Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực II: Mở lối huy động vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực II cho biết, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá thông qua việc tiếp cận vốn vay ưu đãi và giải pháp ngân hàng số hiện đại.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực II tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp giúp giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Ảnh: LẠC NGUYÊN
PV: Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khu vực II đã triển khai những chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại TP.Hồ Chí Minh tiếp cận vốn vay ưu đãi trong năm 2025?

Ông Nguyễn Đức Lệnh: Để hỗ trợ DNNVV, NHNN chi nhánh khu vực II tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất tối đa 4%/năm cho khoản vay ngắn hạn bằng tiền đồng, thấp hơn đáng kể so với thị trường. Các ngành ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, lâm sản, thủy sản được hưởng lãi suất thấp hơn 1-2% so với mức trung bình, giúp giảm gánh nặng tài chính.
Theo Nghị quyết 68 -NQ/TW của Bộ Chính trị có yêu cầu đổi mới phương thức cho vay, như dựa trên dòng tiền hoặc tín chấp, đồng thời ứng dụng công nghệ số để đơn giản hóa quy trình. Ngành Ngân hàng phối hợp đẩy mạnh cơ chế chia sẻ thông tin giữa hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan liên quan nhằm đảm bảo thống nhất dữ liệu về tình hình hoạt động và tài chính của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh làm cơ sở tăng cường cho vay đối với DNNVV và hộ kinh doanh. Từ đó giúp ngân hàng thương mại thẩm định nhanh chóng, đảm bảo DNNVV đủ điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi hơn để tăng trưởng và phát triển.
Hướng tới các sản phẩm tín dụng số hóa
Thực hiện Nghị quyết 68 -NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, NHNN hướng tới các sản phẩm tín dụng số hóa, như nền tảng cho vay trực tuyến, giúp DNNVV tiếp cận vốn dễ dàng và nâng cao năng lực quản trị để đáp ứng yêu cầu tín chấp trong bối cảnh kinh tế số.
PV: Nhiều DNNVV phản ánh khó khăn trong việc tiếp cận vốn do thiếu thông tin hoặc không có tài sản thế chấp. Vậy NHNN chi nhánh Khu vực II có giải pháp nào để tháo gỡ những vướng mắc này?
Ông Nguyễn Đức Lệnh: Chúng tôi nhận thấy vẫn còn DNNVV chưa nắm rõ thông tin về các chương trình tín dụng ưu đãi hoặc gặp khó trong việc hoàn thiện hồ sơ vay vốn. NHNN chi nhánh Khu vực II đã, đang và sẽ tiếp tục tổ chức các buổi gặp gỡ trực tiếp giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại để giải đáp thắc mắc, hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đồng thời chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các Ngân hàng thương mại (NHTM) tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước hoặc của chính bản thân NHTM đến cộng đồng doanh nghiệp cũng như các DNNVV.
Thêm vào đó, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các sở, ngành, chính quyền thành phố để thông tin về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của ngành Ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2025.
Đối với các vấn đề về cơ chế, chúng tôi sẽ có phản ánh, kiến nghị lên NHNN trung ương các đề xuất hay vướng mắc của doanh nghiệp liên quan cơ chế chính sách lĩnh vực ngân hàng để xem xét và xử lý điều chỉnh phù hợp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm hiểu thông tin qua website của các ngân hàng thương mại, nơi công bố chi tiết các gói tín dụng. Quan trọng nhất, doanh nghiệp cần đảm bảo sổ sách kế toán rõ ràng, tuân thủ pháp luật để tạo niềm tin, giúp ngân hàng dễ dàng phê duyệt vốn mà không cần phụ thuộc hoàn toàn vào tài sản thế chấp.
PV: Về cho vay tín chấp, một giải pháp được DNNVV kỳ vọng, NHNN có những chính sách cụ thể nào để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hình thức này?
