Ngăn nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi diện rộng
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, hiện nay, tỉnh Tuyên Quang và thành phố Đà Nẵng đang tập trung cao độ, triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm khống chế, ngăn chặn nguy cơ lây lan diện rộng, bảo vệ đàn vật nuôi và sinh kế của người dân.

Lực lượng thú y triển khai phun tiêu độc khử trùng ở chuống trại xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang, tính đến ngày 17/7/2025, toàn tỉnh đã tổ chức tiêu hủy bắt buộc 1.409 con lợn mắc bệnh với tổng trọng lượng gần 69 tấn, thuộc 149 hộ ở 74 thôn, 21 xã trong tỉnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy, tỷ lệ mẫu dương tính cao với 44/50 mẫu; trong đó có mẫu lấy từ phương tiện vận chuyển.
Ghi nhận tại xã Quản Bạ, địa phương đang có ổ dịch, công tác kiểm soát đang được triển khai quyết liệt. Các chốt kiểm dịch tạm thời được thành lập; công tác tiêu hủy lợn bệnh thực hiện đúng quy trình kỹ thuật; vệ sinh, khử trùng khu vực dịch được tiến hành nghiêm túc, đảm bảo an toàn sinh học.
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Trưởng Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản khu vực 7 cho biết: "Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã để rà soát, thống kê đàn lợn, tuyên truyền cho người dân nhận biết triệu chứng bệnh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Trong thời gian tới, việc kiểm tra vận chuyển và giết mổ lợn sẽ được tăng cường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm".
Không chỉ xử lý các ổ dịch đã xuất hiện, tỉnh Tuyên Quang còn đẩy mạnh công tác phòng ngừa tại những địa bàn chưa có dịch. Các tổ kiểm tra lưu động được thành lập để kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn, đặc biệt trên các tuyến đường mòn, lối mở. Người chăn nuôi được khuyến cáo không giấu dịch, không vứt xác lợn ra môi trường và phải khai báo dịch bệnh trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện lợn ốm.
Tỉnh Tuyên Quang đã bố trí kinh phí khẩn cấp hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch, yêu cầu việc tiêu hủy phải đúng kỹ thuật, tránh phát tán mầm bệnh. Lực lượng tiêu hủy được trang bị bảo hộ đầy đủ, hóa chất, vôi bột… để đảm bảo xử lý triệt để. Việc khử trùng được thực hiện 1 lần/ngày trong 7 ngày đầu và duy trì 3 lần/tuần trong 2 - 3 tuần tiếp theo ở vùng có dịch và vùng nguy cơ cao.

Tiêu hủy lợn chết do dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: TTXVN phát
Ông Nguyễn Văn Sức, Phó phòng Thú y, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết: "Ngay khi có kết quả dương tính từ Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương I, chúng tôi chỉ đạo các trạm khu vực phối hợp địa phương tiêu hủy triệt để lợn bệnh và phun tiêu độc ổ dịch. Toàn lực lượng đang duy trì giám sát, kiểm tra thường xuyên để kiểm soát dịch lây lan".
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương công bố dịch đúng quy định, huy động toàn bộ nguồn lực xử lý dứt điểm ổ dịch cũ, tuyệt đối không để phát sinh ổ dịch mới.
Cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát hiện sớm, khai báo và tiêu hủy lợn bệnh, lợn nghi bệnh trong vòng 24 giờ. Thông báo với người dân tuyệt đối không vứt xác lợn chết ra môi trường gây ô nhiễm và phát tán dịch bệnh.
Với các địa phương chưa có dịch, tỉnh yêu cầu triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa. Các phường, xã tăng cường kiểm tra công tác phòng dịch, thành lập tổ liên ngành kiểm soát chặt vận chuyển trái phép lợn và sản phẩm từ lợn vào địa bàn. Song song với các giải pháp hành chính, ngành nông nghiệp và môi trường tỉnh cũng khuyến khích người dân chủ động tiêm vaccine phòng bệnh để tăng cường miễn dịch trong đàn, dù đây không phải giải pháp bắt buộc.
* Trong khi đó, ngày 18/7, Chủ tịch UBND xã Thăng Bình, thành phố Đà Nẵng Đoàn Thanh Khiết cho biết, địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh động vật do Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban và Tổ công tác hỗ trợ tiêu hủy động vật bị dịch bệnh trên địa bàn xã Thăng Bình, nhằm tập trung quyết liệt trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch động vật trên địa bàn, trong đó tập trung cho dịch bệnh tả lợn châu Phi. Thực hiện nghiên “5 không” gồm: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt và không vứt lợn chết ra môi trường.
Trước đó, ngày 17/7, nhận được thông tin về đàn lợn của hộ ông Trịnh Tấn Anh, tổ 1, thôn Quý Thạnh 1, bị bệnh nghi là bệnh dịch tả lợn châu Phi, Phòng Kinh tế xã đã cử cán bộ phối hợp với Trung tâm cung ứng dịch vụ sự nghiệp công xã Thăng Bình kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Trung tâm Chẩn đoán và xét nghiệm Trung ương II tìm virus gây bệnh.
Chủ cơ sở chăn nuôi đề nghị UBND xã hỗ trợ để tiêu hủy tổng số lợn bệnh là 18 con, ước khoản 962 kg. UBND xã Thăng Bình đã chỉ đạo tổ công tác hỗ trợ tiêu hủy động vật bị dịch bệnh tiến hành lập hồ sơ và tiêu hủy đàn lợn trên.

