Ngăn chặn thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật

Gần đây, liên tục các vụ phạm pháp hình sự do lứa tuổi thanh, thiếu niên gây ra trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên khiến người dân lo lắng, hoang mang. Không còn dừng lại ở những hành vi trộm cắp tài sản, ẩu đả, gây rối trật tự công cộng mang tính bột phát như trước, mà hiện nay, các đối tượng đều lên kế hoạch phạm tội, sẵn sàng sử dụng vũ khí có tính sát thương cao để giải quyết mâu thuẫn với nhau. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Đoàn Thanh niên xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường phối hợp với lực lượng công an tuyên truyền pháp luật cho đoàn viên thanh niên. Ảnh: Trường Khanh

Đoàn Thanh niên xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường phối hợp với lực lượng công an tuyên truyền pháp luật cho đoàn viên thanh niên. Ảnh: Trường Khanh

Từ tháng 8/2021 đến nay, trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên xảy ra 6 vụ gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản do 158 đối tượng thanh, thiếu niên gây ra. Trong đó, đã khởi tố 4 vụ với 69 bị can. Hiện đang tiếp tục điều tra 40 đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo cơ quan công an, tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Các nhóm thanh niên từ 14-18 tuổi tụ tập đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Các đối tượng ra tay một cách liều lĩnh, sẵn sàng đoạt đi mạng sống của người khác bằng dao, gươm, mã tấu…gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.

Trong hầu hết các vụ án này, nguyên nhân đều xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân. Sau đó, các đối tượng hô hào lập hội nhóm mang theo vũ khí rượt đuổi, thanh toán nhau để thể hiện bản lĩnh.

Đa phần các đối tượng đều thuộc diện chơi bời, thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình. Một số trường hợp do bố mẹ ly hôn, đã mất hoặc đang chấp hành án phạt tù, sống lang thang nên dễ bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia thực hiện hành vi phạm tội.

Nhiều trường hợp có đầy đủ cả bố và mẹ song do các bậc phụ huynh mải mê làm ăn, kiếm tiền, không quan tâm, quản lý chặt chẽ giờ giấc sinh hoạt của con. Chỉ đến khi cơ quan công an thông báo, gia đình mới biết con mình phạm tội.

Chị L.K.C có chồng đi làm ăn xa, chị làm công nhân tại Bắc Ninh nên cả hai vợ chồng thường xuyên vắng nhà. Con trai chị - cháu K, 15 tuổi được ông bà nội, ngoại trông nom. Khi nhận được thông báo của cơ quan công an, chị mới giật mình vì vẫn luôn nghĩ con mình ở nhà rất ngoan, biết thương bố mẹ.

Chị chia sẻ trong nước mắt: “Tôi thật sự bất ngờ lắm, vì thi thoảng gọi điện về, cháu vẫn nói ở nhà với ông bà rất ngoan. Còn biết dặn tôi giữ gìn sức khỏe. Khi nhận được tin con phạm tội, tôi không tin nổi vào tai mình. Để kiếm được đồng tiền tôi đã đánh mất con mình”.

Có lẽ, trong hàng trăm đối tượng thanh, thiếu niên bị bắt giữ, có không ít những hoàn cảnh gia đình như chị C. Sau những giọt mồ hôi là nước mắt đắng cay, muộn màng của bậc làm cha, làm mẹ khi con mình sa vào con đường tội lỗi.

Theo các chuyên gia tâm lý, lứa tuổi thanh, thiếu niên là một trong những giai đoạn nhạy cảm. Các em đang trong quá trình phát triển toàn diện, hoàn thiện cái tôi, tâm lý có nhiều thay đổi, do đó, bên cạnh sự quan tâm, quản lý từ phía gia đình thì nhà trường là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần xây dựng, hình thành nhân cách của học sinh.

Ngay từ đầu năm học 2022-2023, Sở GDĐT đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh triển khai cho học sinh viết cam kết về việc tuân thủ các quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức những chương trình ngoại khóa bổ ích để trang bị kiến thức pháp luật cho học sinh.

Những đơn vị phát hiện học sinh cá biệt có biểu hiện vi phạm pháp luật cần kịp thời nhắc nhở, thông tin và phối hợp với gia đình để có biện pháp quản lý chặt chẽ.

Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Quế (huyện Sông Lô) Nguyễn Xuân Thu cho biết: Ngày nay, học sinh ở quê cũng có điều kiện để sớm tiếp cận với mạng xã hội, do đó, rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu, độc.

Để sát cánh cùng với gia đình chăm lo, giáo dục các em, nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật để nâng cao nhận thức. Phối hợp với các ban, ngành tổ chức tuyên truyền pháp luật, trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết, thích nghi với môi trường xã hội.

Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo các thầy, cô giáo chủ nhiệm quản lý chặt chẽ học sinh; có sự quan tâm đúng mức cho việc giáo dục, giúp đỡ học sinh cá biệt. Thường xuyên trao đổi thông tin giữa gia đình và nhà trường để phát hiện những dấu hiệu tiêu cực, ngăn chặn nguy cơ các em bị dụ dỗ, lôi kéo, dẫn đến vi phạm pháp luật.

Một trong những giải pháp được Công an thành phố Vĩnh Yên chú trọng là xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ tự quản về ANTT; mô hình quản lý, giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp triển khai đồng bộ nhiều kế hoạch, giải pháp hiệu quả về đảm bảo ANTT; phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên... nhằm huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng, giúp các em được sống trong gia đình hạnh phúc, có nền tảng văn hóa, giáo dục, từ đó, hình thành nhân cách tốt cho bản thân.

Hơn ai hết, gia đình, phụ huynh vì tương lai con em mình hãy dành thời gian quan tâm, chia sẻ, kịp thời uốn nắn, giáo dục các em phát triển đúng hướng; không bị lệch lạc về nhận thức và bị dụ dỗ, lôi kéo vào con đường phạm tội.

Lê Minh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/83130/ngan-chan-thanh-thieu-nien-vi-pham-phap-luat.html