Ngẫm suy lời thở than trước công đường

Lời sau cùng trước khi tòa nghị án, đó là thời điểm đặc biệt. Thời điểm đó, công đường như lắng lại, tĩnh lại, không còn những lời bào chữa ồn ào hay thanh minh, bao biện... Thay vào đó, biết bao bị cáo trước đây từng giữ chức này chức nọ thì nay, trước công đường, họ tĩnh lại để nói về mình, về những đắng cay, lỗi lầm đã trải qua, những hành động sai trái để bây giờ đánh mất quá lớn.

Nghĩ về chuyện người mà âu không chỉ khoanh lại trong khuôn khổ một phiên tòa, một vụ án. Đó còn là bài học về thế sự, về quan trường, con người và những mối liên hệ công tác, số phận đường đời, chớ cười việc họ mà bỏ qua việc mình...

Những ngày diễn ra phiên tòa xét xử vụ Nguyễn Văn Hậu (Hậu “Pháo”), mạng xã hội chia sẻ những bức ảnh của cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan trước tòa. Nhiều người còn lắp ghép bức ảnh bà Lan với dáng vẻ mệt nhọc, bơ phờ, khuôn mặt hốc hác trước tòa với những bức hình “căng tràn nhựa sống” khi đang đương chức Bí thư Tỉnh ủy. Đặt hai bức ảnh đó cạnh nhau đương nhiên lệch pha, có người còn nói “không nhận ra đó là một người!”.

Tuy nhiên, nếu chúng ta sa đà bàn luận hình ảnh bị cáo ở thời điểm ra tòa với khi đang nguyên quyền năng, vị thế là không phải lẽ. Mỗi người chỉ trong một ngày thì nhan sắc, thần thái đã khác huống gì rơi vào các thời điểm hoàn toàn đối lập như vậy. Ra tòa đâu phải thời gian trau chuốt, làm đẹp, đó là những ngày bị cáo phải đối diện với các cáo buộc, phán xét của hội đồng xét xử, đối diện với chính những sai lầm mình đã mắc phải, đấu tranh tâm lý để vượt qua áp lực, rồi dị nghị từ dư luận và chờ đợi bản án của pháp luật. Với nữ giới, những dằn vặt tâm lý càng đè nặng.

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Khi được nói lời sau cùng, bà Lan cho biết, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử đã nhận thức rất rõ những hành vi vi phạm pháp luật, những tội lỗi, hậu quả và trách nhiệm của bản thân. “Tôi cũng đã vận động gia đình để nộp lại toàn bộ số tiền mà tôi đã nhận trái pháp luật, coi đó là hoạt động tích cực nhất nhằm khắc phục hậu quả vụ án. Điều này làm vơi bớt đi nỗi ân hận của tôi. Tôi vô cùng đau đớn, dày vò và hối hận vì những lỗi lầm, vi phạm khuyết điểm của mình. Tội lỗi tôi gây ra đã ảnh hưởng lớn đến uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước và cơ quan nơi tôi công tác” - cựu Bí thư Vĩnh Phúc giãi bày.

Giọng chững lại, bị cáo xin nhận toàn bộ trách nhiệm về mình rồi bật khóc, mong tòa xem xét giảm án cho mình và các bị cáo trong vụ án... Kể về bản thân, gia đình, bà cho hay, đã trải qua 40 năm công tác, trong đó có 8 năm làm người đứng đầu địa phương. “Mong hội đồng xét xử và đại diện viện kiểm sát xem xét giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo sớm trở về chăm sóc mẹ già và con nhỏ” - cựu Bí thư mong mỏi.

Nghẹn ngào giãi bày về bản thân, về đồng nghiệp, về gia đình nhưng khi nhận tội, cựu Bí thư Tỉnh ủy không đổ lỗi cho người khác, không “đổ lỗi cơ chế” hay “tác động khách quan”, cũng không kể công trạng của mình mà xin nhận toàn bộ trách nhiệm với tư cách người lãnh đạo, đứng đầu Tỉnh ủy, cho rằng vì mình mà một số anh em cấp dưới phải sa vòng tố tụng. Với một nữ bị cáo, một cựu lãnh đạo, việc có một thái độ, quan điểm rõ ràng, dứt khoát như vậy hẳn cũng là... “điểm cộng”. Để dư luận thấy rằng, không phải cứ quan chức ra tòa, quan chức từng tham ô, nhận hối lộ thì đều một mực tranh công chối tội. Khi đương quyền, uy lực là mạnh mẽ nhưng nay, trước công đường, trước phiên nghị án để tòa tuyên lượng hình phạt, tôi nghĩ chính sự dám làm dám chịu trách nhiệm của bà đã thể hiện một “chất thép” của người phụ nữ vốn đạt đến đỉnh quyền lực ở địa phương.

Với ông Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) khi nói lời sau cùng cũng thừa nhận lỗi lầm mình gây ra và cho rằng, ai sinh ra trên đời đều có những sai phạm nhưng cái sai của ông quá lớn, tước đi toàn bộ danh dự, sự nghiệp và tự do. Qua phiên tòa, ông hiểu hơn nhiều vấn đề trước đó chưa từng được rõ, nhận thức hơn nhiều điều mà khi ở cương vị cao chưa từng nghĩ đến. Hối hận khi mình đánh mất niềm tin, sự kỳ vọng mọi người, ông gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước, toàn thể nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Đặc biệt, khi nói về thủ trưởng cũ - cựu Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, ông Thành nhận xét, bà Lan là người phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt, con bị tật nguyền nhưng đã rất kiên cường, nghị lực trong công tác, chỉ đạo cấp dưới điều hành, phát triển kinh tế, xã hội tỉnh. Từ đó, ông mong muốn tòa có sự cân nhắc khi xem xét hình phạt.

