Nền tảng để phát triển

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 với 8 nhóm mục tiêu lớn. Trong đó, đáng chú ý là các chỉ tiêu phấn đấu: Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi; chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam trung bình đạt 168,5cm, nữ đạt 157,5cm; chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu ASEAN...

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đề ra 8 mục tiêu cụ thể, trong đó có bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10.000 người. Ảnh: PV/GiadinhNet

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đề ra 8 mục tiêu cụ thể, trong đó có bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10.000 người. Ảnh: PV/GiadinhNet

Nhưng đến thời điểm này, nhiều người vẫn chưa nắm được tinh thần công tác dân số đã chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang nâng cao chất lượng dân số và phát triển. Nên nhìn vào tỷ lệ tăng dân số bình quân trong giai đoạn 2009 - 2019 ở mức thấp 1,44%/năm, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em được cải thiện và tuổi thọ của người Việt Nam đạt xấp xỉ 74 tuổi, không ít người đã vội hài lòng về công tác dân số trong thời gian qua.

Thế nên, các chuyên gia dân số khuyến cáo, người dân cần nhận thức đầy đủ về chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số, bao gồm cả trình độ giáo dục, cơ cấu và trình độ nghề nghiệp - xã hội, tính năng động, mức sống, tình trạng sức khỏe và có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Rõ ràng, so với yêu cầu thực tiễn cuộc sống và quá trình hội nhập thì chất lượng dân số nước ta còn nhiều quan ngại. Cụ thể, tuổi thọ trung bình của người dân được nâng lên nhưng sức khỏe chưa đáp ứng yêu cầu. Chiều cao, cân nặng, tầm vóc, sức bền thể lực của người dân Việt Nam chưa được như mong đợi (30 năm qua, chiều cao trung bình của người Việt Nam chỉ tăng lên 3cm). Chỉ số HDI của nước ta đứng thứ 116 trên tổng số 189 quốc gia xếp hạng.

Đặc biệt, việc tầm soát phát hiện một số bệnh, tật bẩm sinh thông qua sàng lọc trước sinh và sơ sinh vẫn là thành tố yếu nhất khi nói đến chất lượng dân số của Việt Nam. Hiện, mới có 25% số bà mẹ mang thai và 35% số trẻ em sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị một số bệnh thường mắc ở trẻ bị bệnh tật bẩm sinh.

Do vậy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 22.000-30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, chiếm khoảng 1,5-2% dân số. Trong số các dị tật, có các bệnh phổ biến như: Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh thể nặng...

Theo các chuyên gia, nấc thang đầu tiên đánh giá chất lượng dân số chính là việc bảo đảm một thế hệ khỏe mạnh cả về thể chất, trí tuệ lẫn tinh thần ngay từ giai đoạn đầu đời. Nhưng để người dân nhận thức đúng tầm quan trọng của vấn đề này đang thực sự nan giải khi đa số người dân không khám sức khỏe tiền hôn nhân. Một bộ phận người dân tuy đã có hiểu biết nhất định về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh nhưng thiếu quyết tâm thực hiện.

Từ năm 2013, cả nước đã triển khai mô hình “Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân” và tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh ở trẻ. Nhưng số người tham gia chủ yếu tại một số thành phố lớn, còn tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và trẻ được sàng lọc khi sinh ra còn rất thấp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu 90% nam nữ kết hôn đi khám sức khỏe tiền hôn nhân; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát bệnh, tật bẩm sinh, 90% trẻ sơ sinh được tầm soát bệnh bẩm sinh... sẽ khó hoàn thành nếu thiếu một cuộc “cách mạng” thực sự về thay đổi tập quán và hành vi của mỗi người dân.

Có thể nói, việc phát triển dân số không chỉ có tầm hệ trọng với quốc gia, mà còn có ý nghĩa quan trọng với từng gia đình và từng cá nhân. Như vậy, việc phát triển dân số trong tình hình mới theo định hướng chính là “chìa khóa” để mở ra cánh cửa phát triển bền vững của đất nước.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nen-tang-de-phat-trien