Ngân hàng top sau bứt phá mạnh mẽ

Bức tranh tín dụng 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận sự bứt phá của nhóm ngân hàng top 2,3 và đặc biệt là những nhà băng trong diện tái cơ cấu.

Tín dụng tăng tốc, nhóm tái cơ cấu vượt kỳ vọng

Sáu tháng đầu năm 2025, thị trường tín dụng ghi nhận bước tiến ngoạn mục, không chỉ về quy mô mà còn ở chất lượng tăng trưởng. Dư nợ toàn hệ thống ngân hàng cán mốc hơn 17,2 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng gần 10% so với cuối năm 2024, một con số cho thấy dòng vốn đã được khơi thông mạnh mẽ, vượt xa kỳ vọng của giới chuyên môn lẫn thị trường. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn những bất ổn tiềm tàng, động lực đến từ chính sách điều hành linh hoạt và sự thích ứng năng động của các ngân hàng thương mại Việt Nam được xem là điểm tựa quan trọng để tín dụng quay lại vai trò “mạch máu chủ lực” thúc đẩy tăng trưởng.

Sáu tháng đầu năm 2025, thị trường tín dụng ghi nhận bước tiến ngoạn mục, không chỉ về quy mô mà còn ở chất lượng tăng trưởng. Ảnh minh họa

Sáu tháng đầu năm 2025, thị trường tín dụng ghi nhận bước tiến ngoạn mục, không chỉ về quy mô mà còn ở chất lượng tăng trưởng. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, bên cạnh những “ông lớn” vốn đã quen mặt trên thị trường, nhóm ngân hàng top 2, 3 cùng các tổ chức tín dụng trong diện tái cơ cấu hoặc tự tái cơ cấu lại cho thấy sức bật mạnh mẽ. Nhiều đơn vị thậm chí tăng trưởng vượt trung bình ngành, thể hiện nội lực cải thiện đáng kể về quản trị, chất lượng tài sản, hiệu quả sử dụng vốn.

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) là một ví dụ. Hoạt động tái cơ cấu ngân hàng theo lộ trình tại Phương án cơ cấu lại tầm nhìn tới 2030 của nhà băng này đang đi đúng hướng với kết quả tăng trưởng tốt dần qua từng tháng. Cụ thể, trong quý 2/2025, ngân hàng tiếp tục lợi nhuận dương sau thuế, ước đạt hơn 311 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, lợi nhuận sau thuế của NCB ước đạt hơn 462 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 6 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2024. Tổng tài sản tại 30/06/2025 ước đạt hơn 144.054 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cuối năm 2024 và vượt 6,3% so với mức kế hoạch cả năm 2025 là 135.500 tỷ đồng. Tổng thu nhập lãi thuần của NCB 6 tháng đầu năm ước đạt 1.262,5 tỷ đồng, tăng 155% so với cùng kỳ 2024.

Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh đều có mức tăng trưởng ấn tượng: cho vay khách hàng ước đạt gần 86.835 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với 31/12/2024. Tổng huy động vốn (gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) ước đạt hơn 120.148 tỷ đồng, tăng trưởng 19,6% so với cuối năm 2024, tương ứng mức tăng hơn 19.726 tỷ đồng trong bối cảnh mức lãi suất huy động chung trên thị trường đang ở mức thấp. So với kế hoạch 2025 được thông qua tại đại hội cổ đông thường niên hồi cuối tháng 3 vừa qua, cho vay khách hàng 6 tháng đầu năm của NCB đã sắp cán mốc chỉ tiêu đề ra, đạt 90,4% và tổng huy động vốn vượt gần 1,4%.

Môt ngân hàng khác ở top 3 cũng đang có sự bứt phá mạnh mẽ. PGBank vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2025 với tổng tài sản tăng 7,6% so với cuối năm 2024, đạt 78.553 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2025 đạt 284,3 tỷ, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2024. Dư nợ tín dụng đạt 45.436 tỷ đồng, tăng trưởng 9,4% so với cuối năm 2024. Huy động thị trường 1 đạt 46.726 tỷ đồng, tăng trưởng 7,8% so với cuối năm 2024. Tổng thu thuần 6 tháng đầu năm của ngân hàng này đạt 1.074 tỷ đồng, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2024 chủ yếu nhờ tăng trưởng về quy mô cho vay và tăng trưởng thu ngoài lãi.

Danh mục đầu tư của PGBank tăng trưởng thêm, ngoài trái phiếu chính phủ còn đầu tư chứng chỉ tiền gửi nên thu lãi thuần tăng trưởng. Thu ngoài lãi 6 tháng đạt 152 tỷ đồng tăng trưởng hơn 100% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ tăng thu từ hoạt động giải ngân và kinh doanh ngoại tệ. Hoạt động bảo lãnh, bảo hiểm có tăng nhẹ, đồng thời, thu sử dụng dự phòng có chút khởi sắc khi thu được một số khách hàng lớn tồn tại từ nhiều năm, 6 tháng đầu năm thu được 65,4 tỷ tăng 41,2 tỷ so với cùng kỳ 2024.

