phủ.