Ngân hàng đóng góp quan trọng phát triển Đà Nẵng

Ngày 28/8, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa có buổi làm việc với ngành Ngân hàng Đà Nẵng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc NHNN Đà Nẵng Võ Minh cho biết, thời gian qua chi nhánh thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Thống đốc NHNN thực hiện quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối trên địa bàn và thực hiện một số nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương theo ủy quyền của Thống đốc NHNN.

Hiện Đà Nẵng có 58 chi nhánh TCTD và 248 phòng giao dịch và chi nhánh cấp II; với đa dạng về loại hình hoạt động và hình thức pháp lý. Đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn khoảng 129.317 tỷ đồng, tăng 2,86% so với cuối năm 2018. Tiền gửi từ dân cư khoảng 89.961 tỷ đồng, chiếm 69,57%, tăng 4,81% so với năm 2018; tiền gửi từ tổ chức kinh tế 39.356 tỷ đồng chiếm 30,43%, giảm 1,35%.

Hoạt động cho vay của các TCTD trên địa bàn có mức tăng trưởng tốt. Dư nợ cho vay trong 6 tháng đầu năm 2019, khoảng 168.148 tỷ đồng, tăng 12,09% so với cuối năm 2018, tăng 29,91% so với cùng kỳ. Trong đó, cho vay ngắn hạn tăng 25,72%, cho vay trung dài hạn tăng 32,58%, cho vay bằng VND tăng 31,12%, cho vay bằng ngoại tệ giảm 0,57%. Cơ cấu tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, các ngành nghề thế mạnh của địa phương, các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Đặc biệt, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng được kiểm soát nhưng vẫn đảm bảo nguồn cung vốn cho nhu cầu thực của người dân và tổ chức kinh tế.

Về chất lượng tín dụng, đến cuối tháng 6/2019 nợ quá hạn của các chi nhánh TCTD trên địa bàn 4.865 tỷ đồng, chiếm 2,89% trên tổng dư nợ. Đến 30/5/2019, nợ xấu trong và ngoài bảng cân đối kế toán của các chi nhánh TCTD trên địa bàn 3.882 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,34% trên tổng dư nợ tháng 5/2019.

Thời gian qua, ngành Ngân hàng Đà Nẵng tích cực phối hợp với các ban, ngành và chính quyền địa phương trong việc thực thi Nghị quyết 42 để xử lý nợ xấu. Kết quả xử lý nợ xấu bằng hình thức khách hàng trả nợ chiếm tỷ lệ gần 50% tổng khoản nợ đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán. Điều này cho thấy Nghị quyết 42 phát huy hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.

Tuy nhiên, số nợ xấu mới phát sinh tập trung tại một số DN, dự án như Nhà máy Thép DaNa - Ý, DaNa - Úc, dự án bất động sản Đa Phước, dự án Sân vận động Chi Lăng liên quan đến Tập đoàn Thiên Thanh… chưa được xử lý. Bên cạnh đó, hiện các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc xử lý nợ xấu liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ trong việc sai phạm đất đai của Đà Nẵng.

Đơn cử, theo Giám đốc Agribank Đà Nẵng Trần Ngọc Ân, hiện Agribank Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu nợ tại Nhà máy Thép DaNa - Ý với khoản nợ phát sinh sau khi chính quyền thành phố buộc DN này dừng hoạt động khoảng 174 tỷ đồng. Vì thế, chi nhánh hiện đang phải trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến lương của cán bộ công nhân viên toàn chi nhánh.

Trước khó khăn này, chi nhánh đề nghị, chính quyền Đà Nẵng sớm có hướng giải quyết để giúp nhà máy đi vào hoạt động theo kiến nghị của DN là chỉ cán thép, không luyện thép như trước nên không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, giải quyết xử lý vướng mắc trong lĩnh vực đất đai theo hướng của DN đề xuất với chính quyền Đà Nẵng…

Tương tự, hiện BIDV Hải Vân cũng đang vướng mắc trong việc thu hồi nợ tại Nhà máy Thép DaNa - Úc và DaNa - Ý, với khoản nợ 216 tỷ đồng, hiện 2 nhà máy thép này không có nguồn thu nên ngân hàng rất khó khăn trong công tác thu hồi nợ vay.

