Ngầm hóa lưới điện đô thị: Còn nhiều khó khăn

Ngầm hóa lưới điện góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn cho người dân là chủ trương của tỉnh, ngành Điện và ngành Viễn thông. Quá trình ngầm hóa đường dây đã được thực hiện nhiều năm và bước đầu làm sạch nhiều 'mạng nhện', mang lại diện mạo mới cho nhiều tuyến đường.

Thi công ngầm hóa lưới điện qua đường ngang thuộc P.Long Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: Hoàng Lộc

Thi công ngầm hóa lưới điện qua đường ngang thuộc P.Long Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: Hoàng Lộc

Tuy nhiên, việc triển khai ngầm hóa đường dây còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

* Ngầm hóa được hơn 100km

Để góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị, nâng cao độ an toàn hệ thống lưới điện, giảm tác động từ bên ngoài có thể dẫn đến sự cố, từ năm 1999, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) đã triển khai ngầm hóa hệ thống lưới điện trung thế 22kV trên địa bàn TP.Biên Hòa bằng nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Đến nay, đơn vị thực hiện được hơn 100km đường dây cáp ngầm (bao gồm cáp trung, hạ thế và nhánh rẽ vào nhà khách hàng) trên nhiều tuyến đường nội ô. Công trình ngầm hóa lưới điện mới đây nhất là đường Hà Huy Giáp. Đơn vị đã xây dựng mới hơn 4,5km mương cáp ngầm trung và hạ thế hỗn hợp trên vỉa hè dọc hai bên đường, bố trí 19 hố ga kéo cáp, 4 móng tủ RMU (tủ điện trung thế), 2 móng bê tông trạm cột thép, 96 móng tủ phân phối hạ thế, 70 hố ga hạ thế.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc PC Đồng Nai cho rằng, việc ngầm hóa hệ thống lưới điện đang được triển khai theo chủ trương của TP.Biên Hòa, tỉnh và ngành Điện. Hiện tại, PC Đồng Nai đang thỏa thuận với UBND TP.Biên Hòa về phương án, bản vẽ mặt cắt và dự kiến năm 2022 sẽ thực hiện ngầm hóa tuyến đường 30-4 (đoạn từ vòng xoay trước UBND tỉnh đến Bưu điện Vườn Mít). Đối với các tuyến đường nội ô còn lại, PC Đồng Nai sẽ phối hợp với Sở Công thương báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương thực hiện. Riêng các tuyến đường mở mới, ngành Điện phối hợp với đơn vị thi công đường làm hệ thống điện ngầm cùng quá trình xây dựng.

Tuy nhiên, theo ông Thành, quá trình triển khai ngầm hóa lưới điện còn gặp nhiều khó khăn như: vỉa hè một số tuyến đường chật hẹp, không đủ mặt bằng để bố trí, lắp đặt thiết bị; quá trình khai thác, nhiều tuyến đường đã thay đổi hiện trạng do nâng cấp, mở rộng làm đường dây điện ngầm bị dịch chuyển xuống lòng đường; một số khu vực người dân chưa đồng thuận chủ trương, không hợp tác với ngành Điện để thi công; việc thi công đa phần diễn ra ban đêm, vào mùa khô; các đơn vị liên quan như cấp thoát nước, viễn thông chưa có sự phối hợp đồng bộ.

Trong đó, trở ngại lớn nhất trong thực hiện ngầm hóa lưới điện là vốn. Những năm qua, để đảm bảo tỷ lệ hộ gia đình sử dụng điện, công ty đã ưu tiên các nguồn vốn cho đầu tư phát triển mới, nâng cấp hạ tầng lưới điện trên quy mô toàn tỉnh. Do đó, nguồn vốn để thực hiện ngầm hóa theo chủ trương không đảm bảo, việc vay vốn ngân hàng để ngầm hóa lưới điện khó thực hiện do không đảm bảo tính hiệu quả về mặt tài chính mà chỉ hiệu quả về mặt xã hội.

* Thống nhất chủ trương

Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Nam cho rằng, ngầm hóa hệ thống lưới điện ở nội thị các thành phố là chủ trương lớn của ngành Điện. Việc ngầm hóa hệ thống lưới điện không chỉ đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị mà còn giảm các sự cố như: cháy nổ, sét đánh, mưa bão làm cây xanh gãy đổ, xe chở quá khổ vướng vào đường dây gây mất điện. Do đó, ông Hợp kiến nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương ngầm hóa, cải tạo hạ ngầm lưới điện hiện hữu ở các đô thị; xem xét cho PC Đồng Nai ứng vốn ngân sách để thực hiện ngầm hóa, ngành Điện sẽ cân đối vốn để hoàn trả lại dần theo từng năm hoặc cho điện lực vay vốn từ các nguồn vốn vay ưu đãi của tỉnh.

Theo Giám đốc PC Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thành, để công tác ngầm hóa được thuận lợi cần phải có sự thống nhất về chủ trương, sự hợp tác của chính quyền và sự đồng thuận của người dân. Trên thực tế, thời gian qua, một số khu vực, người dân chưa hợp tác khi đào đường, vị trí lắp đặt tủ RMU, trạm biến thế, tủ điện… mặc dù ngành Điện đã thiết kế vị trí lắp đặt ở các nơi ít ảnh hưởng nhất, sử dụng robot đào đường để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân.

“Ngành Điện rất mong được sự hỗ trợ của địa phương trong tuyên truyền để nhân dân hiểu và hợp tác với đơn vị trong quá trình ngầm hóa đường dây, đặt trạm biến áp, tủ hạ thế đảm bảo cung cấp điện an toàn, đầy đủ cho nhân dân. Cho phép đào đường để cải tạo đường dây, ngầm hóa lưới điện ở những tuyến đường đã thay đổi hiện trạng làm cáp ngầm của ngành Điện bị xê dịch xuống lòng đường” - ông Thành chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, TP.Biên Hòa đã là đô thị loại I, TP.Long Khánh là đô thị loại III, tới đây Đồng Nai sẽ có thêm nhiều thành phố, đô thị như: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, nhưng tình trạng “mạng nhện” đường dây vẫn phổ biến gây mất mỹ quan đô thị, bất an cho người dân. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, Sở Công thương, UBND các thành phố cùng với ngành Điện thống nhất chủ trương ngầm hóa đường dây. Về nguồn vốn, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ xem xét các nguồn vốn vay ưu đãi của tỉnh cho ngành Điện vay thực hiện các công trình, trong đó phải ưu tiên các công trình cung ứng điện đầy đủ cho các khu dân cư, khu công nghiệp, khu đô thị trước.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202012/ngam-hoa-luoi-dien-do-thi-con-nhieu-kho-khan-3035523/