Ngành dệt may nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu

Bất chấp những gián đoạn của chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, trong quý I năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may nước ta vẫn đạt được gần 9 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước, nhất là ở TP Hồ Chí Minh, đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 8, tháng 9 năm nay.

Một chuyền may tại Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 đang hoạt động. (ảnh của doanh nghiệp cung cấp).

Một chuyền may tại Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 đang hoạt động. (ảnh của doanh nghiệp cung cấp).

Bất chấp những gián đoạn của chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, trong quý I năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may nước ta vẫn đạt được gần 9 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước, nhất là ở TP Hồ Chí Minh, đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 8, tháng 9 năm nay.

Từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay, Công ty cổ phần quốc tế Dony (Công ty Dony) ở quận Tân Bình liên tục hoạt động để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Mới đây, công ty này đã ký hợp đồng với ba khách hàng lớn ở khu vực Trung Ðông để cung cấp quần áo và đang tiếp tục đàm phán với nhiều khách hàng khác xúc tiến ký đơn hàng mới. Giám đốc Công ty Dony Phạm Quang Anh cho hay, có nhiều tín hiệu tích cực giúp thị trường xuất khẩu các mặt hàng dệt may tăng trưởng và sẽ nhộn nhịp hơn trong thời gian tới. "Niềm tin của người tiêu dùng thế giới đang tốt lên. Sau thời gian dồn nén vì tiêu dùng giảm, đầu năm 2021, sức mua tăng lên giúp DN dệt may có nhiều đơn hàng hơn. Thêm vào đó, sự bất ổn chính trị ở một số nước, vùng lãnh thổ đã ảnh hưởng đến năng lực sản xuất dệt may của họ khiến các nhà mua hàng chuyển hướng sang Việt Nam, nhờ vậy DN trong nước có thêm cơ hội", ông Quang Anh phân tích.

Chủ cơ sở may gia công Thế kỷ mới Hằng Phạm (huyện Củ Chi) cho biết đang tuyển thêm nhiều công nhân để sản xuất kịp đơn hàng theo yêu cầu của khách hàng. "Chúng tôi là cơ sở gia công cho các DN xuất khẩu. Nhiều tháng trong năm 2020, gần 50 công nhân thất nghiệp do không có đơn hàng vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Từ cuối năm ngoái trở đi, tình hình sản xuất tốt hơn khi các DN giao hàng về nhiều. Chúng tôi vừa được giao lô hàng lớn để gia công cho đối tác ở Mỹ và đang tuyển thêm nhân công cho kịp tiến độ", bà Hằng vui mừng cho hay.

Lãnh đạo Công ty TNHH Việt Thắng Jean (TP Thủ Ðức) cũng cho hay, khách hàng của một số quốc gia, vùng lãnh thổ chuyển sang mua hàng tại Việt Nam khá nhiều. Mới đây, công ty đã ký hợp đồng đến hết tháng 6-2021. Tuy nhiên, người tiêu dùng tại EU và Mỹ đều đang tiết giảm chi tiêu rất mạnh, cho nên dù nhu cầu mua sắm hàng dệt may vẫn có nhưng mức giá bị kéo giảm khá nhiều. Ðiều này buộc các DN phải tính toán lại các khâu trong quá trình sản xuất để giảm giá thành…

Theo Hội Dệt May Thêu Ðan TP Hồ Chí Minh (Agtex), hầu hết DN đã có đơn hàng đến hết tháng 6, một số DN có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8-2021. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, Chủ tịch Agtex Phạm Xuân Hồng, chia sẻ: "May Sài Gòn 3 đã ký đơn hàng quần jeans, ka-ki xuất sang Nhật Bản đến hết quý II-2021. Saigon Garmex, Việt Tiến... cũng có đơn hàng tốt. Phần lớn DN đã có đơn hàng, có thể do năm ngoái tiêu thụ sụt giảm mạnh cho nên năm nay tăng trở lại. Tiêu thụ chính vẫn là những thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Trong đó, thị trường Mỹ tăng khả quan; châu Âu tăng chưa tương xứng tiềm năng do DN Việt Nam chưa khai thác tốt lợi thế của EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU)".

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, xu thế tiêu dùng may mặc của thế giới đã thay đổi rất nhiều. Trong năm 2020, các mặt hàng vét-tông, sơ-mi, quần âu suy giảm mạnh nhất (vét-tông giảm 70%, quần âu giảm 45%, áo sơ-mi giảm hơn 30%). Ðến năm 2021, các mặt hàng kể trên có sự phục hồi nhất định so với năm 2020, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng lực sản xuất của ngành may Việt Nam đã đạt được trước đó. Ðây lại là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Trong sáu tháng đầu năm 2021, thị trường sẽ tiêu thụ chính là các mặt hàng cơ bản, giá cả tương đối rẻ. Thực tế hiện nay, các nhà máy may của Việt Nam vẫn chạy đầy tải các mặt hàng dệt kim, hàng quần áo cơ bản. Ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết. Ðặc biệt, Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng được kỳ vọng tạo ra động lực cho ngành và thay thế một số thị trường mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được. Ðồng thời, các FTA còn là lực hấp dẫn giúp ngành dệt may tiếp tục kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt nguyên liệu…

Báo cáo của Công ty Chứng khoán BSC cho thấy, tính đến nay, một số DN dệt may đã kín đơn hàng đến tháng 8-2021. Tình hình được cho là đã cải thiện so với cùng thời điểm năm ngoái khi khách hàng ngưng đặt đơn hàng mới và đơn hàng cũ bị hủy, hoặc trì hoãn giao. Năm 2021, với kỳ vọng cuộc sống trở lại bình thường, nhu cầu mua sắm của người dân sau một năm bị kìm nén sẽ tăng trưởng trở lại. Ðiều này giúp các hãng thời trang lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh, từ đó tác động tích cực đến các đơn hàng may truyền thống tại các nhà máy may ở Việt Nam.

Ông Phạm Xuân Hồng nhìn nhận, dù các DN đều có đơn hàng, song cũng mới chỉ đáp ứng ở mức độ duy trì sản xuất, còn triển vọng vẫn chưa rõ ràng do dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. Dệt may Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thế giới, khi các thị trường tiêu thụ chưa ổn định thì cả ngành khó tăng trưởng tốt được.

Tương tự ngành dệt may, các DN trong ngành da giày cũng đã có đơn hàng sản xuất dài hạn trở lại. Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), ngành đang có bước tiến lớn khi các tập đoàn phân phối, chuỗi cung ứng thế giới đã tin tưởng vào khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm của DN Việt Nam. Ðiều này cho thấy niềm tin của các đối tác quốc tế vào DN Việt Nam đang được duy trì và củng cố.

Phương Vy

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/nganh-det-may-nhan-nhieu-don-hang-xuat-khau-648090/