Bị cáo Phạm Hoàng Anh (cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) giãi bày, trong suốt hơn 15 tháng bị tạm giam, bị cáo luôn cảm thấy đau khổ và rất ân hận về những hành vi sai phạm của mình. “Chúng tôi luôn thấy ân hận và có lỗi với nhân dân, với Đảng bộ và các thế hệ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, mong hội đồng xét xử và viện kiểm sát xem xét cho chúng tôi có cơ hội sớm được trở về với gia đình, trở thành công dân có ích” - bị cáo Hoàng Anh bày tỏ.

Còn với bị cáo Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi), ông cũng thừa nhận hành vi vi phạm như viện kiểm sát đã công bố. “Cuối cuộc đời, để xảy ra vi phạm về tội nhận hối lộ, tôi đã tự đánh mất phẩm giá, danh dự và uy tín của mình” - tay rung rung, ông nhìn lên hội đồng xét xử rồi nhìn sang những người bên cạnh, ở đó có bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan, Phạm Hoàng Anh, Lê Duy Thành...

Như vậy, trong phiên tòa này, không có sự đổ lỗi cho nhau, không có những cái lườm cay nghiệt, những oán hận, to tiếng “vì anh mà tôi phạm pháp” như từng xảy ra ở không ít phiên tòa xử quan chức tham nhũng trước đây. Trái lại, họ đều có cách nhìn cảm thông cho nhau, sẵn sàng nhận lỗi của mình và chia sẻ những khó khăn mà bị cáo khác phải gánh chịu khi vướng vòng tố tụng. Và, chính bị cáo được xác định vai trò chủ mưu là Nguyễn Văn Hậu thì trong suốt quá trình khai báo đến khi nói lời sau cùng, vị chủ doanh nghiệp từng nổi tiếng với “chị giơ ngón trỏ, em lo đủ triệu đô” cũng bày tỏ hối lỗi, sẻ chia với những bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh. Nguyễn Văn Hậu thừa nhận sự thật chỉ có một, tội và hành vi đã rõ. Hậu gửi lời xin lỗi đến 40 bị cáo khác trong vụ án và thân nhân của họ, bởi theo bị cáo, vì sai phạm của mình mà làm ảnh hưởng đến những người này. Tiếp tục giãi bày, Hậu bật khóc, kể về quãng đời với 30 năm sống bươn chải, đi buôn bán từ nhỏ và đây là lần khiến bị cáo hối hận nhất.

Lời sau cùng - sau cùng là bởi kết thúc lời nói ấy, một bản án sẽ được tuyên, cánh cổng ngoài đời tạm khép lại, cánh cổng trại giam mở ra. Pháp luật tố tụng hình sự quy định bị cáo được nói lời sau cùng trước tòa, sau khi kết thúc tranh tụng. Tôi không nghĩ rằng, lời sau cùng chỉ là sự bộc bạch, giãi bày của bị cáo hay chỉ để những người theo dõi phiên tòa “nghe cho biết”. Thực sự, đằng sau mỗi vụ án, đằng sau hành vi phạm tội và sự trừng phạt của luật pháp, đó là ý nghĩa cảnh tỉnh sâu xa, lời của một người mà có ý nghĩa thức tỉnh muôn người, thức tỉnh cho những ai đang đi trên con đường ấy, ngồi trên danh vọng và quyền lực, hãy biết tu chỉnh để ngẫm, để nghĩ chính bản thân mình, đừng phạm vào “lối ngược đường” như bị cáo đã phạm phải.

Những lời sau cùng để lại cho người đời nhiều suy ngẫm, nhiều trở trăn về quan trường, danh vọng, về thế sự cuộc sống. Làm quan, người ta có thể bị hoa mắt, bị mù quáng bởi những cám dỗ về tiền bạc, về tham vọng quyền lực, về những thứ đua chen, hơn thiệt, vì sự bao phủ của chủ nghĩa cá nhân. Nhưng, hôm nay đây, trước công đường, trước pháp luật, những bị cáo bị tước bỏ hết danh vọng, quyền lực, phải trả giá cho hành vi phạm tội thì lời sau cùng để lại là sự trăn trở, cả những xót xa, ân hận và nỗi niềm hướng về gia đình, tổ ấm, chốn quê...

Trước tòa, sự “bấu víu” giờ đây không còn là công trạng, là thành tích này kia. Mà ở một góc độ khác, rất con người, chẳng phân chia địa vị, quan chức hay dân thường: gia cảnh với mẹ già, con thơ, với ốm đau, bệnh tật, với nỗi lòng đớn đau khi đánh mất danh dự, đánh mất cơ đồ... Mà khi phải nói đến bệnh tật, nói đến tình cảnh bố mẹ già, con thơ, nói đến "neo đậu bến quê", ấy là lúc con người ta đã trở về với bản ngã của mình. Lúc trên đỉnh cao danh vọng, hẳn cái bóng của quyền lực và bổng lộc khiến nhiều quan chức đánh mất chính mình, dễ dẫn tới sự lạm dụng, khẳng định quyền uy mà coi nhẹ những điều tưởng như thân thiết, giản dị nhất. Gia đình, cha mẹ già, vợ và con thơ, lúc này đây, lúc sa cơ lạc bước thì chính đó là chốn con người ta cần quay về và tìm đến như một lẽ tự nhiên, như lúc còn thơ đói lòng ngả vào vòng tay của mẹ. Bởi thế, lời sau cùng của cá nhân, của từng bị cáo ở công đường cũng chính là lời để lại cho muôn người, rằng “đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận...”.

Đăng Trường

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/ngam-suy-loi-tho-than-truoc-cong-duong-i775922/