Nga-Ukraine: Bằng cách nào bám trụ ở Nga, doanh nghiệp mở 'chiến dịch tung hỏa mù, án binh' chờ thời

Trường Quản lý Yale của Mỹ mới đây công bố thông tin rằng, nhiều doanh nghiệp quốc tế vẫn đang nói không đúng sự thật về việc ngừng kinh doanh và rời khỏi nước Nga, theo lệnh trừng phạt từ phương Tây do chiến dịch quân sự mà Nga tiến hành tại Ukraine.

H&M - nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới, ngày 18/7, cho biết đã quyết định ngừng kinh doanh tại Nga. (Nguồn: Theindustry)

H&M - nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới, ngày 18/7, cho biết đã quyết định ngừng kinh doanh tại Nga. (Nguồn: Theindustry)

Đằng sau những thông báo "đóng cửa", "ngưng hoạt động" hay "rút lui" khỏi thị trường Nga là muôn vàn những thực tế khác nhau. Bởi vậy, “tung hỏa mù” và trì hoãn các thông tin chuyển hướng kinh doanh là những "chiến thuật" đang được một số công ty quốc tế sử dụng, để không muốn thông tin rõ ràng về việc họ đã thật sự rời khỏi thị trường Nga hay chưa.

Hơn 1.000 công ty đã tuyên bố rút khỏi Nga, mặc dù ở các mức độ khác nhau, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ từ tháng 2/2022. Tuy nhiên, khoảng 200 doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn không có động tĩnh gì, theo nghiên cứu về các doanh nghiệp rời khỏi Nga (hoặc không), thông tin do Trường Quản lý Yale của Mỹ tổng hợp.

Nghiên cứu của Trường Quản lý Yale do Giáo sư Jeffrey A Sonnenfeld đứng đầu, theo đó, một nhóm gồm 42 nhà nghiên cứu (sử dụng 12 loại ngôn ngữ) đang tiếp tục theo dõi xem các doanh nghiệp có thực hiện đúng cam kết rời Nga hay không.

Sau 4 tháng nghiên cứu liên tục, GS. Sonnenfeld viết rằng, một mặt, các công ty đã cho thấy họ có thể thực hiện các hành động theo yêu cầu chính trị và thoái vốn khỏi Nga nhanh chóng như thế nào, cả vì lý do đạo đức và kinh doanh. Mặt khác, vẫn có “phần còn lại” đã cho thấy điều ngược lại.

"Những lỗ hổng trong quản trị toàn cầu" đã được tiết lộ, cùng với “khoảng trống lớn trong khả năng của ban quản lý trong việc quyết định và thực hiện hành động thích hợp liên quan đến hoạt động kinh doanh với Nga và ở Nga, cũng như khả năng của hội đồng quản trị để giám sát hiệu quả các hành động đó”, Sonnenfeld nói.

Với tất cả các lý do được đưa ra cho vấn đề này, các nhà nghiên cứu của Yale cho rằng, các doanh nghiệp đang sử dụng "sự chậm trễ đánh lạc hướng" để tránh việc rút khỏi Nga thực sự. Cam kết - vì thế trở thành là một giải pháp tình thế và động thái “câu giờ”.

Trên thực tế, những cam kết “vô thời hạn, không hoàn toàn chính xác từ doanh nghiệp”, GS. Sonnenfeld nói. “Rõ ràng với các nhà đầu tư, người tiêu dùng và giới truyền thông, đây chẳng qua là những kỹ thuật nhằm kéo dài thêm thời gian nghe ngóng và chờ thêm thời gian”.

Chẳng hạn, một công ty giấy khổng lồ của Mỹ tuyên bố chỉ có lợi ích thụ động đối với một công ty đối tác của Nga ở Nga, trong thực tế, công ty đó sở hữu 50% doanh nghiệp, với gần một nửa ban giám sát hoạt động của đối tác được xây dựng từ các nhà điều hành công ty của chính họ.

