Ngân hàng quan tâm việc xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu

Vấn đề được nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) quan tâm nhất liên quan đến việc xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu; hoạt động ngân hàng cũng đặt ra yêu cầu tách bạch việc nhận tiền gửi/cho vay của các TCTD với nhau và với các tổ chức không phải TCTD.

Tại Tọa đàm góp ý dự thảo Luật các TCTD sửa đổi do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức ngày 8/3 để lấy ý kiến các bên liên quan, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận định, các quy định của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chứng minh được sự phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu quản lý và định hướng cho hoạt động, phát triển các TCTD trong một thời kỳ khá dài, góp phần tạo sự ổn định về môi trường pháp lý cho hoạt động ngân hàng.

Vấn đề được nhiều tổ chức tín dụng kiến nghị sửa đổi tại Luật các tổ chức tín dụng là việc xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu.

Vấn đề được nhiều tổ chức tín dụng kiến nghị sửa đổi tại Luật các tổ chức tín dụng là việc xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu.

Tuy nhiên, qua 12 năm thực hiện, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hoạt động của các TCTD đã có nhiều phát triển nên Luật các TCTD đã bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước.

Tại tọa đàm, vấn đề được nhiều TCTD quan tâm nhất liên quan đến việc xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu.

Theo quy định hiện hành, TCTD được quyền nắm giữ bất động sản khi người vay thế chấp cấn trừ nợ, tuy nhiên trong vòng 3 năm phải bán đi, hoặc phải mua lại để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc. Nhưng thực tế, nhiều bất động sản không dễ bán, nhất là những bất động sản có giá trị lớn như tòa chung cư. Ngân hàng nếu mua lại thì không có nhu cầu làm trụ sở kinh doanh, bán lại không tìm được người mua, hoặc có thể bị thấp hơn giá trị cấn trừ nợ, vì vậy đã phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai.

Ngoài ra, hoạt động ngân hàng cũng đặt ra yêu cầu tách bạch việc nhận tiền gửi/cho vay của các TCTD với nhau và với các tổ chức không phải TCTD.

Nhiều nội dung khác cũng được thảo luận như các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành và hoạt động của TCTD tồn tại một số vướng mắc với các Luật khác: Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã; một số nghiệp vụ của TCTD chưa được quy định tại Luật các TCTD gây khó khăn trong việc thực hiện, ví dụ như: hoạt động ngân quỹ, hoạt động giao đại lý thanh toán…

Đồng thời, Luật các TCTD còn một số tồn tại, hạn chế khác như các hoạt động của TCTD cần tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế, ví dụ: quy định về thư tín dụng (L/C); quy định về nhận tiền gửi giữa các TCTD,…

Luật các TCTD được ban hành từ năm 2010, cho đến nay, các Luật liên quan đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… Do đó, một số quy định tại Luật các TCTD cần xem xét sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất với các quy định của các Luật nói trên.

T.H

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ngan-hang-quan-tam-viec-xu-ly-tai-san-dam-bao-cua-cac-khoan-no-xau-1091229.html