Ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật

ĐTO - Ngày 25/12, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; các sở, ngành tỉnh có liên quan; Cục Quản lý thị trường Tỉnh; các cơ quan báo, đài của tỉnh và UBND huyện, thành phố quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 6/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ “về ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, đảm bảo nguồn cung thực phẩm” và Công văn số 9001/BNN-TY ngày 8/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm”.

UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch UBND huyện, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường kiểm soát vận chuyển trâu, bò, heo, gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các địa bàn tiếp giáp biên giới; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ tại địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, chính quyền địa phương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch bố trí mạng lưới các cơ sở giết mổ động vật theo quy định của Luật Thú y năm 2015, Luật Quy hoạch năm 2017 và các quy định liên quan.

Sở Giao thông vận tải tuyên truyền, triển khai các văn bản chỉ đạo về ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới đến các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh nắm, thực hiện. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp phối hợp các sở, ngành tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của việc nhập lậu, nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mất an toàn thực phẩm do vận chuyển trái phép, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng làm công tác thú y, công an, thanh tra giao thông lập các chốt kiểm soát, tổ kiểm soát lưu động để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch.

UBND huyện, thành phố tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Phối hợp với các đơn vị liên quan vận động, tuyên truyền người dân, đặc biệt ở khu vực biên giới chấp hành quy định về nghiêm cấm nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào tỉnh. Thành lập các đoàn kiểm tra, tổ chức ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý nghiêm những sai phạm trong buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; đôn đốc các đoàn liên ngành huyện, thành phố tăng cường kiểm tra các hoạt động kinh doanh, mua bán các ngành hàng thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp lễ hội cuối năm và dịp tết nguyên đán. Tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt ở khu vực biên giới chấp hành các quy định về nghiêm cấm nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào tỉnh; các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến có trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

PT

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/phap-luat/ngan-chan-nhap-lau-van-chuyen-trai-phep-dong-vat-va-san-pham-dong-vat-119160.aspx