Nedeljko Cabrinovic - kẻ sát nhân xui xẻo

Ngày 28-6-1914, Thái tử Franz Ferdinand và vợ là Sophie, nữ Công tước xứ Hohenberg khi đến Sarajevo, đế quốc Áo-Hung, để quan sát một cuộc tập trận, đã bị ám sát nhưng thoát chết. Kẻ thực hiện âm mưu này là Nedeljko Cabrinovic, thành viên của tổ chức 'Bàn tay đen'. Biết rằng khó thoát án tử hình, Nedeljko Cabrinovic nuốt viên thuốc độc xyanua nhưng xui xẻo thay, viên thuốc mà hắn ta nuốt lại là thuốc đã hết hạn sử dụng!

“Bàn tay đen” và vụ ám sát

Sinh ở Sarajevo ngày 2-2-1895, Nedeljko lớn lên trong bối cảnh người cha là chủ một tiệm ăn nhỏ ở ngoại ô thành phố. Do không chịu nổi tính cục cằn, thô lỗ của cha mình, Nedeljko bỏ nhà đồng thời bỏ luôn việc học để theo nghề làm ống khóa rồi sau đó là thợ đồ thiếc.

14 tuổi, Nedeljko sống cô độc trong cảnh khó khăn thiếu thốn cộng với sự cay đắng của tầng lớp dưới đáy xã hội nên anh ta hăng hái tham gia những cuộc bãi công đòi quyền lợi ở Sarajevo và nhiều thành phố khác tại Bosnia, lúc ấy nằm dưới sự cai trị của đế quốc Áo-Hung. Công việc cuối cùng của Nedeljko là thợ nhà in ở Belgrade, mỗi tháng kiếm được 90 dinar, không đủ trả tiền ăn và tiền thuê nhà.

Nhưng cũng tại nhà in này, Nedeljko quen Krsta Cicvaric. Chính Krsta là người truyền cho Nedeljko ngọn lửa đam mê đọc sách, nhất là những cuốn sách nói về sự bất công trong xã hội và các phong trào cách mạng trên thế giới. Sự đam mê lớn đến mức Nedeljko gọi sách là “dấu hiệu duy nhất của cuộc sống”.

Và cũng nhờ những cuốn sách, Nedeljko gặp Gavrilo Princip, thành viên của tổ chức “Bàn tay đen”. Đây là một nhóm khủng bố ra đời ngày 10-6-1910 tại Belgrade, Bosnia với mục tiêu chấm dứt sự thống trị của đế quốc Áo-Hung, thống nhất các dân tộc thiểu số ở Bosnia và người Bosnia để thành lập quốc gia độc lập. Người cầm đầu “Bàn tay đen” là đại tá Dragutin Dimitrijevic, bí danh Apis, chỉ huy một trung đoàn trinh sát Serbia. Với khẩu hiệu “Thống nhất hay là chết”, trên lá cờ của “Bàn tay đen” có hình đầu lâu xương chéo, bên cạnh là một trái bom, một con dao găm và một viên thuốc độc.

Nedeljko Cabrinovic bị bắt sau khi đã nuốt viên xyanua rồi nhảy xuống sông Miljacka.

Nedeljko Cabrinovic bị bắt sau khi đã nuốt viên xyanua rồi nhảy xuống sông Miljacka.

Năm 1912, Nedeljko gia nhập “Bàn tay đen”. Trải qua những khóa huấn luyện bí mật về đường lối, phương châm và nguyên tắc hoạt động, cách chế tạo bom, đặt bom, sử dụng các loại súng, Nedeljko chính thức được đại tá Dragutin Dimitrijevic kết nạp. Trong lễ tuyên thệ, Nedeljko đặt tay lên một thanh kiếm, miệng đọc lớn: “Tôi, khi tham gia tổ chức Bàn tay đen, xin thề với mặt trời đã sưởi ấm tôi, với trái đất đã nuôi dưỡng tôi, bằng máu của tổ tiên tôi, bằng danh dự và cuộc sống tôi, rằng cho đến khi tôi chết, tôi luôn trung thành với nguyên tắc của tổ chức và sẽ sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì tổ chức. Tôi thề sẽ mang theo tất cả những bí mật của tổ chức vào nấm mồ của mình”.

