Nét đẹp của cán bộ công chức Hà Nội - Kỳ cuối: Hình thành những chuẩn mực văn hóa

Lấy cách ứng xử, giao tiếp và ngôn từ nhẹ nhàng, lịch thiệp làm tiêu chuẩn, ông Ngô Văn Nam, Trường phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa – thể thao Hà Nội cho rằng, mỗi công chức viên chức Hà Nội muốn tự hoàn thiện mình thì phải coi mình như những nhân viên của các ngành dịch vụ.

Nói về việc vẫn có những phản ánh về cán bộ, công chức, viên chức có cách làm việc hách dịch, thờ ơ và vô cảm với nguyện vọng của nhân dân, ông Nam nhận định, điều đó hiện nay vẫn còn tồn tại. Theo ông, trong các cuộc thi tuyển công chức hiện nay, các môn thi trong đó là ngoại ngữ, kiến thức chung, chuyên môn… chứ chưa có cuộc thi nào đưa nội dung kỹ năng giao tiếp, ứng xử vào làm một trong những thước đo đầu vào cho cán bộ công chức. Ở một góc độ khác, thì vấn đề có một số cán bộ, công chức viên chức có lối suy nghĩ “truyền thống” về công quyền trong việc tiếp dân, những người gặp mình là những người cần mình, xin mình giúp đỡ.

“Bản chất Nhà nước có nhu cầu quản lý xã hội, còn nhân dân có nhu cầu được bảo vệ quyền lợi. Ví dụ như một người dân đến làm thủ tục để được cấp sổ đỏ thì đó là nhu cầu của họ muốn được xác nhận quyền sử dụng đất, còn cơ quan Nhà nước thì có nhu cầu cần người dân đến đăng ký để quản lý Nhà nước về đất đai. Nhưng hiện có những cán bộ công viên chức chỉ nghĩ có một phía, nghĩa là dân đang cần mình xác nhận và cấp quyền cho họ chứ không nghĩ đến phía thứ hai”, lời ông Nam.

Chính bởi việc chưa ý thức rõ được vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, tư duy cũ nơi công quyền là “cửa quan” chi phối thái độ, thế nên mới có những ứng xử chưa phù hợp.

Khi người dân bực bội, to tiếng thì cán bộ cần nhẹ nhàng, lịch thiệp, giải thích các quy định, không hề to tiếng với khách nhưng vẫn vô cùng dứt khoát, nguyên tắc.

Ông Ngô Văn Nam – Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình – Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội.

Ông Ngô Văn Nam – Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình – Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội.

Về tập tục, thói quen xưng hô, ứng xử làng xã, ông Nam cũng đồng ý quan điểm, ở các xã ven đô vốn trước kia sinh hoạt trong quần thể làng, xã sẽ có sự khác biệt với đơn vị ở trong “lõi” TP. Bởi đơn giản, dân cư ở địa bàn ấy đã có gắn kết bởi những mối quan hệ ruột thịt, láng giềng từ bao đời nay, thế nên khi tiếp xúc với nhau trên phường, xã mọi việc cũng đơn giản, nhẹ nhàng hơn. Những quy tắc, lề lối cứ để tự nhiên, không ràng buộc và không nên cứng nhắc trong xưng hô, ứng xử, quan trọng là giữ đúng quy định, quy trình giải quyết công việc.

“Cán bộ công chức, viên chức không cần thiết phải thay đổi lối xưng hô truyền thống với người dân. Bởi cán bộ, công chức viên chức cũng là con, là cháu rồi mới là cán bộ. Quy tắc ứng xử được áp dụng chỉ khiến những ứng xử, giao tiếp ấy hoàn thiện hơn trên cái nền truyền thống vốn có”, ông Nam cho biết. Tuy nhiên, trong những trường hợp người dân “lạm dụng” cái quyền là bậc cha chú trong nhà để “làm khó” cán bộ, thì lúc này cán bộ, công viên chức cũng cần có lối ứng xử linh hoạt. Thân mật nhưng không có nghĩa là suồng sã và đi quá chức năng nhiệm vụ, vượt qua những quy tắc bắt buộc nơi công sở.

Quy tắc ứng xử bước đầu đã dần hình thành những chuẩn mực văn hóa

Có những chuyển biến rất rõ rệt và mạnh mẽ, đó là kết quả sau hai năm triển khai quy tắc ứng xử trên toàn TP, ông Nam cho biết. 100% các cơ quan thuộc UBND TP đã thực hiện những nội dung được hướng dẫn. Cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan ý thức hơn việc chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc, sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học, hiệu quả. Trang phục công sở lịch sự, đầu tóc gọn gàng, không sử dụng đồ uống có cồn, nấu nướng trong giờ làm việc, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng, không sử dụng thời gian làm việc để làm việc riêng, đeo thẻ trong quá trình thực thi công vụ; không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được cơ quan giao; xử lý văn bản và hồ sơ công việc khoa học, kịp thời, xử lý văn bản khép kín trên phần mềm quản lý văn bản điều hành tác nghiệp của cơ quan, đơn vị.

Việc triển khai quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP đã được các cơ quan đồng tình, hưởng ứng. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã có chuyển biến tích cực trong việc chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nêu cao tinh thần học tập, gương mẫu về đạo đức, lối sống, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức. Thái độ ứng xử của cán bộ, công chức trong việc tiếp dân, giải quyết các thủ tục hành chính thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ giao, quy trình thủ tục, có thái độ ứng xử đúng chuẩn mực với người dân.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương từ TP đến cơ sở đều xây dựng kế hoạch kiểm tra và tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện qui tắc ứng xử gắn với kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính. Qua kiểm tra và tự kiểm tra, công tác tuyên truyền được thực hiện đồng bộ, cán bộ đảng viên và nhân dân có ý thức hơn trong việc chấp hành các qui định; các hiện tượng, thái độ, hình ảnh phản cảm gây bức xúc trong dư luận giảm dần.

Vẫn còn đâu đó những điều chưa nên, chưa được của cán bộ, công chức, ông Nam cho biết. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, Quy tắc ứng xử quy định chuẩn mực ứng xử chung nhưng nhận thức và thói quen phụ thuộc vào từng cá nhân, nhất là nhận thức của một số cơ quan, đơn vị về yêu cầu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn hạn chế.

Đây là những vấn đề khó khăn đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện, do đó để thay đổi nhận thức và thói quen cần phải có thời gian, kiên trì, bền bỉ, lâu dài, không ngừng nghỉ và xác định sẽ có những khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, theo ông Nam: Hai Quy tắc ứng xử của TP ban hành được cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân quan tâm hưởng ứng do vậy việc triển khai thực hiện cơ bản là thuận lợi. Bước đầu hình thành những chuẩn mực văn hóa, lời nói, thái độ, hành vi của tổ chức, cá nhân tại công sở và nơi công cộng, ý thức giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của đất nước, Thủ đô.

Ngọc Dung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/net-dep-cua-can-bo-cong-chuc-ha-noi-ky-cuoi-hinh-thanh-nhung-chuan-muc-van-hoa-159454.html