Ngăn chặn 'bàn tay đen' trong đấu giá tài sản

Sau 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp khẳng định hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ và hiệu quả.

Dù vậy, hoạt động này còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa thật sự hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật cao, như hiện tượng “đầu gấu”, “bảo kê”, dìm giá, trục lợi cá nhân dưới nhiều hình thức, kể cả từ phía người có tài sản bán đấu giá, từ phía đấu giá viên và những người có liên quan khác. Làm thế nào để ngăn chặn “bàn tay đen” này?

Nhiều thủ đoạn thâu tóm đấu giá

Sau khi vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (Đường “Nhuệ”)-Nguyễn Thị Dương, trú tại tổ 11, phường Kỳ Bá TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình bị truy tố, xét xử về nhiều tội danh, nhiều người dân và cán bộ địa phương cho biết thêm, hai đối tượng này thường đưa đàn em tới các cuộc đấu giá đất với mục đích thâu tóm. Có những cuộc đấu giá đất công khai, Dương cho đàn em “kèm” người mua hồ sơ, ép không cho người đấu giá bỏ giá hoặc đứng ra "đàm phán" để họ bỏ giá thấp, không còn đối thủ cạnh tranh... Hành vi này khiến tình hình an ninh-trật tự thêm phức tạp, người tham dự bỏ cuộc, không dám đấu giá. Với mỗi cuộc đấu giá như thế, vợ chồng Đường-Dương thường đấu trúng số lượng lớn, sau đó bán chênh kiếm lời hàng trăm triệu đồng.

Ảnh minh họa / baochinhphu.vn

Ảnh minh họa / baochinhphu.vn

Bên cạnh hành vi "đầu gấu" như vợ chồng Đường-Dương, theo cơ quan chức năng, thời gian qua, tình trạng sử dụng chiêu trò “quân xanh, quân đỏ” để thông đồng dìm giá cũng xảy ra phức tạp. Điển hình như đối tượng Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex sử dụng thủ đoạn này để thâu tóm nhiều khu đất tại Hà Nội. Như tại khu đất rộng 5ha ở xã Cổ Dương, huyện Đông Anh, TP Hà Nội để hoàn thiện chứng thư thẩm định giá, đối tượng này và đồng phạm đã lập khống 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ. Móc ngoặc với đối tượng, công ty thẩm định giá đã hạ giá thẩm định đất xuống còn hơn 17 triệu đồng/m2, giá thẩm định còn khoảng 300 tỷ đồng, thấp hơn 200 tỷ đồng so với thực tế. Sau khi Hội đồng thẩm định giá đất duyệt mức giá sàn là hơn 18 triệu đồng/m2 để tổ chức đấu giá, Nguyễn Thị Loan tiếp tục chỉ đạo thuộc cấp tại 3 công ty do mình thành lập nộp hồ sơ tham gia đấu giá khu đất trên. Với chiêu bài “quân xanh, quân đỏ” này, công ty do Nguyễn Thị Loan nắm quyền chi phối là Công ty Cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm đã trúng đấu giá khu đất với mức hơn 20 triệu đồng/m2. Chỉ sau một thời gian ngắn, đối tượng đã bán lại với giá cao nhất lên tới 110 triệu đồng/m2, thu lợi khoảng 200 tỷ đồng...

Bịt lỗ hổng pháp lý

Ngày 16-3-2022, trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, hạn chế. Một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản còn chưa chặt chẽ, chưa bảo đảm tính linh hoạt để xử lý các tình huống phát sinh trong đấu giá loại tài sản đặc biệt như quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, nước ta cũng chưa có quy định mang tính nguyên tắc về việc áp dụng đấu giá bằng hình thức trực tuyến đối với các tài sản công có giá trị cao như thông lệ đấu giá tài sản công của các nước trên thế giới...

Để hạn chế tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: “Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất; tăng cường mối quan hệ giữa tổ chức bán đấu giá với cơ quan công an để bảo đảm an ninh trật tự tại các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất; áp dụng linh hoạt hình thức đấu giá, mở rộng hình thức đấu giá trực tuyến...”.

Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích: “Thủ đoạn tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản rất tinh vi, khó phát hiện. Trong khi đó, các quy định liên quan tới đấu giá hiện nay chủ yếu là hướng dẫn thực hiện, chưa đi sâu vào việc phòng, chống tiêu cực trong hoạt động đấu giá. Việc chống tiêu cực trong hoạt động đấu giá phần nhiều mang tính nguyên tắc, thiếu các quy định, chế định cụ thể trong việc xử lý vi phạm. Vì thế, nếu người nào có ý định tiêu cực sẽ dễ làm cho hoạt động đấu giá bị thâu tóm và trở thành hình thức. Để ngăn chặn hành vi tiêu cực trong đấu giá tài sản, cần sửa đổi quy định theo hướng chặt chẽ, chi tiết từng hoạt động trong việc tổ chức đấu giá. Đặc biệt, phải có các quy định phòng, chống và xử lý các hành vi tiêu cực trong quá trình thực hiện quy trình tổ chức đấu giá”.

Trước những bất cập, hạn chế của Luật Đấu giá tài sản và Nghị định số 62/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2017/NĐ-CP. Theo tờ trình dự thảo, hình thức đấu giá mới, hiện đại, thông dụng trên thế giới là hình thức đấu giá trực tuyến sẽ được quy định cụ thể, rõ ràng hơn để mọi quy trình đấu giá đều thực hiện trên môi trường internet. Trước đó, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương đã áp dụng hình thức đấu giá này và được đánh giá khá hiệu quả, nhất là hạn chế được tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, “xã hội đen”... Tuy nhiên, do Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chưa đầy đủ về hình thức đấu giá này nên đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, không bảo đảm tính thống nhất trong thực tiễn tổ chức thực hiện, nhất là việc đấu giá tài sản công, tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị lớn.

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng cần phải sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản. Trong đó, quy định rõ ràng, chặt chẽ, hợp lý hơn về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế, thể chế và tăng cường đấu giá trực tuyến, thực hiện một số công việc qua môi trường mạng. Đồng thời, đề nghị các sở tư pháp tập trung đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các tổ chức có tài sản bán đấu giá tăng cường trách nhiệm, giám sát chặt chẽ quá trình bán đấu giá, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Đặc biệt là phải tham mưu cho UBND tỉnh vận hành cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động đấu giá trên địa bàn, đấu tranh phòng, chống hiệu quả hiện tượng “đầu gấu”, “bảo kê”, “quân xanh, quân đỏ”...

ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/ngan-chan-ban-tay-den-trong-dau-gia-tai-san-709530