Nét đẹp phong tục hóa vàng ngày Tết

Cúng lễ hóa vàng là một trong những phong tục phổ biến của dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Theo quan niệm dân gian của người Việt, ngày 30 Tết, các gia đình sẽ làm mâm cơm tất niên để mời ông bà tổ tiên về ăn Tết. Hết 3 ngày Tết, con cháu lại sửa soạn mâm lễ để tiễn đưa trở về cõi âm. Lễ hóa vàng không chỉ là lễ cúng tiễn ông bà, tổ tiên về cõi âm mà còn là lễ đón thần tài, tài lộc về với gia đình, hy vọng một năm làm ăn thuận lợi, hanh thông.

Lễ cúng hóa vàng dịp Tết Nguyên đán thể hiện lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên.

Lễ cúng hóa vàng dịp Tết Nguyên đán thể hiện lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên.

Việc chọn ngày làm lễ hóa vàng còn tùy thuộc vào mỗi gia đình, chủ yếu là khoảng từ mùng 3 đến mùng 10 Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đa số các gia đình chọn ngày mùng 3 Tết để làm lễ hóa vàng hết Tết.

Năm nay, mùng 3 Tết rơi vào thứ hai (tức ngày 12/2 dương lịch). Đa số các gia đình chọn ngày này để làm lễ hóa vàng hết Tết. Theo gợi ý của chuyên gia văn hóa, ngoài ngày mùng 3 Tết, năm Giáp Thìn còn có 2 ngày khá phù hợp khác để làm lễ hóa vàng hết Tết là mùng 4, 5 tháng Giêng, mọi nhà có thêm sự lựa chọn phù hợp với điều kiện của gia đình mình.

Tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình, phong tục của từng địa phương mà các lễ vật trong lễ hóa vàng sau Tết khác nhau, tuy nhiên vẫn cần phải đảm bảo có những món, như: mâm ngũ quả; hương, đèn, nến, bánh kẹo, trầu cau, thuốc lá, chè, tiền, vàng mã, bên cạnh đó cần có 1 bình hoa tươi sắc màu thể hiện hy vọng của gia chủ về sự tươi mới, sức sống tràn trề trong năm mới; 2 cây mía mà theo dân gian quan niệm cây mía để các cụ chống đi cho đỡ mỏi hoặc có thể sử dụng để gánh các đồ cúng về trời và cũng là vũ khí để xua đuổi quỷ dữ.

Bà Nông Thu Thủy, phường Hợp Giang (Thành phố) cho biết: Con cháu bà ở Hà Nội về chúc Tết ông bà mấy ngày, ngay sau Tết phải trở về nhà riêng để tiếp tục học tập, lao động, nên thường gia đình bà làm lễ hóa vàng tiễn ông bà tổ tiên vào ngày mùng 3 Tết. Với quan niệm lòng thành kính với tổ tiên nên bà chuẩn bị lễ rất tươm tất, có đầy đủ các món mặn truyền thống theo phong tục của người dân Cao Bằng.

Mâm cỗ cúng hóa vàng có thể là cỗ mặn hoặc cỗ chay với các món mang đặc trưng ngày Tết. Nếu là cỗ mặn thì không thể thiếu thịt gà, bát canh miến dong, giò chả, nem rán, bánh chưng, các món xào,...

Mâm cúng hóa vàng là mặn hoặc cỗ chay với các món mang đặc trưng ngày Tết.

Mâm cúng hóa vàng là mặn hoặc cỗ chay với các món mang đặc trưng ngày Tết.

Mâm cỗ được chuẩn bị trang nghiêm, đủ đầy thể hiện lòng thành kính của bậc con cháu dâng lên tổ tiên, ông bà. Sau khi kết thúc tuần hương sẽ đốt vàng mã đã được cúng trong dịp Tết, con cháu tề tựu đông đủ, cùng nhau dùng bữa cơm thân mật, vui vẻ, kết thúc những ngày Tết và bắt đầu trở lại với công việc.

Đây là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt được lưu truyền trong dân gian qua các thế hệ. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã trong lễ hóa vàng được khuyến cáo hết sức thận trọng, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và cảnh quan môi trường sống.

P.V

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/net-dep-phong-tuc-hoa-vang-ngay-tet-3167560.html