Ông Nguyễn Đức Lệnh: Cho vay tín chấp dựa trên uy tín và khả năng tạo dòng tiền của doanh nghiệp. DNNVV cần có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, báo cáo tài chính được kiểm toán và các hợp đồng kinh doanh hoặc xuất khẩu cụ thể để ngân hàng đánh giá. Hiện nay, Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi quy định lập hóa đơn cho hoạt động cho vay có hiệu lực từ 1/6/2025 có thể sẽ là “cú huých” mạnh mẽ để hoạt động của doanh nghiệp minh bạch hơn.
NHNN đang khuyến khích ngân hàng thương mại phát triển các sản phẩm tín dụng dựa trên dòng tiền, như tài trợ vốn lưu động dựa trên hợp đồng bán hàng, thay vì yêu cầu tài sản thế chấp.
PV: Trong bối cảnh chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ, NHNN chi nhánh Khu vực II đã hỗ trợ DNNVV như thế nào để tích hợp các giải pháp ngân hàng số, chẳng hạn như thanh toán không dùng tiền mặt?
Ông Nguyễn Đức Lệnh: NHNN chi nhánh khu vực II đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo các ngân hàng thương mại cung cấp các dịch vụ ngân hàng số, như cổng thanh toán điện tử, ví doanh nghiệp, hoặc nền tảng quản lý tài chính trực tuyến, giúp DNNVV giảm thời gian giao dịch và tối ưu hóa dòng tiền. Ví dụ, thanh toán không dùng tiền mặt giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí logistics và tăng tốc độ thanh toán với đối tác.
Chúng tôi tổ chức các hội thảo, chương trình đối thoại để hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ này, đồng thời cung cấp tài liệu qua kênh chính thức như website NHNN. Chuyển đổi số không chỉ giúp DNNVV vận hành hiệu quả mà còn tăng khả năng cạnh tranh, đặc biệt khi TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế số vào năm 2025.
PV: Trước thách thức của tội phạm công nghệ cao và những khó khăn trong bối cảnh kinh tế năm 2025, NHNN chi nhánh Khu vực II có những biện pháp gì để đảm bảo an toàn cho DNNVV khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số và hỗ trợ họ vượt qua các khó khăn hiện nay?
Ông Nguyễn Đức Lệnh: Về an toàn ngân hàng số, các dịch vụ hiện nay được bảo mật cao, nhưng DNNVV cần bảo mật thông tin tài khoản; thông tin cá nhân người đại diện pháp luật để xác thực sinh trắc học và giao dịch thanh toán điện tử.
Trong bối cảnh kinh tế 2025, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn, vì vậy NHNN chi nhánh khu vực II tiếp tục phối hợp với chính quyền và ngân hàng thương mại tổ chức các chương trình kết nối, đối thoại để nắm bắt khó khăn của DNNVV, như hỗ trợ vốn lưu động hoặc tư vấn chuyển đổi số.
Gần đây, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường tài chính ổn định cho doanh nghiệp. DNNVV cần cải thiện quản trị, công khai sổ sách để tận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ, từ đó phát triển bền vững trong nền kinh tế số hóa.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn và tham gia triển lãm phát triển kinh doanh bền vững
Ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Huba) cho biết, trung tâm đang triển khai một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong việc tiếp cận vốn và tham gia các hoạt động triển lãm. Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố hướng dẫn thủ tục vay vốn trực tuyến từ Quỹ Phát triển Doanh nghiệp. Thông tin này đã được phổ biến trong hệ thống Huba, nhưng nếu doanh nghiệp quan tâm, có thể liên hệ Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh để được hướng dẫn chi tiết, hiện tại đường dẫn đăng ký trực tuyến đang được cập nhật. Đây là một kênh quan trọng để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng vừa làm việc với đoàn Trung Quốc về hội chợ triển lãm diễn ra từ ngày 1 đến 5 tháng 12/2025 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quang Trung, nơi doanh nghiệp sẽ được hướng dẫn bán hàng qua thương mại điện tử với các mặt hàng tiêu dùng đa dạng.
Về hỗ trợ vốn ngân hàng, trung tâm cung cấp thông tin về các gói vay lãi suất thấp, kết nối doanh nghiệp có nhu cầu vay với các ngân hàng phù hợp, đồng thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong thủ tục vay hoặc các vấn đề liên quan đến nợ cũ bằng cách phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực II.