Đầu tháng 6-1914, đại tá Dragutin gọi Nedeljko đến gặp ông ta. Cùng đi với Nedeljko là Gavrilo Princip, người đã giới thiệu Nedeljko gia nhập “Bàn tay đen”. Trong buổi gặp ấy, đại tá Dragutin cho biết theo thông tin tình báo, ngày 24-6-1914, Thái tử Franz Ferdinan sẽ đến Sarajevo để tham dự một buổi tập trận của quân đội Áo-Hung, và điều này đã khiến những người lãnh đạo “Bàn tay đen” nổi giận bởi Franz Ferdinan luôn luôn ủng hộ việc mở rộng đế quốc Áo-Hung. Cuối cùng đại tá Dragutin kết luận phải tiến hành ám sát Thái tử Franz Ferdinan. Thời gian ấn định cho vụ ám sát là ngày 28-6. Ngoài Nedeljko và Gavrilo là 2 người trực tiếp thực hiện, “Bàn tay đen” sẽ cử thêm 4 thành viên làm nhiệm vụ hỗ trợ, giải vây.

Diễn tiến vụ ám sát

Ngày 27-6, Nedeljko và Gavrilo mỗi người nhận được 1 khẩu súng ngắn và 1 quả bom tự chế vì tin tình báo cho biết sau khi quan sát cuộc tập trận, ngày 28-6 Thái tử Franz Ferdinand cùng vợ là Sophie sẽ đến Sarajevo để khánh thành một bệnh viện theo lời mời của tướng Oskar Potiorek, Thống đốc Bosnia, Herzegovina.

Theo kế hoạch, đúng 9 giờ sáng chủ nhật, Nedeljko và Gavrilo cùng 4 thành viên hỗ trợ sẽ rải đều trên tuyến đường dọc theo bến cảng Appel, là con đường chính dẫn đến bệnh viện. Mỗi người đứng cách nhau 50m, giả như khách nhàn du để tránh sự nghi ngờ. Khi xe chở Thái tử Franz Ferdinand cùng vợ đi ngang qua thì cả Nedeljko lẫn Gavrilo nếu ai có cơ hội thuận tiện nhất thì tiến hành ném bom vào xe thái tử còn người kia cũng sẽ ném bom để tạo ra sự hỗn loạn. Sau đó cả hai thoát về hướng bến tàu, nơi một chiếc ca nô đã đợi sẵn. 4 thành viên còn lại đảm trách việc bắn chặn nếu Nedeljko và Gavrilo bị truy đuổi rồi tẩu thoát theo nhiều cách khác nhau nhưng cũng không loại trừ khả năng họ sẽ ra tay ám sát Thái tử Franz Ferdinand nếu Nedeljko và Gavrilo thất bại.

10 giờ kém 15 phút sáng chủ nhật, vợ chồng Thái tử Franz Ferdinand đến Sarajevo bằng tàu hỏa rồi chuyển sang xe hơi. Ngồi trong xe đầu tiên là Fehim Curcie, Thị trưởng thành phố Sarajevo và tiến sĩ Gerde, Ủy viên cảnh sát thành phố. Kế đó là xe hộ tống còn Thái tử Franz Ferdinand cùng bà Sophie ngồi ở xe thứ ba với tướng Oskar Potiorek và trung tá, Bá tước Franz von Harrach. 3 xe còn lại chở nhân viên an ninh chạy theo sau. Tất cả mui xe đều được cuộn lại để đám đông chào đón có thể nhìn rõ những người trong xe.

10 giờ, Mehmedbasic, thành viên “Bàn tay đen” làm nhiệm vụ cảnh giới đứng trước Ngân hàng Áo-Hung là người đầu tiên nhìn thấy xe Thái tử Franz Ferdinand nhưng do mất bình tĩnh, Mehmedbasic đã để chiếc xe lướt ngang mà không hề có bất kỳ một động tác nào dù trong người anh ta có súng. Sau này Mehmedbasic giải thích lúc ấy có một cảnh sát ở ngay sau lưng nên anh ta không thể động thủ.

