Ngã ba Cò Nòi - Khúc tráng ca bất tử

Cách đây gần 70 năm về trước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu', kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược. Từ đây, Điện Biên Phủ trở thành biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và bản lĩnh con người Việt Nam trong thế kỷ XX.

Toàn cảnh khu tượng đài TNXP Ngã ba Cò Nòi.

Toàn cảnh khu tượng đài TNXP Ngã ba Cò Nòi.

Trong chiến dịch này, Sơn La giữ vị trí quan trọng, án ngữ các tuyến đường huyết mạch giao thông nối đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc; Liên khu III, IV với chiến trường Điện Biên Phủ. Trong đó ngã ba Cò Nòi - nơi giao nhau giữa hai tuyến quốc lộ là 13A (quốc lộ 37 hiện nay) và đường 41 (quốc lộ 6 hiện nay), thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn là nút giao thông quan trọng bậc nhất, được ví như “yết hầu” trên tuyến lửa. Mọi hoạt động chi viện của ta từ hậu phương cho chiến trường Điện Biên Phủ đều phải đi qua cửa ải này.

Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải, tất cả những người ra trận đều phải vượt qua”. Chính vì vậy, ngã ba Cò Nòi đã trở thành “túi bom”, một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của không lực Pháp trên địa bàn Sơn La. Chúng cho rằng việc ngăn chặn và cắt dứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt của hậu phương Miền Bắc cho chiến trường Điện Biên Phủ là vấn đề sống còn của quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam.

Với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến" "Tất cả để chiến thắng", nhân dân các địa phương hăng hái lên đường tham gia thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến ([1]). Tháng 1/1954, Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương đã bổ sung thêm lực lượng cho 2 Đội 34 và 40, đưa tổng số quân lên đến gần 8.000 đội viên phiên chế trong 40 đại đội do đồng chí Trần Dân làm Đội trưởng([2]). Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Đội 34, 40 được giao nhiệm vụ chính là đảm bảo giữ vững mạch máu giao thông trên quốc lộ 6 từ Mộc Châu đi Tuần Giáo (Điện Biên) và quốc lộ 13 từ Yên Bái qua Sơn La (tại ngã ba Cò Nòi). Trong đó tập trung các điểm xung yếu như đèo Pha Đin, bến phà Tạ Khoa - đèo Chẹn, đèo Chiềng Đông, đèo Sơn La, cầu Tà Vài, đặc biệt là tại ngã ba Cò Nòi - quãng đường xung yếu quan trọng nhất trong toàn tuyến lửa ra mặt trận. Trực tiếp làm nhiệm vụ tại ngã ba trọng điểm này là các đại đội 293 (Đội 34); 300, 301, 303 và 403 của Đội 40.

Từ sau đợt tiến công thứ nhất của quân ta vào Điện Biên Phủ cho đến lúc kết thúc chiến dịch([3]), địch huy động mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ liên tục ném bom, nhằm chặt đứt con đường tiếp tế của ta đoạn từ ngã ba Cò Nòi lên chiến trường Điện Biên Phủ. Có ngày chúng ném xuống đây 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom Na Pan, bom bướm, với trọng lượng 69 tấn thuốc nổ nhằm phá hủy kho tàng, vũ khí, lương thực và sát hại lực lượng của ta làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu tại trọng điểm này. Tuy vậy, dưới mưa bom, lửa đạn, lực lượng thanh niên xung phong ở ngã ba Cò Nòi vẫn hiên ngang, dũng cảm làm nhiệm vụ phá bom nổ chậm, thông đường, vận chuyển lương thực, vũ khí ra mặt trận, đảm bảo mạch máu giao thông vẫn chảy đều ra tuyến lửa.

