Ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển chất thải chăn nuôi

Dù dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn; lở mồm long móng trên đàn trâu, bò; dịch cúm trên đàn gia cầm, thủy cầm trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát song nguy cơ dịch tái phát, lan rộng vẫn tiềm ẩn do các nhà vườn, trang trại trồng cây ăn quả đi thu mua, vận chuyển chất thải, chất độn chăn nuôi ở khắp nơi đưa về để bón cho cây trồng.

Dọc theo các xã Tân Thành, Phù Lưu, Minh Dân (Hàm Yên) không khó để bắt gặp những bao tải phân chuồng chưa hoai mục được tập kết thành từng đống để bón cho cây cam, chanh sau khi thu hoạch.

Ông Phạm Văn Hùng, thôn Trung Tâm, xã Minh Dân (Hàm Yên) cho biết, toàn bộ nguồn phân chuồng gồm: Phân gà, phân bò... được mua từ trang trại ở các tỉnh miền xuôi lên để bón cho cây trồng của gia đình. Không chỉ phục vụ mục đích của gia đình, ông Hùng còn là đầu mối cung ứng, vận chuyển phân chuồng cho các nhà vườn, chủ trang trại trồng cam trên địa bàn xã Minh Dân, Phù Lưu.

Ông Ma Quang Hưng, cán bộ Thú y xã Minh Dân (Hàm Yên) cho biết, bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy hầu hết nguồn phân, chất độn chuồng trại do ông Hùng cung ứng, vận chuyển về để bón cho cây trồng của gia đình cũng như các hộ dân lân cận đều chưa được xử lý, ủ hoai mục. Ông Hưng lo ngại, nếu nguồn phân, chất độn này tỏa ra môi trường sẽ gây ra những khó khăn trong việc kiểm soát dịch cúm gia cầm vốn đã xuất hiện ở xã.

Phân chuồng, chất độn chuồng trại được thu mua từ các tỉnh miền xuôi tập kết ở các vườn,đồi chuẩn bị bón cho cây trồng. Ảnh chụp tại thôn Trung Tâm, xã Minh Dân (Hàm Yên).

Không riêng ở Hàm Yên, tại các vườn, đồi, trang trại trồng cây ăn quả thuộc các xã Thắng Quân, Tứ Quận, Phúc Ninh, Xuân Vân (Yên Sơn), tình trạng các nhà vườn thu mua phân chuồng ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên... về để bón cho cây trồng diễn ra khá phổ biến. Ông Hán Quang Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Quận cho rằng, bà con sử dụng phân chuồng chăm bón cho cây trồng là rất tốt, tuy nhiên nếu không được ủ kỹ, xử lý đảm bảo vệ sinh thì lại là nguồn lây lan, phát tán dịch bệnh.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có khoảng 20.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó nhiều nhất là cây có múi, gồm cam, bưởi. Việc sử dụng phân chuồng đã qua xử lý bằng phương pháp ủ men vi sinh được đánh giá là có nhiều lợi ích, tốt cho cây ăn quả, không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng, loại phân bón này còn giúp cải tạo, làm tơi, xốp đất.

Thực tế những năm gần đây thay vì tập trung bón phân tổng hợp các nhà vườn, trang trại đã tận dụng nguồn phân, chất độn chuồng trại trong chăn nuôi để làm phân bón cho cây trồng. Chưa có con số thống kê chính thức song mỗi năm lượng phân chuồng được nhập từ các tỉnh, thành phố về tỉnh là rất lớn. Trong thời điểm bệnh dịch diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm có chiều hướng lan rộng, nguồn phân chuồng, chất độn được thu mua ở những địa phương có dịch, không được ủ kỹ thì đây là mối nguy hại rất lớn đối với ngành chăn nuôi của tỉnh cũng như môi trường sống của cộng đồng.

Ngăn chặn, kiểm soát tình trạng mua, bán phân, chất độn chuồng trại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị, phòng chuyên môn, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không thu, mua phân chuồng, chất độn chuồng trại từ nơi khác vào tỉnh, đặc biệt là các tỉnh chưa được kiểm soát được dịch. Phân, chất độn chuồng trại nếu được thu mua về phải được xử lý, ủ hoai mục trước khi bón cho cây trồng; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, ủ phân để tránh dịch bệnh phát sinh và lan rộng.

Bài, ảnh: Tuấn Hùng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/ngan-chan-tinh-trang-mua-ban-van-chuyen-chat-thai-chan-nuoi-127186.html