Nên giảm diện tích hồ nuôi tôm trên cát

Mới đây, tại cuộc họp về định hướng phát triển thủy sản bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã yêu cầu Sở NN&PTNT kiểm tra, rà soát lại thực trạng nuôi tôm trên cát trên địa bàn tỉnh và hạn chế phát triển nghề nuôi trồng này trong tương lai.

Đây không phải lần đầu tiên những cảnh báo về môi trường do nuôi tôm trên cát được đưa ra. Tại các cuộc điều tra, nghiên cứu của Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại các địa phương phát triển nghề nuôi tôm trên cát như huyện Mộ Đức, TX.Đức Phổ đều cho kết quả, đất bị thoái hóa rất mạnh, đây là một thực tế rất ít xảy ra đối với vùng ven biển.

Bãi cát ven biển xã Đức Phong (Mộ Đức) chuyển qua màu đen, vì nước thải hồ tôm xả thẳng ra môi trường.

Trong đề tài nghiên cứu “Điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nước ngầm vùng cát ven biển trên địa bàn Mộ Đức, Đức Phổ”, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung cũng khuyến nghị cần điều chỉnh giảm diện tích hồ nuôi tôm trên cát. Bởi 11 xã của 2 huyện, thị xã nằm trong danh mục có hoạt động nuôi tôm trên cát đều xảy ra tình trạng thiếu nước khá lớn, với tổng lượng nước thiếu hụt khoảng 27 triệu mét khối, chiếm gần 50% so với nhu cầu nước cho nuôi tôm.

Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh hơn 20 năm qua, nhưng đến nay, các vùng nuôi trên cát đều không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn. Hầu hết nước thải được người dân xả thẳng ra bãi cát ven biển và ra biển. Trong khi đó, theo tính toán sơ bộ của ngành nông nghiệp, bình quân mỗi hecta nuôi tôm trên cát thải ra hơn 5 tấn chất thải rắn như vỏ tôm khi tôm lột vỏ, cùng thức ăn dư thừa và hàng nghìn mét khối nước thải. Đây được xem là nguyên nhân khiến môi trường ven biển dần bị suy thoái.

Trước thực trạng “chỉ chủ hồ tôm được mùa, còn biển thì “được” rác”, ngành NN&PTNT cùng các địa phương cần phối hợp đồng bộ trong kiểm tra, rà soát, đánh giá lại thực trạng và nhanh chóng triển khai các kế hoạch thực hiện việc hạn chế, giảm diện tích hồ nuôi tôm trên cát theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Trong đó, các địa phương phải tính tới việc chấm dứt cho thuê mới, cũng như ngừng việc gia hạn cho thuê diện tích đất cát ven biển để nuôi tôm trên cát. Tiến hành đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế của từng vùng ven biển theo thứ tự ưu tiên. Nếu địa phương đó có thế mạnh về phát triển du lịch ven biển, thì không thể để hoạt động nuôi tôm trên cát nhưng không xử lý môi trường, mà xả thẳng chất thải ra biển.

Mặt khác, bên cạnh việc hạn chế diện tích nuôi tôm trên cát, tỉnh cần có những cơ chế ưu tiên, khuyến khích những tổ chức, cá nhân nuôi tôm trên cát có ứng dụng khoa học kỹ thuật và có hệ thống xử lý nước thải, chất thải bài bản, quy mô. Có như vậy, mới vừa bảo vệ môi trường, vừa thúc đẩy phát triển thủy sản bền vững.

Bài, ảnh: Ý THU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202105/nen-giam-dien-tich-ho-nuoi-tom-tren-cat-3057092/