"Khi tình hình này được làm rõ, công ty Mỹ đã hứa sẽ" xem xét về chiến lược" để thoái vốn hoàn toàn khỏi các hoạt động của Nga vào đầu tháng 3 – nhưng đến nay, tất cả các hoạt động cơ bản vẫn đang tiếp diễn", GS. Sonnenfeld cho biết.

Một số doanh nghiệp dường như vẫn đang hoạt động phía sau cánh cửa đóng kín. Chẳng hạn, một thương hiệu tai nghe hàng đầu cũng đã công khai thông báo, các cửa hàng của họ “về cơ bản đã đóng cửa” ở Nga, nhưng một tháng sau tuyên bố này, các nhà nghiên cứu của Yale vẫn có thể gọi điện đến các cửa hàng ở Nga và hoàn tất việc mua hàng.

Nghiên cứu của các nhà nghiên cứu thuộc Trường Quản lý Yale cũng tiết lộ việc một hãng đóng giày lớn tuyên bố đã âm thầm đóng cửa hoạt động kinh doanh của mình ở Nga, nhưng thực ra hàng hóa của họ vẫn xuất hiện đều trong các cửa hàng ở Nga, cũng như được gắn nhãn hiệu đầy đủ”.

“Giám đốc điều hành của một công ty cho thuê xe hơi toàn cầu đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với CNBC rằng, họ đã đóng cửa tất cả các hoạt động ở Nga, nhưng chúng tôi vẫn có thể thuê một chiếc xe từ một nhà điều hành này ở Moscow ngay ngày hôm sau”, GS. Sonnenfeld cho biết.

Mới đây nhất (ngày 18/7), H&M - nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới, cho biết đã quyết định gia nhập danh sách các doanh nghiệp rời khỏi “xứ Bạch dương”. Đây là một quyết định "đau đớn" khi Nga là thị trường lớn thứ 6 của H&M. Không chỉ tốn khoản chi phí thực hiện kế hoạch rút khỏi Nga dự kiến tiêu tốn khoảng 191,3 triệu USD. Đánh giá cao tiềm năng tại đây, H&M cũng từng tăng số lượng cửa hàng tại Nga, trong khi giảm số lượng cửa hàng tại nhiều thị trường khác.

Nói tóm lại, ngay cả khi đã cam kết hành động, đội ngũ quản lý doanh nghiệp đôi khi vẫn cố kéo dài thời gian hoặc viện cớ nào đó với hy vọng tình hình tồi tệ sẽ sớm qua đi.

“Một số công ty tung tin về kế hoạch cắt giảm các khoản đầu tư chưa từng được đề cập trong tương lai, hoặc tuyên bố kế hoạch rút khỏi Nga ở mức tối thiểu, để vẫn tuân thủ các lệnh trừng phạt toàn cầu, nhưng thực tế như thế nào rất khó xác định”, Sonnenfeld nói.

“Một công ty hóa chất lớn vẫn tuyên bố ngừng kinh doanh tại Nga mà không hề đề cập số phận đội ngũ nhân viên của họ sẽ sớm gặp rủi ro như hàng triệu lao động mất việc khi các công ty khác quyết định rời Nga”.

Trong khi đó, một số nhà nhượng quyền đã lập luận rằng họ thiếu các thỏa thuận theo hợp đồng và kết quả là, việc kiểm soát pháp lý để đóng cửa các nhượng quyền sở hữu tại địa phương gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khác, bao gồm cả Starbucks, đã giải quyết vấn đề này bằng cách hỗ trợ tài chính cho các nhượng quyền thương mại có trụ sở tại Nga để thực hiện cam kết đóng cửa.

Như vậy, đi hay ở vẫn là bài toán khó đang đặt ra cho các doanh nghiệp quốc tế hoạt động tại Nga. Nói thì vẫn dễ hơn làm, bởi đây là một quyết định gây thiệt hại bạc tỷ. Và trên hết họ đều biết rõ rằng, khi đã ra đi thì đường quay trở lại gặp muôn trùng khó khăn.

(theo Reuters, Investmentmonitor)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-ukraine-bang-cach-nao-bam-tru-o-nga-doanh-nghiep-mo-chien-dich-tung-hoa-mu-an-binh-cho-thoi-191381.html