Nền kinh tế chia sẻ và cơ hội cho các startup công nghệ

Việt Nam đang trong quá trình thúc đẩy phát triển nền công nghiệp 4.0, loại hình kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ tuy chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước nhưng có nhiều tiềm năng để phát triển. Một số startup trong thời gian qua đã tự tin đưa ra và phát triển các mô hình kinh doanh ứng dụng nền kinh tế chia sẻ, hợp tác với các đơn vị khác để phát triển mô hình và đã đạt được nhiều thành công.

Mô hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện khá lâu trên thế giới, nhưng chỉ đến khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ với các thành tựu phát triển của khoa học-công nghệ, công nghệ thông tin thì mô hình kinh tế này mới có những bước phát triển đột phá, được coi là yếu tố cốt lõi của nền kinh tế số hiện nay.

Trong kinh doanh, nền kinh tế chia sẻ được hiểu là một thuật ngữ đề cập đến mô hình kinh doanh khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng cuối cùng và kết hợp với các yếu tố công nghệ để hợp thành một mô hình kinh doanh.

Các startup công nghệ có tiềm năng phát triển lớn trong nền kinh tế chia sẻ. Ảnh: D.Linh

Các startup công nghệ có tiềm năng phát triển lớn trong nền kinh tế chia sẻ. Ảnh: D.Linh

Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế chia sẻ có thể kể đến như: Hành vi của khách hàng đối với nhiều hàng hóa và dịch vụ thay đổi từ sở hữu đến chia sẻ; Các mạng xã hội trực tuyến và thị trường điện tử dễ dàng hơn liên kết người tiêu dùng; Các thiết bị di động và các dịch vụ điện tử làm cho việc sử dụng hàng hóa được chia sẻ và các dịch vụ thuận tiện hơn. Nền kinh tế chia sẻ đã trở thành một khía cạnh ngày càng quan trọng của các DN toàn cầu nhờ những lợi ích mà nó mang lại. Kinh tế chia sẻ giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tăng tính hiệu quả của nền kinh tế, giảm bớt sự lãng phí tài nguyên xã hội và sự dư thừa năng lực của các sản phẩm dịch vụ.

Trong điều kiện của Việt Nam có thể hiểu “kinh tế chia sẻ” là một phương thức kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản và dịch vụ được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua việc sử dụng các nền tảng số.

Ngày 12-08-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ với mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Quyết định này đã tạo ra nền tảng pháp lý, có sự hậu thuẫn của Nhà nước giúp cho các Cty công nghệ hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ, tạo ra một sân chơi chung, cạnh tranh bình đẳng giữa các Cty truyền thống và Cty công nghệ. Điều quan trọng nhất trong phát triển của các mô hình này là mang lại lợi ích cuối cùng cho người dùng.

Theo báo cáo của e-Conomy Southeast Asia, năm 2019 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế internet Việt Nam là 40%, là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này cùng với Indonesia.

Theo số liệu thống kê internet Việt Nam 2019, trong 64 triệu người dùng internet tại Việt Nam hiện nay thì số lượng người dùng truy cập bằng thiết bị di động là 61.73 triệu người (chiếm 96% số người sử dụng internet và chiếm tới 64% dân số Việt Nam); trong số 143.3 triệu số thuê bao được đăng ký thì có tới 45% đã đăng ký 3G&4G; theo thống kê có tới hơn 2,7 tỷ lượt tải về các ứng dụng trên điện thoại và số tiền người tiêu dùng chi ra cho những ứng dụng này là 161,6 triệu USD. Đây là cơ hội không thể tốt hơn cho các startup công nghệ phát triển và nở rộ trong thời gian tới khi tiềm năng của thị trường là rất lớn.

Một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện khá phổ biến ở Việt nam như: Dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông (như Grab, Go Viet, Dichung, Fastgo, Be...); Dịch vụ lưu trú (như Airbnb, Travelmob, Luxstay); Dịch vụ cho vay ngang hàng (chủ yếu tập trung vào các DN Fintech), dịch vụ Thương mại điện tử (TMĐT)...

Dịch vụ TMĐT ở Việt Nam đang có tiềm năng phát triển vô cùng to lớn khi theo một nghiên cứu về triển vọng thị trường kỹ thuật số của Statista, có đến gần 50 triệu người dùng internet tại Việt Nam đã mua hàng tiêu dùng trực tuyến (năm 2018) và xu hướng ngày càng tăng cao. Khoảng 70% doanh số của TMĐT là ở các TP lớn như Hà Nội và TP HCM, tuy nhiên với sự phát triển của internet và đời sống ngày càng được nâng cao sẽ tạo ra cơ hội tuyệt vời cho các nền tảng TMĐT nhắm vào các khu vực tiềm năng khác như nông thôn. Các thương vụ huy động vốn thành công đình đám của Sendo và Tiki trong năm 2019 với lần lượt 61 triệu USD và 75 triệu USD khẳng định niềm tin rất lớn của các nhà đầu tư vào sự tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam.

Bên cạnh đó, Fintech của Việt Nam cũng đã gây sự chú ý trên toàn thế giới với các Cty khởi nghiệp như Momo lọt top các Cty fintech hàng đầu và Money Lover xếp hạng đầu tiên trong các ứng dụng quản lý tài chính. Năm 2019 chứng kiến màn gọi vốn “khủng" của Momo khi ngay từ đầu năm họ đã kêu gọi được 100 triệu USD tiền đầu tư từ Warburg Pincus. Có thể nói, Fintech vẫn là một trụ cột của toàn bộ nền kinh tế số Việt Nam. Với những nỗ lực hiện tại để thúc đẩy tăng trưởng, lĩnh vực này dự kiến sẽ đạt doanh thu 7,8 tỷ USD trong năm tới.

Năm 2019 chứng kiến sự thăng hoa của startup Việt trong lĩnh vực TMĐT và Fintech với các thương vụ gọi vốn “khủng". Tuy nhiên, năm 2020 hứa hẹn vẫn sẽ là năm thành công của các lĩnh vực này khi thị trường vẫn đang trưởng thành và trên đà tăng trưởng.

Duy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nen-kinh-te-chia-se-va-co-hoi-cho-cac-startup-cong-nghe-179074.html