Vợ chồng Thái tử Franz Ferdinand trên đường phố Sarajevo trước lúc bị ám sát.

Vợ chồng Thái tử Franz Ferdinand trên đường phố Sarajevo trước lúc bị ám sát.

10 giờ 15 phút, khi đoàn xe vừa qua khỏi đồn cảnh sát trung tâm thành phố, Nedeljko lấy quả bom trong túi áo khoác ném vào xe thái tử. Lúc thấy một vật thể lạ bay về phía mình, người lái xe lập tức tăng tốc và do quả bom có độ trễ 10 giây kể từ khi kíp nổ kích hoạt nên nó rơi xuống mặt đường rồi phát nổ cạnh chiếc xe hộ tống thứ tư khiến hơn 10 người đứng xem bị thương.

Lúc này, Gavrilo và 3 thành viên “Bàn tay đen” còn lại biết rằng không có cơ hội tấn công Thái tử Franz Ferdinand một lần nữa vì đám đông hỗn loạn nháo nhào tìm chỗ ẩn núp, cộng với lực lượng an ninh, cảnh sát đã kịp thời triển khai hàng rào bảo vệ nên họ lẳng lặng rút lui. Về phía Nedeljko, anh ta chạy ra bờ sông Miljacka rồi trước khi nhảy xuống, Nedeljko nuốt một viên nang chứa chất độc xyanua để chắc chắn rằng mình sẽ chết. Xui xẻo thay, chất xyanua trong nang thuốc đã hết hạn sử dụng và sông Miljacka chỉ sâu 10 m nên thay vì tử vong bởi độc chất hoặc chết đuối, Nedeljko chỉ bị chóng mặt! Lúc cảnh sát lôi Nedeljko lên bờ, anh ta hét lớn: “Tôi là anh hùng Serbia”.

Bắt nguồn cho Thế chiến I

Hơn nửa giờ sau khi xảy ra vụ ám sát, Thái tử Franz Ferdinand quyết định vào bệnh viện thăm các nạn nhân của vụ đánh bom nhưng ông yêu cầu được đi riêng như người bình thường, không hộ tống nhằm tránh sự chú ý. Và thay vì đi bằng xe có mui che kín, ông lại chọn chiếc xe mui trần nên để phòng ngừa sự việc có thể lặp lại, tướng Oskar Potiorek yêu cầu tài xế Leopold Loyka phải đi dọc theo con đường từ bến cảng Appel đến bệnh viện Sarajevo chứ không vào thành phố nhưng chẳng hiểu sao, Loyka lại không nhớ lời dặn này. Vì thế, chạy được hơn nửa đường cảng Appel, tài xế Loyka rẽ vào đường Franz Josef, là con đường ngắn nhất để đến bệnh viện.

Gavrilo Princip lúc ấy đang đứng gần quán cà phê Moritz Schiller thì phát hiện xe chở Thái tử Franz Ferdinand khi nó lướt qua. Cũng lúc này, tài xế Loyka biết mình đã rẽ nhầm nên ông đạp phanh rồi cài số cho xe lùi lại. Động tác ấy đã khiến chiếc xe gần như đứng yên trong vài giây.

Không bỏ qua cơ hội, Gavrilo lao đến. Với khẩu súng ngắn Model 1910 vẫn giấu trong nách và ở khoảng cách 1,5 m, anh ta bắn liên tiếp 2 phát vào Thái tử Franz Ferdinand khiến ông trúng đạn ở cổ. Vợ ông, bà Sophie theo bản năng liền nhoài người sang che đạn cho chồng nên trúng một viên vào bụng khiến cả hai tử vong.

Chỉ 1 tháng sau cái chết của Thái tử Franz Ferdinand, Thế chiến I nổ ra mà nguyên nhân là một số thành viên “Bàn tay đen” bị bắt đã khai rằng chủ mưu của vụ ám sát gồm đại tá Dragutin Dimitrijevic, thiếu tá Milan Ciganovic và thiếu tá Voja Tankosic, đến từ Serbia.

