Ngăn chặn biến tướng quà Tết

(HNM) - Chúc Tết vốn là một phong tục đẹp, là dịp để mọi người chia sẻ, bày tỏ tình cảm trong sáng, thân tình với nhau. Quà Tết tặng nhau, vì thế mang ý nghĩa tinh thần hơn giá trị vật chất. Thế nhưng, nét văn hóa truyền thống đó nay đã bị biến tướng thành chuyện “lễ lạt” với những động cơ không trong sáng. Thậm chí, những hành vi hối lộ, tham nhũng cũng được hợp thức một cách dễ chấp nhận nhất - quà Tết.

Quả thật, qua vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) tòa án vừa xét xử thì, giỏ trái cây cộng với phong bì hàng trăm nghìn đến hàng triệu USD có thể gọi là quà không?! Có khi, tặng và nhận quà Tết đúng nghĩa tình thân nhưng vẫn dễ mang tai tiếng thị phi, bị cho là tranh thủ, là tiêu cực… tạo ra những luồng dư luận không tốt.

Còn nhớ, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, năm nào Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương không biếu xén, không chúc Tết lãnh đạo. Chỉ thị 40-CT/TƯ của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2020 đã nêu rõ: "Tiếp tục thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐi/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức...".

Sau Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ký Chỉ thị số 33/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó, yêu cầu các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội... Và tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương mới đây, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh: "Tết không mang quà biếu ra Hà Nội, xe cộ ùn ùn đến nhà các lãnh đạo". Lời nhắc nhở của người đứng đầu Chính phủ cho thấy thái độ kiên quyết xóa bỏ nạn quà Tết biến tướng, nhưng để Thủ tướng vẫn phải nhắc thì có nghĩa tình trạng mang quà đi biếu và nhận quà vẫn còn.

Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về việc thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Theo đó, một trong những yêu cầu của lãnh đạo thành phố là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tuân thủ nghiêm các quy định về đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính...; nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên...; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị gương mẫu, nghiêm túc đi đầu trong việc thực hiện đón Tết Nguyên đán lành mạnh, tiết kiệm, an toàn, không xa hoa, lãng phí, phô trương, hình thức... Cũng như Hà Nội, nhiều địa phương khác cũng thực hiện điều này.

Thật mừng là câu chuyện quà Tết biến tướng đã được nhìn nhận và cảnh báo; tuy nhiên, thực tế ngăn chặn nạn quà Tết biến tướng không dễ, nhất là khi người cho, người nhận đều vui vẻ, chấp thuận. Vậy nên, bên cạnh các chỉ thị, yêu cầu của Đảng, của Chính phủ, sự giám sát của quần chúng, đảng viên, dư luận nhân dân, cũng cần thực hiện nghiêm các giải pháp kiểm soát, minh bạch thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức. Nói cách khác là làm sao để cán bộ, công chức "không cần, không muốn, không dám" nhận, không chỉ trong dịp Tết mà bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Ngăn chặn biến tướng của quà Tết, lợi dụng phong tục chúc Tết để trục lợi cá nhân, thiết nghĩ rất cần sự gương mẫu của người lãnh đạo, của cán bộ, công chức, viên chức vì tình trạng biến tướng trong tặng quà Tết thường chỉ liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn. Nếu người cán bộ có chức quyền, nhất là người đứng đầu, có bản lĩnh, nghiêm khắc, kiên quyết không nhận thì không cấp dưới nào dám tặng. Cán bộ cấp dưới có ý thức rèn luyện, phấn đấu, trách nhiệm với công việc, thay vì chỉ trông đợi vào sự nâng đỡ của cấp trên hay "mua bán", "đổi chác", thì việc gì phải lo "biếu xén". Đi cùng với đó là đã có không ít các quy định, quy chế giám sát của cấp ủy các cấp, của từng cơ quan mà trong đó đã có hình thức kỷ luật đối với việc nhận quà biếu sai trái, không trong sáng, mỗi cán bộ, đảng viên phải rất ý thức, không thể nói là không biết mà không thực hiện.

Tặng quà Tết không phải ai cũng vì ý đồ xấu. Dư luận chỉ lên án kiểu biếu xén bị biến tướng, không còn là sự thể hiện tình cảm thân tình của anh em, bè bạn... "Cài" vào gói quà Tết những tính toán, vụ lợi, tranh thủ lấy lòng, thì còn đâu nữa ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của chuyện quà Tết?

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/954787/ngan-chan-bien-tuong-qua-tet