Một số ngân hàng khác như Kienlongbank, Nam A Bank đều ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số về dư nợ tín dụng, đồng thời kiểm soát tốt tỷ lệ nợ xấu, tính đến hết quý 2/2025. Đơn cử như Nam A Bank tăng trưởng dư nợ tới 14,7%, huy động vốn tăng 22%, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt gần 20%, một con số vốn dĩ chỉ thường thấy ở các ngân hàng hàng đầu. Kienlongbank thậm chí còn gây chú ý khi lợi nhuận bán niên tăng tới 67%, trong khi tỷ lệ nợ xấu giảm xuống dưới 2%.

Ngân hàng tư nhân chủ động chuyển dịch mô hình

Điểm chung của các ngân hàng này là đều đã trải qua một quá trình tái cơ cấu quyết liệt, từ thay đổi nhân sự cấp cao, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, chuyển dịch mô hình sang ngân hàng số, đến tối ưu hóa danh mục cho vay. Quan trọng hơn cả, những bước đi đó không còn mang tính “đối phó” hay “trang điểm sổ sách”, mà thực chất đã hình thành chiến lược vận hành mới: Ít phụ thuộc vào tín dụng truyền thống, tăng thu ngoài lãi, và đẩy mạnh dịch vụ tài chính số. Chính sự chuyển mình này giúp họ “vượt lên chính mình”, đóng góp vào bức tranh tăng trưởng chung của toàn hệ thống.

Theo đại diện lãnh đạo của NCB chia sẻ, kết quả kinh doanh khả quan của 6 tháng đầu năm nay là nhờ quyết liệt giải quyết căn bản các tồn đọng, khắc phục một cách toàn diện các vấn đề tồn tại, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng thông qua các giải pháp bài bản, đúng đắn, đúng lộ trình của phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng đã giảm mạnh so với cuối năm 2024. Ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay mới với các khách hàng có điểm tín dụng cao và hồ sơ vay minh bạch, đồng thời ứng dụng số hóa trong công tác tín dụng.

Hay với PGBank là việc triển khai các ứng dụng cốt lõi, với các dự án trọng điểm như nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, triển khai hệ thống giao dịch đa kênh hợp nhất (Omni Channel) nhằm tăng cường trải nghiệm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp; tái cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo an ninh hệ thống. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các quy địnhvề tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng; triển khai giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.

Không thể không nhắc tới vai trò điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình tạo dư địa cho tín dụng phát triển. Việc duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp, linh hoạt bơm/hút vốn qua thị trường mở, và đặc biệt là các gói tín dụng mục tiêu (như gói 145.000 tỷ cho nhà ở xã hội, 100.000 tỷ cho nông - lâm - thủy sản, hay 500.000 tỷ cho hạ tầng công nghệ cao…) đã định hướng dòng tiền chảy đúng chỗ, hạn chế rủi ro bong bóng tài sản hay đầu cơ bất động sản. Bên cạnh đó, các chỉ đạo về kiểm soát rủi ro, minh bạch thông tin, quản lý tốt chất lượng tín dụng và bảo đảm an toàn hệ thống cũng được triển khai đồng bộ, tạo niềm tin cho thị trường.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những cảnh báo đáng lưu tâm. Một số ngân hàng nhỏ, dù tăng trưởng tín dụng mạnh, nhưng nợ xấu tiềm ẩn trong nhóm 2 và nhóm 3 vẫn có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thực sự trong thời gian tới, nhất là nếu lãi suất toàn cầu có diễn biến đảo chiều hoặc thanh khoản gặp căng thẳng. Áp lực lên hệ số an toàn vốn (CAR) cũng bắt đầu rõ rệt ở nhóm ngân hàng vừa và nhỏ, khi tỷ lệ tăng trưởng tài sản nhanh hơn vốn chủ sở hữu. Đặc biệt, khi toàn ngành hướng tới việc bỏ trần tín dụng trong tương lai gần, như một bước để thị trường hóa hoạt động cấp vốn thì khả năng quản trị rủi ro, đánh giá khách hàng và minh bạch sổ sách sẽ trở thành thước đo “sinh tử”.

6 tháng đầu năm 2025 đã khép lại với một điểm sáng lớn: Tín dụng không chỉ “chạy nhanh” mà còn “chạy đúng”, bền vững hơn. Cú bứt phá của nhóm ngân hàng top sau và trong diện tái cơ cấu cho thấy tiềm năng chưa được khai thác hết trong hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam. Nhưng để duy trì đà này, điều cần thiết không chỉ là vốn, mà là bản lĩnh cải cách nội tại, năng lực quản trị và một hệ sinh thái pháp lý đủ rộng để các ngân hàng tự do phát triển trong khuôn khổ an toàn.

Duy Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngan-hang-top-sau-but-pha-manh-me-411154.html