Gavrilo Princip (X) cũng bị bắt vì đã bắn chết vợ chồng Thái tử Franz Ferdinand.

Gavrilo Princip (X) cũng bị bắt vì đã bắn chết vợ chồng Thái tử Franz Ferdinand.

Ngày 25 tháng 7 năm 1914, chính phủ Áo-Hung yêu cầu chính phủ Serbia bắt 3 người này nhưng Nikola Pasic, Thủ tướng Serbia trả lời rằng Serbia không thể giao nộp họ vì sẽ “vi phạm Hiến pháp của Serbia”. Ba ngày sau , Áo-Hung cùng các đồng minh Đức, Bulgaria, Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) tuyên chiến với Serbia. Đáp trả lại, phe Hiệp ước ủng hộ Serbia gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Brasil vào cuộc. Hơn 70 triệu quân của cả hai bên đã được huy động với hơn 11 triệu người chết. Nó chỉ kết thúc vào ngày 11-11-1918 khi phe Hiệp ước đánh bại đế quốc Áo-Hung cùng các đồng minh.

Sau khi bắt được Nedeljko và Gavrilo, chính quyền Bosnia đã mở phiên tòa xét xử tội giết người. Trước vành móng ngựa, chỉ có Nedeljko bày tỏ sự hối hận và ngỏ lời xin lỗi 3 đứa con của vợ chồng Thái tử Franz Ferdinand là Sophie, Max và Ernst. Khi biết được lời xin lỗi này, cả ba đã viết một bức thư gửi vào tù cho Nedeljko. Trong thư họ nói lương tâm của Nedeljko có thể thanh thản vì họ đã tha thứ cho anh ta trong vụ giết cha mẹ họ. Riêng Gavrilo vẫn cương quyết cho rằng: “Chúng tôi không phải là tội phạm. Chúng tôi là những người trung thực, sống bởi những tình cảm cao cả. Chúng tôi muốn làm điều tốt cho đất nước Bosnia và sẽ chết vì lý tưởng của mình”.

Do vẫn còn ở tuổi vị thành niên nên thay vì bị tử hình, Nedeljko chỉ nhận án tù 20 năm còn Gavrilo tù chung thân. Ngày 20-1-1916 Nedeljko qua đời trong nhà tù Theresienstadt vì bệnh lao. 2 năm sau, Gavrilo Princip cũng chết vì bệnh này sau khi bị cắt cụt 1 cánh tay vì bệnh lao biến chứng vào xương (lao xương). Cả hai được chôn cất cạnh nhau ở một địa điểm không được tiết lộ. Họ chết trước khi Thế chiến I kết thúc nên không được chứng kiến sự sụp đổ của đế chế Áo-Hung.

Về phía lãnh đạo “Bàn tay đen” là đại tá Dragutin Dimitrijevic, thiếu tá Milan Ciganovic và thiếu tá Voja Tankosic, mặc dù được người Serbia che chở nhưng cả 3 bị bắt bởi quân đội Áo rồi bị xử bắn lúc 4 giờ sáng ngày 27-6-1916. Dimitrijevic bị trói vào một cây cọc ở bên phải, Ciganovic ở giữa và Voja Tankosic bên trái, trước mặt họ một cái mương đã đào sẵn. Sau khi bị bịt mắt, Dimitrijevic và Ciganovic hét lớn: “Serbia vĩ đại muôn năm!”, còn Voja Tankosic im lặng. Sau cái chết của 3 nhà lãnh đạo “Bàn Tay đen”, tổ chức này hoạt động thêm một thời gian ngắn nhưng không gây được tiếng vang gì. Khi Thế chiến I kết thúc, “Bàn tay đen” cũng biến mất.

Vũ Cao (Theo History – Black Hand, Secret Serbian Society)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/nedeljko-cabrinovic-ke-sat-nhan-xui-xeo-i643899/