Số lợn bị chết do dịch bệnh được chôn lấp cẩn thận, đúng quy trình. Ảnh: Đoàn Thanh Khiết/TTXVN phát
Ngoài ra, trên địa bàn xã có xuất hiện một số lợn chết bị người dân vứt xác xuống kênh thủy lợi Phú Ninh. UBND xã đã chỉ đạo Tổ công tác hỗ trợ tiêu hủy động vật bị dịch bệnh phối hợp với cán bộ phụ trách thủy lợi trên địa bàn tiến hành vớt và tiêu hủy số lợn trên.
Chủ tịch UBND xã Thăng Bình Đoàn Thanh Khiết cho biết, để ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng chương trình phát thanh xã để phát liên tục trong ngày thông báo về các nội dung như: hướng dẫn cách phòng bệnh trên đàn vật nuôi, cách xử lý khi có vật nuôi chết, các quy định về chính sách hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật, đặc biệt và vấn đề ý thức của người dân khi đối phó với dịch bệnh ở lợn, các hình thức xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về vi phạm các quy định về xử lý dịch bệnh ở lợn, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm như tả lợn châu Phi theo Luật Thú y năm 2015 và Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Mặt khác xã Thăng Bình đã xây dựng các infographic liên quan đến dịch tả lợn châu Phi để thông tin trên các mạng xã hội, nhất là các fanpage chính thống của xã, treo các bảng Panol cảnh báo tại các trục đường chính của các thôn đang có dịch xảy ra để cảnh báo người dân và nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về việc nuôi và phòng chống dịch bệnh.
Hiện tại, Phòng Kinh tế xã cử nhân viên thú y thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh để xử lý kịp thời, đồng thời báo cáo lãnh đạo để chủ động trong chỉ đạo, điều hành. Hướng dẫn chủ hộ thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực chung quanh bằng hóa chất, vôi bột; tổ chức triển khai vệ sinh khử trùng tiêu độc tại ổ dịch, hố chôn và thôn có ổ dịch bằng hóa chất Bencocid.
Chỉ đạo Thôn trưởng của 23 thôn trên địa bàn xã tập trung rà soát, nắm lại tình hình dịch bệnh trên địa bàn thôn, đồng thời chủ động bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện việc mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ, máy phun hóa chất, chi tạm ứng chi phí nhân công thực hiện công tác tiêu độc khử trùng theo kế hoạch, đảm bảo chống dịch diễn ra liên tục đạt hiệu quả, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
UBND xã Thăng Bình đề nghị UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Đà Nẵng hỗ trợ 300 lít hóa chất và 2 máy phun động cơ để địa phương thực hiện tiêu độc khử trùng. Đồng thời, quan tâm hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có lợn bị dịch bệnh chết theo đúng quy định.