Ông Nguyễn Hữu Hòa - Giám đốc BIDV Hải Vân chia sẻ, việc 2 nhà máy thép nói trên dừng hoạt động theo yêu cầu của thành phố khiến DN không có nguồn thu để trả nợ, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng tại chi nhánh. Cùng với đó, chi nhánh có 2 tàu cá vay vốn theo Nghị định 67 hiện không ra khơi cũng đang phát sinh nợ xấu, với 2 hợp đồng vay vốn khoảng 34 tỷ đồng.

Vì thế, chi nhánh đề nghị chính quyền Đà Nẵng cần hỗ trợ để 2 nhà máy thép hoạt động, hoặc di dời để có nguồn thu trả nợ ngân hàng. Cùng với đóng hỗ trợ kiểm kê, giám sát tàu cá theo Nghị định 67 đôn đốc các hộ dân tích cực trả nợ ngân hàng…

Đối với Vietcombank Đà Nẵng, chi nhánh luôn đi đầu trong hoạt động cho vay DN và các lĩnh vực ưu tiên. Hiện chi nhánh có tổng dư nợ gần 11.200 tỷ đồng; trong đó cho vay lĩnh vực ưu tiên trên 5.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quang Việt - Giám đốc chi nhánh cho biết, hiện Vietcombank đang gặp khó và vướng mắc tại dự án Đa Phước, liên quan đến hoạt động thanh tra và những sai phạm về đất đai của Đà Nẵng. Do đó, hiện khoản vay 228 tỷ đồng của chủ đầu dự án này đang phát sinh nợ xấu. Vì vậy, chi nhánh đề nghị chính quyền Đà Nẵng cần có giải pháp và đẩy nhanh tiến độ xử lý về thủ tục liên quan đến những sai phạm về đất đai. Để khơi thông hoạt động của dự án, tạo điều kiện cho ngân hàng có cơ hội thu hồi nợ…

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Quang Nghĩa biểu dương và đánh giá cao những đóng góp của NHNN chi nhánh Đà Nẵng nói riêng, ngành Ngân hàng Đà Nẵng nói chung trong việc đảm bảo vốn cho DN và người dân phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng phát triển Đà Nẵng.

Đối với các kiến nghị liên quan đến việc giải quyết những vướng mắc khó khăn của các NHTM, ông Nghĩa cho biết, Thành ủy đã chỉ đạo chính quyền và các ngành liên quan thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ đối với việc xử lý những sai phạm liên quan trong lĩnh vực đất đai. Đặc biệt, thành phố sẽ chỉ đạo các ngành thực thi pháp luật phải tích cực vào cuộc hỗ trợ ngành Ngân hàng xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội.

Về định hướng hoạt động ngân hàng thời gian tới, ông Nghĩa đề nghị NHNN Đà Nẵng phải tích cực tham mưu cho chính quyền thực hiện công tác quản lý và quản lý chặt chẽ hoạt động ngân hàng trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo các TCTD đảm bảo vốn cho nền kinh tế, DN và người dân phát triển kinh tế, trong đó cần tập trung đầu tư vốn cho lĩnh vực du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Về phía các TCTD trên địa bàn cần thống nhất xây dựng các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt bằng các phương thức như thanh toán thẻ, thanh toán online…

“Đà Nẵng là thành phố du lịch, do đó, các ngân hàng phải hết sức quan tâm trang bị các thiết bị thanh toán cho hệ thống khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại mua sắm, siêu thị để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách du lịch. Vừa tiện lợi, nhà nước vừa kiểm soát được doanh thu của tổ chức kinh tế, vừa đảm bảo không thất thu thế, tránh gian lận thương mại, chuyển tiền ra nước ngoài. Qua đó, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý du lịch và chính quyền quản lý được các tour giá rẻ, không đồng…”, ông Nghĩa nhấn mạnh

Công Thái

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-dong-gop-quan-trong-phat-trien-da-nang-91548.html