Nga-Ukraine: Hòa đàm giữa sức ép

Khi xung đột chưa có dấu hiệu dừng lại và còn nhiều diễn biến giằng co trên thực địa, vòng đàm phán mới giữa Nga và Ukraine tại Istanbul dấy lên hy vọng mới.

Một nhân viên an ninh gác trước tòa nhà diễn ra cuộc đàm phán, ngày 23/7. (Nguồn: EPA)

Một nhân viên an ninh gác trước tòa nhà diễn ra cuộc đàm phán, ngày 23/7. (Nguồn: EPA)

Sau hai vòng đàm phán không đạt tiến triển rõ rệt (ngày 16/5 và 2/6), vòng đàm phán thứ ba giữa Ukraine và Nga được lên kế hoạch tổ chức vào tối ngày 23/7 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Phái đoàn Ukraine gồm 14 người do ông Rustem Umerov, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và hiện là Thư ký Hội đồng An ninh và quốc phòng, dẫn đầu. Trong khi đó, Điện Kremlin tiếp tục cử Trợ lý Tổng thống Vladimir Putin, ông Vladimir Medinsky dẫn đầu cùng Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin, Tổng Tham mưu trưởng Tình báo quân đội Igor Kostyukov và Thứ trưởng Quốc phòng Aleksandr Fomin. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cũng có mặt tại đàm phán.

Theo trang tin Ukraine Pravda, ngoài vấn đề nhân đạo, mục tiêu chính của cuộc đàm phán là xúc tiến việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Ukraine và Nga.

Trước đó, vào ngày 19/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề xuất vòng đàm phán mới và muốn gặp trực tiếp người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Áp lực và toan tính

Sau hơn ba năm xung đột, cả Kiev và Moscow đều đang gánh chịu những tổn thất nặng nề và đối mặt với áp lực chiến lược ngày càng lớn. Ukraine liên tục hứng chịu thiệt hại trên mặt trận phía Đông, trong khi Nga cũng tiêu hao đáng kể nguồn lực khi phải duy trì cường độ chiến đấu cao nhằm giành ưu thế trên thực địa. Đề xuất nối lại đàm phán mà ông Zelensky đưa ra chỉ một ngày sau khi lực lượng Nga tiếp tục thực hiện các đợt không kích quy mô lớn vào Kiev và nhiều thành phố khác. Cùng thời gian đó, Ukraine phát động các đợt tập kích bằng thiết bị bay không người lái (UAV) nhằm vào Moscow và các vùng lân cận. Theo TASS, lực lượng phòng không Nga đã đánh chặn gần 100 UAV của Kiev trong đêm 19/7.

Đối với Ukraine, việc Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều lần kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp với Tổng thống Vladimir Putin phản ánh mong muốn đạt được một giải pháp lâu dài với Moscow. Báo The Kyiv Independent trích bài phát biểu đêm 19/7 của ông: “Đề xuất từ phía chúng tôi rất rõ ràng: Trao trả tù binh, hồi hương các trẻ em bị đưa đi và chuẩn bị cho một cuộc gặp cấp cao giữa hai bên”. Theo ông, chỉ với cuộc gặp cấp cao, hòa bình giữa Ukraine và Nga mới có thể đạt được những kết quả cụ thể.

Dư luận quốc tế nhìn nhận, việc bổ nhiệm ông Rustem Umerov làm Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia và quốc phòng thể hiện nỗ lực của Tổng thống Volodymyr Zelensky nhằm đạt tiến triển bước ngoặt trong vòng đàm phán lần này.

Báo The Kyiv Post cho biết, thời điểm diễn ra cuộc đàm phán trùng với làn sóng kêu gọi hòa bình ngày càng tăng từ Tổng thống Donald Trump. Hôm 14/7, ông Trump đã đưa ra cảnh báo với Tổng thống Vladimir Putin, đe dọa áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Moscow và các quốc gia mua hàng xuất khẩu từ Nga nếu không đạt được lệnh ngừng bắn trong vòng 50 ngày.

Trong bối cảnh đó, ngồi vào đàm phán lần này, mỗi bên sẽ có tính toán chiến lược cho riêng mình. Tại cuộc gặp vào đầu tháng trước, Nga đã đề xuất một lệnh ngừng bắn có điều kiện: Ukraine phải tạm dừng tiếp nhận viện trợ quân sự từ phương Tây. Tuy nhiên, Kiev nhanh chóng bác bỏ đề xuất, còn Moscow lại cho rằng, Ukraine tìm kiếm ngừng bắn để có thời gian tái vũ trang.

Hòa đàm Nga-Ukraine vòng thứ 3 diễn ra ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 23/7. (Nguồn: TASS)

Hòa đàm Nga-Ukraine vòng thứ 3 diễn ra ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 23/7. (Nguồn: TASS)

Viện trợ và đối thoại

Trong khi cánh cửa đàm phán tại Istanbul lần này chưa thực sự rộng mở, một số nước châu Âu vẫn tiếp tục tiếp sức cho Ukraine thông qua viện trợ vũ khí được mua của Mỹ. Theo trang Kyiv Post.com, cuộc họp lần thứ 29 của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, hay còn gọi là định dạng Ramstein, khép lại hôm 21/7 với một loạt cam kết quân sự mới nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine và xây dựng khả năng phục hồi lâu dài.

Một trong những kết quả đáng chú ý nhất của cuộc họp này là việc Mỹ, phối hợp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khởi xướng cơ chế mới cho phép các quốc gia châu Âu mua vũ khí Mỹ dành riêng cho Ukraine. Cơ chế mới này, kết hợp với tuyên bố “tối hậu thư” 50 ngày của ông chủ Nhà Trắng, càng cho thấy các nước phương Tây đang gây sức ép tổng lực cả quân sự lẫn kinh tế buộc Moscow phải nhượng bộ.

Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) đánh giá, chỉ khi Ukraine nhận đủ viện trợ vũ khí hiện đại và gây ra các tổn thất đáng kể cho Nga trên chiến trường thì mới buộc được Moscow ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng thực tế chiến trường đang chứng kiến thế giằng co với các đợt tập kích UAV, tên lửa từ hai phía. Những gói viện trợ dù giúp Ukraine trấn giữ các khu vực then chốt, song cũng đẩy Ukraine phụ thuộc sâu hơn vào viện trợ quân sự nước ngoài trong khi khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine cũng đang gây chia rẽ trong EU.

Vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ, vì thế, tiếp tục được coi là cầu nối quan trọng. Với mối quan hệ đặc biệt với cả Kiev lẫn Moscow, Ankara có khả năng duy trì đường dây liên lạc, thúc đẩy biện pháp xây dựng lòng tin như trao đổi tù binh, bảo vệ dân thường và trẻ em - những vấn đề nhân đạo vốn là điểm khởi đầu thiết thực nhất nhằm giữ đà đối thoại.

Trong khi khác biệt lập trường vẫn còn và xung đột vẫn tiếp diễn, vai trò của bàn đàm phán sẽ chỉ được phát huy nếu đối thoại song song với nỗ lực kiểm soát leo thang, xây dựng lòng tin và mở rộng điểm chung, dù là nhỏ nhất.

Ngọc Trâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-ukraine-hoa-dam-giua-suc-ep-322125.html