Ngân hàng tăng phát hành trái phiếu, chủ động vốn trung, dài hạn
Theo số liệu thống kê từ FiinRatings, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 6 đạt 105,5 nghìn tỷ đồng, tăng 52,4% so với tháng trước. Tốc độ tăng trưởng này cho thấy xu hướng phục hồi rõ ràng của thị trường sau giai đoạn suy giảm trong năm 2023 và đầu năm 2024. Đáng chú ý, các NHTM là nhóm phát hành chủ đạo trong 6 tháng đầu năm, với tổng giá trị 189,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,3% tổng lượng phát hành.
Đánh giá về triển vọng thị trường, CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) nhận định, thị trường trái phiếu đang bước vào giai đoạn ổn định trở lại, với các tín hiệu tích cực như thanh khoản được cải thiện, tiến độ xử lý nợ được đẩy nhanh và hoạt động phát hành mới trở nên sôi động hơn. Tổ chức này cũng dự báo, các ngân hàng sẽ tiếp tục là lực đẩy chính của thị trường trong thời gian tới, với kế hoạch phát hành trái phiếu có thể lên tới gần 200.000 tỷ đồng cho cả năm 2025.
Thực tế, từ đầu tháng 7 đến nay một loạt nhà băng đã thông báo tiếp tục phát hành trái phiếu ra công chúng. Đơn cử như BAC A BANK cho biết, từ ngày 4/8/2025, ngân hàng này chính thức chào bán 15 triệu trái phiếu phát hành ra công chúng lần 2, đợt 3 với tổng giá trị chào bán 1.500 tỷ đồng. HDBank cũng vừa chính thức thông báo chào bán trái phiếu ra công chúng lần 2 với tổng quy mô 50 triệu trái phiếu, mỗi trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng, ngân hàng này kỳ vọng thu về 5.000 tỷ đồng.

LPBank cũng vừa công bố kế hoạch chào bán 40 triệu trái phiếu đợt 2, với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Ngân hàng cho biết số vốn huy động từ các đợt phát hành này sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn, qua đó phục vụ nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động, tăng vốn cấp 2, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN, đồng thời đáp ứng nhu cầu vay vốn trung - dài hạn của khách hàng.
Có thể thấy, nhu cầu phát hành trái phiếu của các ngân hàng chủ yếu nhằm bổ sung vốn cấp 2 trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao, trong khi tốc độ huy động tiền gửi có dấu hiệu chậm lại. Theo NHNN, tính đến ngày 30/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và tăng 19,32% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó, tốc độ tăng tiền gửi còn khiêm tốn. Tính đến cuối tháng 4/2025, tổng tiền gửi của khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng đạt gần 15,2 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 1,4% so với tháng trước đó.
Diễn biến này cho thấy tốc độ huy động vốn đang không theo kịp đà tăng trưởng tín dụng, từ đó càng làm gia tăng áp lực đối với cân đối nguồn vốn của các ngân hàng và thúc đẩy nhu cầu phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn trung, dài hạn một cách bền vững hơn.
Ngoài ra, việc đáp ứng các chỉ tiêu an toàn theo quy định như tỷ lệ an toàn vốn (CAR), tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và hệ số dư nợ cho vay so với huy động vốn (LDR) cũng là những yếu tố thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong thời gian qua.
Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, phát hành trái phiếu ra công chúng là một trong những kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả đối với các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. Lợi ích lớn nhất của kênh này là giúp ngân hàng gia tăng nguồn vốn có kỳ hạn dài, từ đó cải thiện cơ cấu vốn và phục vụ tốt hơn cho nhu cầu tín dụng dài hạn của nền kinh tế. Đồng thời, việc phát hành trái phiếu cũng giúp các ngân hàng tái cấu trúc, cơ cấu tài sản và nguồn vốn theo hướng cân đối và bền vững hơn, giảm phụ thuộc vào vốn ngắn hạn, phù hợp với lộ trình giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của NHNN.
Ngoài ra, trái phiếu thường được phát hành với quy mô lớn giúp tối ưu hóa chi phí huy động. Khi phát hành hiệu quả, ngân hàng không chỉ giảm được chi phí vốn mà còn có thể nâng cao vị thế trên thị trường vốn, góp phần đa dạng hóa kênh huy động, bên cạnh nguồn tiền gửi truyền thống từ dân cư và tổ chức kinh tế.
Tuy nhiên, để phát hành trái phiếu hiệu quả, ông Bình cho rằng các ngân hàng cần lưu ý một số yếu tố quan trọng. Thực tế, vốn huy động từ trái phiếu có thời hạn dài, vì vậy ngân hàng cần có kế hoạch sử dụng vốn tương ứng vào các dự án hoặc khoản cho vay có khả năng sinh lời bền vững, đảm bảo dòng tiền trả lãi và gốc đúng hạn. Đồng thời, xây dựng chiến lược quản trị thanh khoản phù hợp để tránh rủi ro mất cân đối dòng tiền. Điều này đòi hỏi ngân hàng phải nâng cao năng lực thẩm định, lựa chọn dự án, kiểm soát rủi ro tín dụng một cách chặt chẽ.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần chú trọng tăng cường minh bạch thông tin và nâng cao uy tín phát hành - yếu tố then chốt để thu hút nhà đầu tư trên thị trường. Một sản phẩm trái phiếu có thông tin minh bạch, được đánh giá cao về độ an toàn và khả năng thanh toán sẽ dễ dàng tạo được niềm tin với nhà đầu tư, từ đó nâng cao tính thanh khoản và giá trị thị trường của trái phiếu.