Quá trình tham gia phục vụ chiến dịch đã có hơn 100 thanh niên xung phong Đội 34, 40 và nhiều người dân địa phương hy sinh anh dũng tại ngã ba chiến lược này. Chiến công thầm lặng của lực lượng thanh niên xung phong tại Ngã ba Cò Nòi đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, góp phần tô thắm thêm trang sử vàng oanh liệt của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam. Ngày 8/5/1954 Bác Hồ gửi thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc. Trong thư có đoạn viết “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen các cán bộ, chiến sỹ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang…”([4])

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những chiến công vẻ vang năm xưa của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam tại ngã ba Cò Nòi đã khắc sâu trong ký ức của đồng bào Tây Bắc và người dân cả nước. Chiến công thầm lặng đó đó đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Những địa danh như bến phà Tạ Khoa – đèo Chẹn (Bắc Yên), rừng bản Nhọt (Phù Yên), đèo Chiềng Đông (Yên Châu), đèo Pha Đin, cầu Tà Vài, đặc biệt là “tọa độ lửa” Ngã ba Cò Nòi… đã đi vào lịch sử dân tộc như một minh chứng điển hình cho tinh thần đấu tranh bất khuất của cha ông ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp oanh liệt.

Để đời đời tri ân công ơn các liệt sỹ thanh niên xung phong đã chiến đấu, hi sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc tại ngã ba Cò Nòi. Ngày 21/4/2000 Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã khởi công xây dựng nhóm đài tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong tại ví trí “tọa độ lửa” năm xưa với diện tích 20.000m². Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2004) di tích được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Từ đó đến nay, di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi đã trở thành một điểm đến quen thuộc của nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch hướng về cội nguồn “Qua miền Tây Bắc”.

Tháng 01/2019, UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi với tổng diện tích 10,51 ha, bao gồm khu tưởng niệm tâm linh, quảng trường, sân lễ hội dịch vụ kết hợp đỗ xe, chứng tích hố bom, hây xanh cảnh quan, bãi đỗ xe và hạ tầng kỹ thuật.

Năm 2020, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2020), tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo huyện Mai Sơn và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện xây dựng các hạng mục trong giai đoạn I của Dự án, gồm: Nhà tưởng niệm; Bia ghi công; sân và một số hạng mục khác với tổng mức đầu tư là 14.960 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 3.850 triệu đồng, nguồn xã hội hóa 8,3 tỷ đồng của Công đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau gần 01 năm gấp rút thi công, đến nay công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Để phát huy được hết giá trị của di tích và đảm bảo tính khả thi của Quy hoạch được duyệt, tỉnh Sơn La tiếp tục đề xuất với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong hỗ trợ kinh phí; đồng thời vận động nguồn xã hội hóa để đầu tư các hạng mục công trình giai đoạn II của Dự án (2021 - 2025) dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 104.409 triệu đồng.

Sau khi hoàn thành các hạng mục trong Quy hoạch dự kiến vào năm 2030, công trình tu bổ, tôn tạo di tích Ngã ba Cò Nòi sẽ là một điểm đến du lịch linh thiêng của người dân Sơn La nói riêng và cả nước nói chung để tri ân các anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

____________________________

[1] Riêng TNXP vục vụ thường xuyên từ đầu đến cuối chiến dịch Điện Biên Phủ là gần 18.200 người. Trong đó trực tiếp bổ sung cho quân đội tại chiến trường là hơn 8.000 đội viên, Lịch sử Thanh niên xung phòng Việt Nam (1950-2001) Nxb Thanh Niên – Hà Nội 2002, tr 129.

[2] Đồng chí Trần Dân trước là Đội trưởng Đội 34, về sau do thiếu cán bộ chỉ huy nên chỉ định đồng thời là Đội trưởng Đội 40, Sđd, tr 130

[3] Chiến dịch Điện Biên Phủ được chia làm 3 đợt: đợt 1 từ ngày 13/3 đến 17/3/1954; đợt 2 từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954 và đợt 3 01/5 đến ngày 07/5/1954

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, tr 272, tập 7.

Phạm Tuấn (Bảo tàng tỉnh)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nga-ba-co-noi--khuc-trang-ca-bat-tu-41119